Tiếp tục thúc đẩy kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

08:08, 25/08/2015

Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Qua hơn một năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn các ngân hàng thương mại cổ phần. Để tháo “nút thắt” này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn từ các sở, ngành chức năng của tỉnh.

Những tín hiệu tích cực…

Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN tỉnh, qua hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 116 doanh nghiệp được vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Trong đó có 111 hợp đồng tín dụng cam kết cho vay mới và tăng hạn mức tín dụng với tổng trị giá cam kết giải ngân 2.198 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được 1.493 tỷ đồng, bằng 68% so với tổng trị giá đã cam kết, lãi suất cho vay được các ngân hàng thương mại áp dụng ở mức hợp lý, được các doanh nghiệp chấp thuận. Có 5 hợp đồng tín dụng với dư nợ 124 tỷ đồng được cam kết điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản vay cũ. Kết quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp còn được thể hiện qua việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh như: Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16-4-2014 và Công văn số 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có dư nợ 683 tỷ đồng; Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ và Quyết định số 1050/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Định (BIDV Nam Định) giải ngân cho vay 18,8 tỷ đồng; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của NHNN, Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã được giải ngân 48,8 tỷ đồng; Triển khai chính sách tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận chủ tàu ngay từ cơ sở, đến nay các ngân hàng đã giải ngân cho 11 chủ tàu vay vốn với tổng số tiền đã giải ngân hơn 70 tỷ đồng... Mặt bằng lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên giảm dần từ 14%/năm xuống còn 7%. Mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở giảm dần được áp dụng trong năm 2014 là 6%/năm, trong năm 2015 là 5%. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/2014/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ giảm từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm. Việc triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã giúp tháo gỡ nút thắt lãi suất, giúp các ngân hàng cổ phần thương mại đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Chương trình đã tác động tích cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động, quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động…

Đại diện một doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và triển khai chương trình bình ổn thị trường do UBND tỉnh tổ chức tháng 5-2015.
Đại diện một doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và triển khai chương trình bình ổn thị trường do UBND tỉnh tổ chức tháng 5-2015.

Những hạn chế cần tháo gỡ

Tuy nhiên theo báo cáo của ngành Ngân hàng, tổng vốn huy động 7 tháng đầu năm của hệ thống các ngân hàng đạt 28.331 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 14,1% so với đầu năm, nghĩa là các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có “dư nguồn lực” để cho vay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn “khó tiếp cận” với các nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại. Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn trao đổi để có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này, tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, ông Trần Công Đoàn, Giám đốc Cty TNHH Đoàn Kết (Xuân Trường) nêu ý kiến: Hiện nay, việc định giá tài sản thế chấp từ phía các ngân hàng thương mại vẫn chưa thực sự hợp lý khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay. Cty TNHH Đoàn Kết là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, vì thế Cty thường xuyên phải nhập khẩu các loại gỗ nguyên liệu. Năm 2014, Cty nhập một lô gỗ lớn từ In-đô-nê-xi-a và Đài Loan, cần một lượng vốn lớn khoảng 100 tỷ đồng để thanh toán cho đối tác. Theo yêu cầu, Cty đã phải thế chấp toàn bộ nhà xưởng, phương tiện và lô hàng vừa nhập về, song ngân hàng cũng chỉ cho vay 75% tổng số tiền doanh nghiệp cần. Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm không phải lúc nào cũng thuận lợi để có thể thu hồi vốn ngay để trả tiền gốc, tiền lãi cho ngân hàng. Do đó, số tiền vốn còn thiếu hơn 20 tỷ đồng Cty không biết xoay xở ở đâu để trả cho đối tác, khiến đơn vị rất khó khăn… Khó khăn của Cty TNHH Đoàn Kết cũng là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bởi có tới hơn 85% doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Đa phần các doanh nghiệp này đều không có tài sản thế chấp đáng kể, nguồn lực tài chính hạn hẹp, trong bối cảnh kinh tế khó khăn… khiến doanh nghiệp càng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Không có vốn để đầu tư phát triển kinh doanh, không tăng được lợi nhuận, vốn tự có lại bị “ăn” dần vào. Ông Lâm Văn Chiến, Phó Giám đốc Cty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) dãi bày: Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lợi nhuận đầu tư thấp, rủi ro cao bởi phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, khí hậu. Việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung và quy mô lớn… cũng cần một nguồn vốn lớn. Hiện nay, các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ cho vay thế chấp bằng tài sản cố định thì rất khó cho doanh nghiệp bởi phần lớn tài sản của đơn vị là đất đai thuê lại của các hộ nông dân nên không thể dùng làm tài sản thế chấp. Do đó, các ngân hàng cần có cơ chế cho vay linh hoạt và sát thực tế của lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp… Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ cho biết doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, không thể mở rộng quy mô hoạt động do thiếu vốn. Mặc dù lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong thời gian gần đây, nhưng các ngân hàng (cũng là người kinh doanh) nên lựa chọn khá kỹ, chỉ các doanh nghiệp “khỏe” mới cho vay. Như vậy, không nhiều doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng.

Trong khi các doanh nghiệp kêu khó thì phía các ngân hàng thương mại lại cho rằng: Việc tìm kiếm khách hàng tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp gặp khó khăn. Mặc dù các ngân hàng thương mại đã tích cực tìm kiếm các khách hàng có khó khăn trong quan hệ tín dụng nhưng số lượng khách hàng tìm kiếm được rất hạn chế, doanh số vay không lớn. Nguyên nhân là do khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức yếu vì không có nhiều dự án mới, thiếu tài sản bảo đảm hoặc chưa có phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả đủ sức thuyết phục ngân hàng. Mặt khác, một số hội sở chính của các tổ chức tín dụng chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, cách thức triển khai chương trình, nên chi nhánh còn lúng túng, chưa quyết liệt, dẫn đến hiệu quả chương trình chưa cao như mong muốn.

Như vậy, mặc dù đã có nhiều biện pháp song nghịch lý thừa vốn tại các ngân hàng thương mại với việc không có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang là thách thức cần tháo gỡ. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bên, từ các sở, ngành chức năng của tỉnh, các ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước hết các ngân hàng thương mại cổ phần cần thể hiện rõ hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc đồng hành và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp của tỉnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường, đặc biệt đầu tư củng cố doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao, chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng hấp thụ tốt các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng. Mặt khác, các sở, ngành chức năng của tỉnh chủ động nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách để có giải pháp cụ thể, kịp thời, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com