Thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với các ngành hữu quan tiến hành thanh tra các đơn vị sử dụng lao động, quản lý chặt chẽ công tác quản lý thu, xử lý thu hồi nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT và quyền lợi của người lao động.
Tính đến ngày 1-1-2016 trên địa bàn Thành phố Nam Định có 160 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ hơn 24 tỷ 219 triệu đồng; có 109 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHYT với số tiền nợ 1 tỷ 636 triệu đồng; có 108 đơn vị nợ BHTN với số tiền nợ trên 842 triệu đồng. Tình trạng nợ đọng BHXH trong các doanh nghiệp dẫn đến quyền lợi của 2.042 người lao động bị ảnh hưởng khi các chế độ chính sách BHXH, BHYT của họ không được doanh nghiệp thực hiện; cụ thể là không được thanh toán chế độ khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí do chưa đủ thời gian đóng BHXH. Nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động nhiều tháng như: Cty CP Xây dựng và PTNT Nam Định nợ 32 tháng với số nợ hơn 1,2 tỷ đồng; Cty CP Sinh Hóa Nam Định nợ 27 tháng với số nợ 668 triệu đồng; Cty TNHH Bạch Việt MB nợ 22 tháng với số nợ 2,2 tỷ đồng; Cty TNHH Dệt Vĩnh Phúc tại Nam Định nợ 12 tháng, số nợ 2,2 tỷ đồng; Cty CP Hữu Thịnh nợ 31 tháng với số nợ 737 triệu đồng; Cty CP Tư vấn đầu tư công nghiệp Nam Định nợ 46 tháng với số nợ 349 triệu đồng...
Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) là đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho người lao động. |
Toàn tỉnh hiện có 4.737 đơn vị, gồm 1.270 cơ quan hành chính sự nghiệp, 3.432 doanh nghiệp và các HTX có sử dụng lao động theo chế độ hợp đồng lao động. Theo BHXH tỉnh, tình trạng nợ đọng dây dưa, mang tính “bắc cầu” đang trở thành phổ biến ở các doanh nghiệp. Nếu tổng số nợ BHXH, BHYT đến thời điểm 31-12-2015 là 94,914 tỷ đồng thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng số nợ đã là 170,175 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 68,887 tỷ đồng; nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là 58,818 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy, xu hướng nợ đọng BHXH ngày càng gia tăng cả về số đơn vị sử dụng lao động và cả tổng số nợ đọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH, BHYT. Đồng chí Nguyễn Trung Thực, Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh cho biết: Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ở các doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, về phía người sử dụng lao động, tìm cách đối phó, trốn tránh hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, đóng không đúng thời gian, không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng xảy ra. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các đối tượng ngoài công lập thì việc thực hiện Luật BHXH chưa tốt, còn có nhiều đơn vị không thực hiện, gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện chính sách BHXH cho người lao động. Thực tế, có hơn 1.000 doanh nghiệp (tương ứng trên 30 nghìn lao động) thuộc diện phải tham gia nhưng chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền BHXH dùng vào những việc khác; thậm chí, chấp nhận bị xử phạt vì không nộp BHXH. Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động chỉ mang tính hình thức, đối phó. Nhiều đơn vị có đủ điều kiện tham gia BHXH nhưng chủ sử dụng lao động chưa nhận thức được đầy đủ việc tham gia BHXH nên không quan tâm đến việc tham gia BHXH cho người lao động. Một số đơn vị, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đóng trên địa bàn các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Trực Ninh hoạt động mang tính thời vụ, sử dụng lao động nông thôn là chính, do vậy sự gắn bó giữa chủ sử dụng lao động và người lao động chỉ mang tính thời vụ, không có sự gắn bó lâu dài nên chủ sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Về phía người lao động, do thiếu hiểu biết về pháp luật hay chưa quan tâm đúng mức đến BHXH đã vô tình tiếp tay cho doanh nghiệp, đồng thời bản thân và gia đình bị thiệt thòi khi ốm đau, thai sản hay tai nạn lao động. Ở một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thu nhập cao, mặc dù người lao động biết chủ sử dụng lao động cố tình làm sai quy định Luật BHXH, không đăng ký tham gia BHXH cho họ nhưng vì sợ mất việc làm nên không dám đòi hỏi…
Trước thực trạng nợ đọng BHXH, BHYT diễn biến phức tạp. BHXH tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận chức năng quyết liệt thực hiện đôn đốc, thu nợ; BHXH các huyện, thành phố thường xuyên thông báo và đến từng đơn vị để đôn đốc việc thu nộp bảo hiểm; nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn để đưa ra những biện pháp hợp lý. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với các ngành hữu quan tiến hành thanh tra các đơn vị sử dụng lao động, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình chây ỳ; quản lý chặt chẽ công tác quản lý thu, xử lý thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Luật BHXH sửa đổi 2014 có hiệu lực từ 1-1-2016 giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH nhằm bổ sung lực lượng thanh tra để từng bước khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH của các đơn vị đang xảy ra phổ biến với diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa 13, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 cũng đã quy định cụ thể các mức phạt đối với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thay vì các biện pháp xử lý hành chính trước đây. Cụ thể, Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm… Trước mắt, những tháng đầu năm 2016, BHXH tỉnh tiếp tục gửi thông báo đến chủ sử dụng lao động về số tiền nợ để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN. Trường hợp đơn vị nợ có dấu hiệu chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHXH tỉnh báo cáo với BHXH Việt Nam và UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và yêu cầu thanh toán dứt điểm số tiền nợ. Đối với đơn vị, doanh nghiệp nợ trên 6 tháng với số tiền lớn (từ 100 triệu đồng trở lên) sau nhiều lần kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở hoặc đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nếu đơn vị vẫn cố tình không nộp, BHXH tỉnh thực hiện lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án./.
Bài và ảnh: Việt Thắng