Xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ nông sản - Cần hướng đi bền vững

08:06, 22/06/2015

Xây dựng mối “liên kết 4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp được xem là hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay nhằm hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến bền vững, đồng thời hướng đến mục tiêu quan trọng là tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, làm nền tảng để xây dựng NTM bền vững. Trong “liên kết 4 nhà” cần phải xác định: nông dân là đối tượng, nông nghiệp là cơ hội, nông thôn là địa bàn. Nhà nước phải là nhân tố xúc tác đảm bảo cho sự liên kết giữa doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nông được phát huy. Doanh nghiệp phải là “trụ cột” của mối liên kết nhằm tiêu thụ, chế biến nông sản cho nông dân.

Nông dân xã Hải Nam (Hải Hậu) trồng bí xanh dự kiến cho thu hoạch 1,5-1,8 tấn/sào.
Nông dân xã Hải Nam (Hải Hậu) trồng bí xanh
dự kiến cho thu hoạch 1,5-1,8 tấn/sào.

Hiện, ở tỉnh ta, một số doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi là Cty CP Lương thực và thực phẩm Nam Định ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các HTXDVNN Mỹ Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), HTXDVNN Mỹ Hà, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Cty TNHH Bao bì kim loại CFC ký hợp đồng sản xuất cà chua, dưa chuột với các xã của huyện Hải Hậu là: Hải Tây, Hải Ninh, Hải Toàn, Hải An, Hải Phong và các xã Trực Hùng, Trực Đại của huyện Trực Ninh; Cty CP Giống cây trồng Nam Định ký với các xã, thị trấn: Hải Phúc, Thịnh Long (Hải Hậu) và Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) sản xuất khoai tây giống; Cty TNHH Minh Hiền hợp đồng sản xuất dưa chuột bao tử, ngô ngọt với các xã Yên Cường, Yên Thành (Ý Yên); Cty CP Ớt Việt Nam hợp đồng sản xuất ớt với các xã Yên Thành, Yên Phương, Yên Dương (Ý Yên); Cty TNHH Cường Tân hợp đồng sản xuất bí xanh, bí đỏ với các xã Trực Thắng, Trực Thái, Trực Phú, Trực Hùng (Trực Ninh). Ngoài ra, một số đơn vị doanh nghiệp tư nhân cũng đã đứng ra thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Từ mối liên kết này, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập tương đối ổn định, Nhà nước cũng bớt gánh nặng tìm đầu ra cho các mặt hàng. Tuy nhiên, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân với doanh nghiệp hiện nay vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Số doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh không nhiều, trong khi đó số lượng HTX lại rải đều ở tất cả các xã, thị trấn. Một số HTX lại chưa tạo được một đầu mối tập trung, tin cậy hỗ trợ người nông dân trong thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, số HTX có đủ năng lực thực hiện việc thu mua, tiêu thụ nông sản cho người nông dân hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do người đứng đầu một số HTX thiếu năng lực trong tiếp cận nguồn vốn và các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Một khó khăn nữa là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh nghiệm sản xuất, việc thực hiện cam kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân cũng xuất hiện một số vấn đề khó khăn, bất cập. Hơn nữa, hành động rời rạc, chưa thể hiện được quyết tâm của “4 nhà” làm các mô hình sản xuất, quản lý mới trong sản xuất nông nghiệp khó nhân rộng. Trước đó, năm 2012, mô hình liên kết giữa Cty CP Lương thực và thực phẩm Nam Định với 40 hộ kinh doanh và nông dân huyện Giao Thủy để xây dựng mô hình liên kết canh tác lúa chất lượng cao và mô hình liên kết giữa Cty TNHH bao bì kim loại CFC, HTXDVNN Nghĩa Bình và các hộ nông dân xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) thực hiện mô hình trồng cây cà chua được triển khai… Nhưng đến nay, sau khi kết thúc hợp đồng thì việc tái ký kết giữa các nhà trong 2 mô hình này không còn thực hiện nữa. Chỉ sau hơn 1 năm khi dự án kết thúc, mô hình sản xuất cũng tan rã do người nông dân chưa thực sự tin tưởng và yên tâm vào đầu ra của sản phẩm. Theo đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ nhiệm HTXDVNN Nghĩa Bình, một phần của lý do này là giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác của mô hình chưa cao nên chưa thu hút nông dân tập trung đầu tư. Hiện, HTX đang liên kết với Cty Giống cây trồng Nam Định để trồng khoai tây vụ đông. Năm 2014, doanh thu bình quân một sào khoai tây của các hộ đạt 3,64 triệu đồng/sào (tương đương 98,28 triệu đồng/ha). Vụ đông năm 2013 và 2014, HTX đã ký kết với Cty trồng trên 10ha. Đây cũng là hiệu quả và động lực để HTX tiếp tục triển khai vụ mùa và vụ đông năm 2015. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập dẫn đến giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng mới chỉ tập trung vào việc thu mua nông sản để xuất bán, chứ chưa chú trọng đến việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản.

Theo Sở NN và PTNT, để “liên kết 4 nhà” thực sự đi vào chiều sâu và có chất lượng, cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mà trước hết là hệ thống giao thông, thủy lợi, lưới điện; phát triển nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ: nhà kho, sân phơi, lò sấy, kho lạnh... để các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng. Thêm vào đó, cần rà soát lại cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; đồng thời thực hiện một cách đầy đủ, thiết thực và hiệu quả các cơ chế chính sách đó theo hướng hỗ trợ đầu tư có điều kiện và tái thu hồi; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư, liên kết vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu hình thành các hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa nông sản theo nhóm hộ, tổ đội sản xuất chuyên canh trên từng địa bàn thôn, xã, nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Khuyến khích nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp trên cơ sở xác định thống nhất giá sàn nông sản ngay từ đầu vụ, đầu năm, đầu chu kỳ sản xuất.

Một vấn đề có ý nghĩa quyết định để các liên kết bền vững là sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm mang tính bền vững cao, chú ý khâu dự báo và tìm kiếm thị trường, phải biết lượng sức khi đặt mua hàng với nông dân, tránh vượt quá khả năng dẫn đến phá hủy liên kết. Và để ràng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân, các doanh nghiệp cần đồng hành với nông dân trong việc hỗ trợ, cung cấp giống, vật tư, phân bón… Quá trình thực hiện cần đa dạng hóa các hình thức liên kết, song phải chú ý đến giá trị gia tăng cho hộ nông dân. Các HTX và người nông dân cũng cần tuân thủ các nội dung đã cam kết, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng điêu đứng, khó xử, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt là các hộ nông dân khi thực hiện ký kết hợp đồng phải đảm bảo chỉ cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp được ký kết. Không nên phá hợp đồng khi thấy giá thị trường cao hơn giá Cty thu mua. Nếu như vậy thì mối “liên kết 4 nhà” sẽ không bền vững, doanh nghiệp thì không thu mua được sản phẩm có chất lượng, nông dân thì “điêu đứng” vì sản phẩm sản xuất không tiêu thụ được./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com