Đầu tư, quản lý hạ tầng phục vụ phát triển vận tải đường thủy

08:07, 20/07/2015

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển vận tải hàng hóa bằng các phương tiện vận tải thủy về lâu dài là giải pháp bền vững, giảm gánh nặng chi phí vận chuyển, giảm áp lực ngày một tăng về nhu cầu giao thông lên mạng lưới giao thông đường bộ, vì vậy, trong những năm gần đây, bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đầu tư, nâng cấp, tăng nhanh số lượng phương tiện tham gia phục vụ vận tải hàng hóa đường thủy, tỉnh ta đã tranh thủ mọi điều kiện, đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển vận tải đường thủy.

Ngành GTVT luôn quan tâm công tác bảo đảm chất lượng phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Trong phạm vi phân cấp quản lý đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba phương tiện thủy nội địa, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở đào tạo tích cực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, thực hiện đúng các quy định về đào tạo. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách khi tham gia giao thông đường thủy, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh phân cấp cho UBND các địa phương thực hiện công tác quản lý cấp phép hoạt động, đình chỉ phương tiện vận tải thủy nếu phát hiện vi phạm trong hoạt động bến khách ngang sông và bến thủy nội địa trên địa phận địa phương quản lý. Thực hiện cơ chế phân cấp quản lý các cảng, bến thủy nội địa, Sở GTVT đang tiếp quản hồ sơ quản lý từ Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định kiểm tra thực tế các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Lực lượng cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông (Sở GTVT) và các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATGT. Hiện nay, hầu hết các bến khách ngang sông đều thực hiện niêm yết giá vé, các phương tiện đều được trang bị thiết bị cứu sinh, dụng cụ nổi theo quy định. Do đặc thù sông ngòi trên địa bàn tỉnh chủ yếu có dòng chảy ôn hòa, các phương tiện GTVT đường thủy đều nghiêm túc chấp hành các quy định bảo đảm ATGT nên tình hình TNGT đường thủy ít phức tạp. Từ năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNGT đường thủy. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường thủy nội địa trong nhiều năm đã được Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư phát triển. Trong đó, dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (WB6) do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, trên địa bàn tỉnh thực hiện các hợp phần A, B. Hợp phần A đầu tư chỉnh trị và cải tạo, nâng cấp luồng tàu cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật luồng cấp I đối với hành lang đường thủy số 3 Hà Nội - Lạch Giang. Đầu tư xây dựng luồng qua cửa Lạch Giang cho tàu pha sông biển 3.000 DWT gồm: cải tạo tuyến hành lang 3, cải tạo sông Ninh Cơ và nâng cấp 2 cảng sông nhằm nâng cấp tuyến hành lang 3 cơ bản đạt tiêu chuẩn luồng cấp I đường thủy nội địa.

Thi công xây dựng cầu Tân Phong vượt sông Đào nằm trên Quốc lộ 21B góp phần kết nối hệ thống giao thông đường bộ với giao thông vận tải đường thủy.
Thi công xây dựng cầu Tân Phong vượt sông Đào nằm trên Quốc lộ 21B góp phần kết nối hệ thống giao thông đường bộ với giao thông vận tải đường thủy.

Tại Nam Định, đầu tư nâng cấp, cải tạo: luồng qua cửa Lạch Giang; kênh nối Đáy - Ninh Cơ tại Đò Mười; cải tạo bán kính cong chạy tàu tại Mom Rô và một số vị trí trên sông Ninh Cơ; nạo vét ngã ba sông Đáy - Đào; nạo vét những vị trí bãi cạn trên tuyến sông Ninh Cơ; bố trí phao tiêu báo hiệu trên tuyến hành lang 3. Hợp phần B, do Sở GTVT làm chủ đầu tư xây dựng các bến khách ngang sông gồm: bến Kinh Lũng trên sông Đào và bến Ninh Mỹ trên sông Ninh Cơ với tổng mức đầu tư 7,7 tỷ đồng, đã hoàn tất và đưa vào sử dụng. Trong đó, bến Ninh Mỹ quy mô bến loại II thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) và xã Hải Giang (Hải Hậu), nằm ở điểm cuối tỉnh lộ 488 và tỉnh lộ 490C. Bến Kinh Lũng quy mô bến loại I thuộc địa phận xã Đại Thắng (Vụ Bản) và Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), nằm trên đường vành đai II thuộc quy hoạch đã được phê duyệt. Mới đây, dự án tiếp tục phê duyệt bổ sung và giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư hợp phần B bổ sung tiểu dự án xây dựng bến khách ngang sông Cựa Gà qua sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Phương Định (Trực Ninh) và xã Xuân Hồng (Xuân Trường) với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đang được Sở GTVT tập trung thi công. Bên cạnh đó, Sở GTVT đang đề nghị Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Bắc và Bộ GTVT để sở tiếp tục sử dụng nguồn vốn dư đầu tư xây dựng bến đò Bùi qua sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Phương Định (Trực Ninh) và xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Tháng 4-2015, với tổng mức đầu tư 9,5 tỷ đồng, Sở GTVT đã hoàn tất thi công và đưa vào khai thác sử dụng công trình nâng cấp, sửa chữa bến phà Đống Cao tại Quốc lộ 37B vượt sông Đào qua địa bàn hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng. Không chỉ tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông đường thủy, hệ thống giao thông đường bộ kết nối với hệ thống giao thông đường thủy cũng được quan tâm đẩy mạnh đầu tư. Ngày 14-6-2015, bằng nguồn vốn vay JICA và vốn đối ứng trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 463 tỷ đồng, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng cầu Tân Phong vượt sông Đào nằm trên Quốc lộ 21B kéo dài tại vị trí Km101+506,84, dự kiến hoàn thành trong quý I-2016. Để bảo đảm đồng bộ, phát huy tối đa giá trị sử dụng của dự án cầu Tân Phong, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư vốn xây dựng phần đường dẫn từ cầu Tân Phong đến Quốc lộ 21. Phần đường của dự án có tổng chiều dài gần 1,5km, trong đó, đường dẫn phía xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) dài hơn 274m, đường dẫn phía xã Nam Phong (TP Nam Định) dài khoảng 1,2km. Với công trình cầu Thịnh Long, dự kiến tháng 9-2015, Bộ GTVT sẽ sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc khởi công xây dựng cầu và đường hai đầu cầu; điểm đầu giao cắt với Quốc lộ 21 tại Km202+400 thuộc địa phận xã Hải Châu (Hải Hậu), điểm cuối giao cắt với Quốc lộ tỉnh lộ 490C tại Km40+706 xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Ngành GTVT cũng đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các cầu Bến Mới qua sông Đáy, cầu Cồn Nhất qua sông Hồng, cầu Đống Cao qua sông Đào, cầu Ninh Cường qua sông Ninh Cơ, góp phần kết nối các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh với các tỉnh lân cận, tăng khả năng kết nối giữa đường bộ với đường thủy. Nhờ sự quan tâm định hướng, phát triển giao thông đường thủy nội địa của các cấp, ngành chức năng đã và đang tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy. Từ cuối năm 2014, hoạt động đóng mới phương tiện vận tải hàng hóa đường thủy tăng đáng kể. Hiện tại, các cơ sở đóng tàu trên toàn tỉnh đang đóng mới gần 200 phương tiện, bình quân mỗi cơ sở đóng khoảng 3-4 phương tiện, tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Đến hết ngày 31-5-2015, tổng số phương tiện vận tải thủy do Sở GTVT quản lý là 1.908 phương tiện, tổng trọng tải 890.124 tấn, tổng công suất 335.88CV. Các  phương tiện có tải trọng chủ yếu từ 10-1.000 tấn, phù hợp với luồng lạch và khả năng khai thác tại các sông ngòi trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy, hiện tỉnh đã quan tâm quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch, bảo đảm sớm đồng bộ hệ thống giao thông đường thủy nội địa. Về luồng tuyến, các tuyến sông Trung ương được quy hoạch phù hợp với quy hoạch đường thủy nội địa Việt Nam gồm: đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng 4 sông bao gồm các sông: Hồng, Đào, Đáy, Ninh Cơ với tổng chiều dài 253,5km và 3,5km kênh Quần Liêu đạt kỹ thuật theo quy định. Chỉnh trị, nạo vét luồng lạch cửa Lạch Giang sông Ninh Cơ, cửa sông Đáy để tàu có tải trọng lớn ra vào thuận tiện. Đào kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ dài 1km thay thế kênh Quần Liêu. Rà soát, quy hoạch các tuyến sông do địa phương quản lý theo hướng nạo vét, cải tạo luồng, cấp quy hoạch cấp III-V cho các phương tiện có tải trọng 50-100 tấn hoạt động, khai thác. Trong quy hoạch cảng sông, dự kiến xây dựng cảng sông Nam Định mới trên sông Hồng thay thế cảng cũ trên sông Đào, đến năm 2020 công suất đạt 500 nghìn tấn/năm, đáp ứng cho cỡ tàu 1.000 tấn ra vào cảng, dự kiến đến năm 2030 công suất đạt 800 nghìn tấn/năm. Chuyển cảng sông Nam Định cũ thành cảng hành khách, du lịch. Quy hoạch các cảng dầu khí, cảng nhà máy nhiệt điện, cảng KCN Dệt may Rạng Đông phục vụ cho các nhà máy lớn trong tương lai. Rà soát lại toàn bộ bến bốc xếp hàng hóa, tập trung xây dựng, ưu tiên các bến quan trọng, đầu mối, kết nối giao thông thủy, bộ. Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa. Đối với hệ thống bến khách ngang sông, trên cơ sở hiện có, rà soát quy hoạch lại cho hợp lý và xây dựng phương án tổ chức quản lý bến thống nhất trên toàn tỉnh, quy hoạch phù hợp với giao thông vượt sông. Thực hiện xã hội hóa để đầu tư hạ tầng cho bến khách ngang sông, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống. Quy hoạch phát triển đội tàu theo hướng đa dạng, trong đó tập trung phát triển tàu chở hàng khô, công-ten-nơ, hàng rời…, quy hoạch phát triển ngành cơ khí đóng tàu trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá năng lực, quy hoạch một số CCN cơ khí đóng tàu, tập trung phân khúc đóng tàu hạng trung đường sông và pha sông biển, tàu cá đánh bắt xa bờ. Duy trì và củng cố các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa hiện có. Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trong công tác quản lý cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn các hạng cho thuyền viên, máy trưởng./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com