Doanh nghiệp Nam Định, cơ hội và thách thức khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN

09:05, 29/05/2015

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN, được hình thành vào cuối năm 2015 theo thoả ước chung giữa Việt Nam với 10 quốc gia thành viên ASEAN năm 2007. Mục tiêu của AEC hướng đến là xây dựng một khu vực có sự phát triển kinh tế cân bằng với hai yếu tố là phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa và thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực. Trên cơ sở đó khi AEC trở thành hiện thực, doanh nghiệp của các nước trong khối sẽ gia nhập một cộng đồng chung với thuế quan sẽ được cắt giảm dần về 0%. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Khi gia nhập AEC, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có thị trường rộng hơn mà không phải chịu nhiều sức ép về luật và thuế. Lợi ích này không chỉ dừng lại ở những nhóm mặt hàng mà tỉnh có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, dược phẩm, hoá chất mà còn là động lực để nhiều nhóm ngành khác gia tăng năng lực cạnh tranh, tự đổi mới chính mình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vốn, kỹ năng điều hành, quản trị doanh nghiệp. Mặc dù đón đầu nhiều cơ hội do AEC mang lại, song các doanh nghiệp của tỉnh cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức do mức tăng trưởng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế. Theo đó, các doanh nghiệp vừa phải lo cạnh tranh trong nước, vừa phải lo cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính, thương hiệu, uy tín và ưu thế về dịch vụ trong khu vực. Điều đáng nói là, phần lớn trong tổng số hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực của tỉnh ta đều ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu hoạt động trong các ngành có giá trị gia tăng thấp; trình độ quản lý, điều hành còn hạn chế; máy móc, thiết bị lạc hậu… sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh với những doanh nghiệp có vốn lớn, trình độ quản lý cao và công nghệ hiện đại của nước ngoài. Bên cạnh đó việc sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ… cũng là một trở ngại khiến cho các doanh nghiệp của tỉnh không được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất bán hàng hóa cho các nước trong khối.

Cty CP Lâm sản Nam Định đầu tư đồng bộ nguồn nhân lực, trang thiết bị lao động, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Cty CP Lâm sản Nam Định đầu tư đồng bộ nguồn nhân lực, trang thiết bị lao động, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Để giúp các doanh nghiệp chủ động hội nhập, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Tăng cường phổ biến thông tin về AEC; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tham gia xuất khẩu. Tạo môi trường kinh doanh tại chỗ thuận lợi, an toàn, thân thiện; vận động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện các chính sách về tài chính, tín dụng, thuế, hỗ trợ dạy nghề, thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 9 bậc so với năm ngoái. Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh trong việc tạo dựng điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế, nhiều doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm cũng đang chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng mỗi đơn vị phải tự rà soát, tính toán, tìm điểm mạnh và yếu để khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế mới. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo 3 yếu tố: làm chủ công nghệ, giỏi ngoại ngữ, linh hoạt trước thị trường…; đầu tư đổi mới kỹ thuật công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đến nay, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới vào các lĩnh vực quản trị kinh doanh và mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Điển hình là Cty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Thị trấn Lâm (Ý Yên) đã đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất tôn hộ lan 3 sóng theo tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất. Đây là hệ thống máy móc tự động với quy trình và công nghệ khép kín từ sản xuất đến mạ kẽm nên sản phẩm tôn hộ lan 3 sóng do Cty sản xuất có chất lượng cao, hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn 22TCN của Bộ GTVT Việt Nam và tiêu chuẩn (AASHTO) của Mỹ. Khối các Cty may mặc xuất khẩu đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, áp dụng các chương trình năng suất, chất lượng để thích ứng với yêu cầu kỹ thuật khắt khe của khách hàng quốc tế. Trong đó, Cty CP May Sông Hồng liên tục đầu tư xây mới nhà máy tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng để thu hút lao động trẻ, có tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đồng thời liên tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống bằng cách thay đổi chất liệu, công nghệ ép bông… tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với xu thế tiêu dùng của khách hàng quốc tế. Cty CP Lâm sản chuyên sản xuất đồ gỗ ngoài trời xuất khẩu cho thị trường các nước châu Á, châu Âu và Mỹ với doanh thu hằng năm đạt xấp xỉ 30 triệu USD đã chủ động hội nhập AEC bằng cách tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu kỹ, mỹ thuật của từng sản phẩm cũng như những giao dịch với đối tác nước ngoài và chủ động tìm hiểu, khai thác thị trường. Hiện tại các cán bộ kỹ thuật của Cty đều được tham gia các khoá học nghiệp vụ tại nước ngoài theo chương trình hợp tác đào tạo giữa Cty và các đối tác thuộc Tập đoàn bán lẻ toàn cầu IKEY. Đặc biệt vừa qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã đạt được giải thưởng chất lượng cao khẳng định thương hiệu và đẳng cấp của mình khi tham gia thị trường như: “Giải thưởng chất lượng quốc gia” cho các đơn vị Cty TNHH Nam Dược, Cty CP May Nam Hà; Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc; Giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” năm 2014 cho các đơn vị Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương và doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung. Ngoài ra còn rất nhiều giải thưởng giá trị khác trực thuộc hệ thống giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Thành công này khẳng định những nỗ lực và sự tự tin của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Với những hành trang đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, các doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã chủ động hội nhập, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên số doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực để thích nghi với xu thế hội nhập không nhiều và còn tới 90% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thờ ơ, không quan tâm tới những tác động của AEC mang lại trong khi thời điểm hoàn tất hội nhập đang rất gần. Đây là khó khăn lớn trong quá trình hội nhập của các doanh nghiệp trong tỉnh, đòi hỏi các ngành chức năng cần quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chủ động hội nhập nếu không các doanh nghiệp của tỉnh không chỉ để mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường khu vực, mà ngay thị trường nội địa vốn có cũng khó giữ vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com