Trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc chủ động chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) từ phía doanh nghiệp không chỉ bảo đảm cuộc sống trong lành cho cộng đồng mà còn giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Để các doanh nghiệp tích cực chấp hành quy định pháp luật về BVMT, Sở TN và MT đã chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên, người lao động trong khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Sở TN và MT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm liên quan đến quy định BVMT từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư. Các cấp, các ngành chức năng còn áp dụng nhiều chương trình, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sản xuất, thay đổi công nghệ theo hướng sản xuất sạch và BVMT. Ngành Công thương đã phối hợp với các địa phương rà soát, bố trí hợp lý các KCN, CCN, điểm công nghiệp để các cơ sở, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư lựa chọn chuyển đổi địa điểm di chuyển nhà xưởng. Nhờ đó, những năm gần đây các cơ sở, doanh nghiệp đã từng bước chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong công tác BVMT. Những cơ sở, doanh nghiệp nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường đã xác định BVMT là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển sản xuất công nghiệp bền vững, tích cực thực hiện các biện pháp đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất, xây dựng cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn... Tình hình ô nhiễm công nghiệp đã được kiểm soát và cải thiện thông qua việc từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu, CCN. Tại các KCN, CCN đã đi vào hoạt động được quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) đã tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật BVMT theo tiêu chí bảo đảm công nghệ xanh trong quy trình vận hành sản xuất, bao gồm: khu xử lý nước thải giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước sạch giai đoạn I công suất 10 nghìn m3/ngày đêm, hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải, cây xanh, hồ điều hoà, kè mương, máng tiếp giáp với KCN. Các nhà đầu tư thứ cấp tại KCN cũng chủ động tích cực trong công tác BVMT, ký hợp đồng với các đơn vị chuyên môn vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại đúng quy định. Trong các CCN, tỷ lệ doanh nghiệp chấp hành các quy định: lập thủ tục, hồ sơ BVMT, đăng ký cấp sổ chủ nguồn chất thải nguy hại, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, có hệ thống xử lý khí thải, hệ thống xử lý bụi, tập hợp rác thải tại khu xử lý chung, có hợp đồng vận chuyển phí xử lý rác thải rắn và các khoản phí về BVMT đã ngày một tăng. Đặc biệt, các ngành chức năng, địa phương tích cực vận động mọi nguồn kinh phí để đầu tư thực hiện dự án khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề cơ khí nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực)… Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều vi phạm pháp luật về BVMT. Tình trạng doanh nghiệp xả các chất thải chưa qua xử lý như: nước thải, khí thải, các chất thải rắn, các chất thải nguy hại… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang gây ra nhiều vấn đề bức xúc cho người dân. Luật BVMT 2005 cùng hàng loạt các văn bản dưới luật có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp từ quá trình đầu tư kinh doanh cho đến khi chấm dứt hoạt động phải thực hiện các quy định về BVMT, song việc thực thi của doanh nghiệp trên thực tế chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về BVMT còn nhiều bất cập, hạn chế nên quá trình thực hiện trên thực tế gặp không ít khó khăn; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa đạt yêu cầu, yếu về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như vấn đề máy móc, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp manh mún, lạc hậu; các công cụ kinh tế như thuế, phí môi trường chưa phát huy hiệu quả trong việc tác động đến hoạt động BVMT của doanh nghiệp. Từ những nguyên nhân cơ bản trên đã làm giảm hiệu lực của việc chấp hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp trên thực tế.
Cty CP Dệt may Sơn Nam đầu tư công nghệ, thiết bị đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ BVMT trong giai đoạn mới, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 ngày 23-6-2014 đã thông qua Luật BVMT năm 2014 gồm: 20 chương, 175 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BVMT năm 2005; trong đó có các quy định BVMT đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2014, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý công tác BVMT của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ tháng 4-2015, Sở TN và MT đã phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý, phổ biến kịp thời đến các cơ sở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, tập trung phổ biến để mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nắm bắt, từ đó nghiêm túc thực hiện các quy định: Lập kế hoạch quản lý môi trường sau khi báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Khi vận hành các công trình BVMT, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất và khí thải phải thực hiện đúng quy trình phê duyệt trong báo cáo ĐTM hoặc kế hoạch BVMT đã xác nhận. Đồng thời, cần thực hiện phân loại và quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường trong trường hợp không tự xử lý. Đối với chất thải nguy hại, phải lập sổ đăng ký chủ nguồn thải, phân loại theo các nhóm khác nhau, lưu giữ trong kho chứa và quản lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN và MT về quản lý chất thải nguy hại. Các hoạt động sản xuất thuộc danh mục nguồn thải khí thải lưu lượng lớn phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Phải thực hiện quan trắc môi trường đối với các thông số và tần suất trong báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT hoặc văn bản tương đương được phê duyệt, xác nhận. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài KCN có lưu lượng xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục. Đối với khí thải, phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục. Hệ thống thiết bị quan trắc phải được kiểm định và hiệu chuẩn theo quy định để đảm bảo độ tin cậy của số liệu quan trắc. Riêng hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, chỉ được phép nhập khẩu các loại phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, hoặc nhận ủy thác nhập khẩu phải được cơ quan quản lý môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu và thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Thời gian tới, để tăng cường quản lý công tác BVMT trong các doanh nghiệp, Sở TN và MT sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT đối với những doanh nghiệp không chấp hành quy định của Luật BVMT. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT như Ban quản lý các KCN, CCN của tỉnh, lực lượng Cảnh sát môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Trước mắt tăng cường công tác giám sát việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các cơ sở, doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư; nghiêm cấm không được xả nước, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; kịp thời xử lý vi phạm nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở này gây ra. Không hình thành mới các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực đông dân cư. Tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề theo hướng vừa phù hợp với nguồn lực hiện có, vừa tránh xáo trộn quá lớn đến đời sống người dân. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra các CCN làng nghề. Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, tỉnh yêu cầu 100% các dự án đầu tư vào KCN trên địa bàn phải thực hiện nghiêm công tác BVMT theo đúng quy định. Kiến nghị để các cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư một số trạm quan trắc tác động môi trường nằm trong mạng lưới quan trắc quốc gia ở những khu vực, điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng gây tác động tiêu cực đến môi trường và xây dựng chương trình kế hoạch dài hạn về BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý