Quan tâm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp

08:11, 16/11/2015

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn đang là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi phần lớn người lao động nông thôn chưa nhận thức được việc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng; một bộ phận nông dân vì lợi ích kinh tế cố tình phớt lờ quy định về ATVSLĐ.

Hằng năm, tỉnh ta gieo cấy trên 150 nghìn ha lúa, gần 37 nghìn ha cây rau màu, cây công nghiệp; cung ứng cho thị trường khoảng 934 nghìn tấn lúa/năm; sản lượng cây có củ khoảng 35,5 nghìn tấn, cây có hạt 27,4 nghìn tấn, 3,7 nghìn tấn rau các loại. Những năm qua, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh. Cụ thể, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo cấy 25%, khâu phun thuốc BVTV 37%, khâu ra hạt 100%; khâu thu hoạch toàn tỉnh đã có 680 máy gặt đập lúa liên hợp, bảo đảm được 45% diện tích. Mức độ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của ngành nghề nông thôn chiếm khoảng 30%, có những ngành nghề mức độ cơ giới hóa đến trên 80% như ở các làng nghề cơ khí; việc sử dụng hóa chất ở các làng nghề: tre nứa ghép, sơn mài, chế biến gỗ… diễn ra thường xuyên. Việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, cơ giới hóa diễn biến nhanh nhưng theo kiểu tự phát trong khi người nông dân hoặc thiếu kiến thức, hoặc chủ quan khiến họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động. Ngoài nguy cơ mất an toàn do sử dụng máy móc, thì việc sử dụng các loại hóa chất trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng không đúng cách cũng gây nguy hiểm cho nông dân. Bà Phạm Thị H, nông dân huyện Trực Ninh cho biết: “Trong vụ mùa vừa rồi, có lần đi thăm lúa thấy lúa bị sâu nặng quá, tôi liền mua thuốc trừ sâu phun cấp tốc. Thấy sâu hại nhiều nên tôi phun lượng thuốc nhiều hơn bình thường, đúng thời điểm trời nắng nóng, phun xong lúa về nhà đầu óc choáng váng, nằm nghỉ cả ngày mới hồi sức. Sau này khi tìm hiểu, tôi mới biết sử dụng thuốc BVTV không thể tùy tiện. Tôi bị say thuốc vì phun quá liều lượng và giữa hôm trời nắng to”. Không riêng gì bà H, đến nay đa phần lao động trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn của tỉnh ta còn thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng máy và hóa chất an toàn. Phần lớn nông dân sử dụng máy móc theo kiểu học mót, truyền tay tự phát, do vậy những tai nạn xảy ra gây tổn thất về vật chất như: hư hỏng máy móc thiết bị hoặc gây tai nạn cho người sử dụng máy và những người xung quanh vẫn thường gặp ở nông thôn. Nhiều nông dân thường bỏ qua trang thiết bị phòng hộ cá nhân như không dùng khẩu trang, găng tay, ủng bảo hộ... khi làm việc. Nhiều trường hợp để thuốc trừ sâu ngay cạnh khu sinh hoạt của gia đình mà không được bảo vệ, cách ly cẩn thận. Thậm chí có người đang pha chế thuốc sâu cũng bật lửa châm thuốc hút, hoặc dùng tay vô tư lau lên mặt; ăn uống trong quá trình pha chế thuốc. Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp hành động góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người nông dân về thực hành, bảo đảm ATVSLĐ.

Nông dân xã Yên Cường (Ý Yên) đã vận hành thành thạo máy cấy sau khi được tập huấn kỹ thuật sử dụng.
Nông dân xã Yên Cường (Ý Yên) đã vận hành thành thạo máy cấy sau khi được tập huấn kỹ thuật sử dụng.

Hằng năm, Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền về ATVSLĐ. Tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho người nông dân, trong đó có vấn đề vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe người lao động trực tiếp cũng như chống ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi như: hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) hướng dẫn vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi; phương pháp vận hành, sử dụng một số loại máy móc, trang thiết bị nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Chi cục PTNT (Sở NN và PTNT) mở các lớp huấn luyện, trang bị kiến thức cơ bản cho các học viên về biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp để người nông dân chủ động tự cải thiện điều kiện lao động, tự bảo vệ mình khỏi tai nạn và bệnh tật đáng tiếc xảy ra trong quá trình lao động. Chi cục PTNT cũng phối hợp với Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN và PTNT) tổ chức các đợt huấn luyện về ATVSLĐ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, trang bị kiến thức về các biện pháp bảo đảm an toàn và xử lý tai nạn lao động trong sử dụng máy kéo, máy làm đất; máy gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng; máy thu hoạch và vận chuyển ở nông thôn; một số loại máy tĩnh tại như: máy đập lúa, máy xay xát gạo, bơm nước, máy nghiền, trộn thức ăn gia súc… Ông Vũ Hồng Sơn, nông dân xóm 4, xã Hải Cường (Hải Hậu) cho biết: “Gia đình tôi mua máy cấy lúa tự động cầm tay Kubota Rainbow-S1-500R xuất xứ Nhật Bản; đây là máy cấy 5 hàng lúa với tốc độ 1,5-1,8ha/ngày để phục vụ bà con nông dân trong xã và ngoài xã được gần 2 năm nay. Sau khi mua máy tôi chỉ xem người bán hướng dẫn rồi đưa ra đồng sử dụng luôn chứ chưa qua lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nào cả. Ban đầu, tôi nghĩ việc vận hành máy đơn giản, chỉ cần nhìn người khác thực hiện là có thể làm theo. Tuy nhiên, qua đợt tập huấn, tôi được trang bị đầy đủ kiến thức vận hành máy móc hiệu quả và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo đảm ATVSLĐ cũng như các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các loại máy móc trong sản xuất hằng ngày. Chúng tôi mong được tổ chức nhiều lớp tập huấn bổ ích như thế để hạn chế tai nạn lao động do sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp”. Dự kiến trong các tháng cuối năm 2015, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối tổ chức 2 lớp tập huấn cho hơn 100 học viên của các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh và Nghĩa Hưng.

Do không có bảo hiểm nên nếu lao động nông nghiệp bị tai nạn, họ vừa mất đi thu nhập, vừa đẩy kinh tế gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn… Các hoạt động tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn do nhu cầu quá lớn và xu hướng cơ giới hóa đồng ruộng, ngành nghề nông thôn ngày càng mạnh mẽ. Hằng năm Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ đã được tổ chức rộng khắp song đối tượng được chú trọng vẫn là công nhân trong các doanh nghiệp. Để sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn ở tỉnh ta phát triển bền vững, thiết nghĩ cần có sự phối hợp quyết liệt của các cấp, các ngành và các hội, đoàn thể trong tăng cường tuyên truyền, phổ biến về ATVSLĐ giúp người dân nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ mình và cộng đồng. Cần triển khai những giải pháp đồng bộ trong nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, lực lượng cán bộ chuyên môn đủ số lượng và chất lượng để hướng dẫn nông dân thực hiện những biện pháp bảo đảm ATVSLĐ./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com