Đẩy mạnh các chương trình cho vay và cơ cấu lại nguồn vốn

07:06, 18/06/2015

Trên cơ sở chỉ đạo của Thống đốc NHNN về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 khoảng 13-15%, Chi nhánh NHNN tỉnh đã có Văn bản số 81/NĐ-TH chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp kiểm soát tín dụng trong năm 2015. Đến nay, các ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn đã được Hội sở chính giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 17,5%. Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu này, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh các chương trình cho vay và cơ cấu các nguồn vốn vay.

Ngân hàng NN và PTNT Nam Định luôn nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngân hàng NN và PTNT Nam Định luôn nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chi nhánh NHNN tỉnh, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã tiếp tục thực hiện quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn, chất lượng tín dụng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo báo cáo của các ngân hàng cổ phần thương mại, TCTD trên địa bàn, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ như dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động của Cty CP Vinatex tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản) với nhu cầu vốn tín dụng là 92 tỷ đồng; dự án đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Định giải ngân với dư nợ 48,4 tỷ đồng (60 tỷ đồng thuộc diện cho vay hỗ trợ với lãi suất 5%/năm). Chương trình hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã được Chi nhánh NHNN tỉnh đề nghị UBND tỉnh bổ sung 6 giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại tham gia tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo 67 của tỉnh. Đồng thời Chi nhánh NHNN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng cổ phần thương mại trên địa bàn chủ động phối hợp với các huyện tiếp cận các chủ tàu để hướng dẫn lập hồ sơ và thẩm định điều kiện vay vốn nhằm rút ngắn thời gian thẩm định để cho vay vốn ngay khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách chủ tàu. Nhờ đó đến nay đã có 4 chủ tàu đầu tiên của huyện Hải Hậu được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Định ký hợp đồng và cam kết giải ngân cho vay 56 tỷ 920 triệu đồng đóng mới 4 tàu cá vỏ thép. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách 30 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 cũng là các chủ tàu đang được các ngân hàng cổ phần thương mại hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn. Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ cũng đã được chú trọng triển khai. Hiện Cty TNHH Cường Tân là đơn vị đầu tiên tham gia chương trình này với tổng nhu cầu vay vốn là 75 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Nam Định giải ngân với dư nợ ngắn hạn 18,8 tỷ đồng. Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo chính sách quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-1-2013 đến nay có dư nợ 477 triệu đồng. Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản theo chính sách quy định tại Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ đã có dư nợ 698 tỷ đồng. Chương trình tín dụng chính sách có dư nợ 2.090 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng (0,7%) so với đầu năm. Về chương trình bình ổn thị trường, thực hiện sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam tại Văn bản số 1098/NHNN-TD ngày 26-2-2015, Chi nhánh NHNN tỉnh đã có Văn bản số 168/NĐ-TH ngày 5-3-2015 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã có văn bản giao Chi nhánh NHNN tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện chương trình; đồng thời đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 19-5-2015 về triển khai chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình cho vay phục vụ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đang chủ động cơ cấu lại nguồn vốn vay. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến nay có 13.790 tỷ đồng, tăng 226 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 51% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 57,2%, trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 42,8%. Dư nợ cho vay phân theo ngành kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 24,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 40,3%; thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 35,2%. Dư nợ cho vay phân theo loại khách hàng vay: Khách hàng là doanh nghiệp dư nợ 10.978 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,6%; HTX có dư nợ 51 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,2%; hộ gia đình, cá nhân 16.010 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,2% tổng dư nợ cho vay… Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN tỉnh, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay từ đầu năm đến nay tương đối ổn định so với cuối năm 2014. Trong đó, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; ở mức 4,8-5,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; ở mức 5,7-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; ở mức 6,7-7,3%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung, dài hạn; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,5-11%/năm đối với trung dài hạn; dư nợ cho vay với mức lãi suất trên 12%/năm đến nay chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,4% chủ yếu gồm các khoản cho vay tiêu dùng. Như vậy, việc chủ động đẩy mạnh các chương trình cho vay và cơ cấu lại nguồn vốn vay cộng với xu hướng mặt bằng lãi suất các chương trình cho vay đang có xu hướng giảm nên hầu hết các ngân hàng cổ phần thương mại và các TCTD đều rục rịch giảm mặt bằng lãi suất huy động vốn. Việc chủ động giảm lãi suất huy động là cơ hội tốt để các ngân hàng thay đổi cơ cấu tiền gửi, huy động vốn trung, dài hạn nhiều hơn, tạo điều kiện cấp vốn dài hạn cho khách hàng, nhất là các doanh nghiệp. Những tín hiệu tích cực trên được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp cận được các món vay mới của các ngân hàng, TCTD với lãi suất thấp hơn, còn những khoản vay cũ có lãi suất cao sẽ được các ngân hàng xem xét điều chỉnh giảm… tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp hấp thụ nguồn vốn, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình cho vay, cùng với mặt bằng lãi suất cho vay giảm là cơ sở để ngành Ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2015 theo chỉ tiêu kế hoạch được UBND tỉnh và Hội sở chính giao./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com