Những năm qua, Ngân hàng CSXH đã tích cực triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn Thành phố Nam Định, giúp các hộ gia đình có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trước đây, gia đình bác Đỗ Đức Toàn, tổ dân phố số 10, Liên Hà 1, phường Lộc Hạ còn là hộ cận nghèo của phường. Với ý chí, sự quyết tâm của một đảng viên, cựu chiến binh cùng sự giúp sức của Ngân hàng CSXH, năm 2000 bác Toàn đã quyết định nhận thầu trên 14 nghìn m2 mặt nước bùn lầy để xây dựng gia trại. Sau gần chục năm lăn lộn, bác Toàn đã có được 3 ao nuôi các loại cá giống, trắm đen, trôi, mè, chim trắng và 2 ao lắng để xử lý nguồn nước. Để bảo đảm việc kinh doanh các loại cá giống thành công, bác Toàn thường lấy giống cá bột từ các trại giống ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Nam Toàn (Nam Trực) về nuôi lớn rồi xuất bán cá giống cho các hộ nuôi cá thịt ở trong và ngoài tỉnh. Cùng với sản xuất các loại cá giống, bác Toàn xây 5 chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt, gà và trồng các loại rau. Nhờ tập trung phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, mỗi năm gia đình bác Toàn đã đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng. Đến nay gia đình bác Toàn đã thực sự thoát nghèo. Bác Toàn cho biết, nhờ sự động viện của các cán bộ tín dụng và sự hỗ trợ của Ngân hàng CSXH từ một vài triệu đồng ban đầu đến 50 triệu đồng theo từng giai đoạn đã giúp tôi có thêm nguồn lực, sự tự tin để quyết tâm vươn lên trong cuộc sống... Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng CSXH tỉnh, Ban đại diện HĐQT, các hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ngân hàng CSXH thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng các chương trình cho vay nói chung, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nói riêng. Tập trung xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các xã có tỷ lệ nợ quá hạn từ 1% trở lên; xây dựng kế hoạch củng cố các tổ TK và VV có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%, số tổ viên thấp... nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho tổ TK và VV. Hằng tháng, Ngân hàng CSXH tổ chức phân tích nguyên nhân nợ quá hạn của từng món vay, thông báo cho hội, đoàn thể các cấp phối hợp chỉ đạo đôn đốc thu hồi. Nhờ đó đến 31-12-2015, toàn thành phố đã có 5 xã, phường không có nợ quá hạn là Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trường Thi, Vị Hoàng và Thống Nhất.
Được Ngân hàng CSXH Thành phố Nam Định cho vay, ông Đỗ Đức Toàn tổ dân phố số 10, Liên Hà 1, phường Lộc Hạ đã đầu tư phát triển gia trại. |
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH còn cử cán bộ tham gia sinh hoạt cùng với tổ TK và VV để tuyên truyền đến tổ viên chính sách, chế độ, quyền lợi và trách nhiệm của tổ viên nhằm nâng cao ý thức của tổ viên trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ tiền gốc, tiền lãi đầy đủ, đúng hạn, không đứng tên vay hộ, cho người khác vay ké, không gửi tiền gốc nhờ tổ trưởng tổ TK và VV, cán bộ hội trả hộ tránh tình trạng nguồn vốn chính sách bị lợi dụng xâm tiêu, chiếm dụng. Anh Cao Xuân Nguyên ở tổ dân phố số 41, phường Trường Thi được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng đầu tư phát triển nghề mộc dân dụng và kinh doanh hàng tạp hóa tại nhà. Anh cho biết, do thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở nên toàn bộ nguồn vốn vay tôi đã đầu tư mua máy bào đa năng, gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất và một phần kinh doanh hàng tạp hóa. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nên xưởng mộc của anh đã phát triển ổn định, tạo việc làm cho 4 lao động... Việc trả tiền gốc, tiền lãi cho ngân hàng được anh Hùng thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, tiết giảm chi phí trong việc vay vốn, ngoài việc tổ chức giao dịch tại trụ sở, Ngân hàng CSXH còn tổ chức 14 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, phường. Tại điểm giao dịch, ngân hàng công khai các chủ trương, chính sách, danh sách dư nợ của từng hộ và tổ chức giao dịch với khách hàng vào 1 ngày cố định trong tháng. Đối với các xã, phường không đặt điểm giao dịch Ngân hàng CSXH cũng công khai đầy đủ các chủ trương, chính sách, niêm yết dư nợ, tiết kiệm của từng hộ vay… tại trụ sở UBND xã, phường. Giao cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn cùng với các hội, đoàn thể có trách nhiệm giám sát bảo quản, đảm bảo các nội dung công khai tại điểm giao dịch luôn được thực hiện đầy đủ. Để bảo đảm việc giao dịch tại điểm giao dịch xã, phường đạt hiệu quả, Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội chỉ đạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể cấp xã thực hiện tốt chức năng giám sát các phiên giao dịch, hướng dẫn, kiểm soát tổ trưởng tổ TK và VV, hộ vay vốn hoàn thiện các thủ tục trước khi vào giao dịch với ngân hàng giúp cho việc giao dịch với khách hàng của ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng. Thông qua việc giám sát, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cũng nắm bắt tốt hơn hoạt động của các tổ TK và VV thuộc hội mình quản lý, danh sách hộ vay đến hạn trả nợ, lãi tồn cao trong ngày giao dịch để có thể đôn đốc, nhắc nhở kịp thời, hạn chế tình trạng chây ỳ, nợ quá hạn. Nhờ tổ chức tốt công tác giao dịch lưu động tại địa bàn xã đã hạn chế việc người dân phải đến giao dịch tại trụ sở chính, tỷ lệ giao dịch tại điểm lưu động đạt trên 85%. Đến ngày 31-12-2015, các tổ chức chính trị, xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn Thanh niên nhận uỷ thác quản lý 145 tổ TK và VV với 3.783 hộ vay vốn, dư nợ 69 tỷ 912 triệu đồng, chiếm 99,4% tổng dư nợ, tăng 2 tỷ 88 triệu đồng so năm 2014. Bình quân 26 hộ/tổ, dư nợ 482 triệu đồng/tổ; trong đó Hội Nông dân có dư nợ ủy thác tăng 3 tỷ 622 triệu đồng so với năm 2014.
Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp thúc đẩy cho vay chương trình hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững của thành phố./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại