Rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) là những biện pháp kỹ thuật được các quốc gia sử dụng như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng nội địa, lợi ích quốc gia, bảo hộ sản xuất trong nước khi tham gia thị trường tự do khu vực và toàn cầu. Khi nước ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, vượt qua các quy định TBT của các thị trường xuất khẩu mới. Tuy nhiên đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm đúng mức tới các TBT. Việc các sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu bị đối tác trả lại do các vấn đề liên quan đến vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là những dẫn chứng cụ thể. Để tình trạng này lặp lại nhiều sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp cụ thể mà có thể tác động xấu tới cả ngành hàng liên quan, chưa kể doanh nghiệp phải tốn chi phí tiêu hủy hàng hóa...
Sản phẩm len xuất khẩu tại Cty Chăn len (Tổng Cty Dệt Nam Định) đáp ứng yêu cầu của các TBT khi tham gia xuất khẩu vào thị trường các nước EU. |
Trước thực trạng đó và yêu cầu phát triển xuất khẩu, UBND tỉnh đã thành lập Văn phòng TBT của tỉnh do Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) là cơ quan thường trực, chủ trì thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Trong giai đoạn 2011-2015, Văn phòng TBT đã thực hiện tốt vai trò tham gia xây dựng các văn bản pháp quy kỹ thuật; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương; thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định TBT... Thường xuyên cập nhật thông tin của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn... Văn phòng TBT đã thống kê, rà soát 109 văn bản quy phạm pháp luật liên quan do UBND tỉnh ban hành, phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với các văn bản pháp luật và các cam kết quốc tế, cam kết của WTO nói chung và Hiệp định TBT nói riêng. Định kỳ hằng tháng cập nhật các thông tin, phổ biến Hiệp định TBT và các vấn đề liên quan văn bản kỹ thuật, đặc điểm một số thị trường xuất khẩu lớn và cảnh báo của các nước thành viên WTO… tập hợp thành “Bản tin TBT” phát cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong các ngành hàng: Dệt may, chế biến nông sản, thủy sản, dược phẩm, mỹ phẩm... Phối hợp với Văn phòng TBT Việt Nam, Trung tâm Năng suất Việt Nam và Trung tâm Đào tạo thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH và CN) tổ chức 5 khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, các công cụ cải tiến chất lượng sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt các quy định của WTO, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu và năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời đầu tư trang thiết bị lưu giữ và cung cấp 2.200 cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các loại hàng hóa… đáp ứng cơ bản nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hoặc hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Các hoạt động tích cực này đã giúp doanh nghiệp từng bước thay đổi nhận thức về TBT, hiểu được những thách thức cũng như cơ hội mà TBT mang lại để có phương án đầu tư cơ sở vật chất, điều chỉnh chiến lược sản xuất phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá của doanh nghiệp. 5 năm qua giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh liên tục tăng và năm 2015 đã đạt mốc 1 tỷ USD là minh chứng rõ nét cho hiệu quả thực tiễn của việc đầu tư đúng mức cho TBT. Nhiều doanh nghiệp như Tổng Cty CP Dệt May Nam Định, Cty CP May Nam Hà, Cty CP May Thúy Đạt, Cty CP Lâm sản và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản, cơ khí chế tạo đã thường xuyên cập nhật thông tin từ Văn phòng TBT để điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Cty CP Thúy Đạt, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) là một trong những đơn vị nhạy bén trước các rào cản thương mại của đối tác đặt ra. Để đón đầu quy chế “yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi” với nhóm hàng dệt may, ngay khi Nhà nước chuẩn bị đàm phám Hiệp định TPP, Cty liên hệ với Sở KH và CN; Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH và CN); Văn phòng xuất nhập khẩu, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công thương) hỗ trợ nghiên cứu những tiêu chuẩn kỹ thuật cần hướng đến để điều chỉnh chiến lược sản xuất. Trên cơ sở đó, ngay từ năm 2010, Cty đã triển khai dự án “trồng và sản xuất bông, cao su” tại tỉnh Xiêng Khoảng (nước CHDCND Lào) với diện tích 9.500ha, tổng mức đầu tư gần 100 triệu USD. Trong đó giai đoạn 1 trồng 3.500ha bông và sẽ mở rộng trong thời gian tiếp theo. Toàn bộ diện tích trồng bông được chăm sóc, thu hoạch bằng cơ giới hóa theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ để trở thành vùng nguyên liệu vải sợi lớn cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may trong nước, trong tỉnh, chủ động đối phó với tình trạng phải nhập nguyên liệu giá cao, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Cty đầu tư các nhà máy liên hoàn từ khâu kéo sợi, dệt, tẩy nhuộm, may, kiểm hóa… để hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, riêng sản phẩm sợi không chỉ đáp ứng yêu cầu sản xuất khăn, vải tại chỗ mà còn cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cũng do chủ động được nguồn nguyên liệu, áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đối với doanh nghiệp dệt may như (ISO, 5S, SA8000…) nên sản phẩm sợi, vải, khăn bông, quần áo của Cty đáp ứng hầu hết yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hoạt động TBT trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế như: Cán bộ tham gia mạng lưới TBT kiêm nhiệm, hay phải luân chuyển công tác giữa các phòng, ban nên còn hạn chế kiến thức chuyên ngành về TBT. Sự phối hợp hoạt động giữa các thành viên trong mạng lưới TBT tại địa phương chưa thật sự hiệu quả... Công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung liên quan đến TBT chưa thật sự phong phú, đa dạng. Hầu hết mới thực hiện một chiều từ cơ quan quản lý Nhà nước đến doanh nghiệp mà chưa có nhiều yêu cầu thông tin phản hồi từ phía doanh nghiệp. Để tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp vượt qua rào cản thương mại một cách thuận lợi nhất, Văn phòng TBT tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các chính sách và quy định của các nước nhập khẩu hàng hóa của tỉnh để doanh nghiệp chủ động đầy đủ điều kiện nhằm vượt qua TBT. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động về nâng cao sức cạnh tranh nhằm đáp ứng được ngày càng tốt hơn và không bị cản trở bởi các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhãn mác sinh thái theo các tiêu chuẩn quốc tế (ISO 14020, ISO/DIS 14021, ISO/CD 14024) để vượt qua các rào cản về môi trường. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp để tăng thêm năng lực sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại để chủ động đối phó và vượt qua các TBT trong thương mại quốc tế. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường. Đặc biệt, khi gặp trở ngại do TBT hoặc cần trợ giúp các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong xuất khẩu hàng hóa có thể liên hệ với Văn phòng TBT Nam Định hoặc Văn phòng TBT Việt Nam để được giúp đỡ, khai thác hệ thống thông báo tự động về TBT trong thương mại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương