Tỉnh ta có hệ thống đê điều, thủy lợi lớn và phức tạp với 90,66km đê biển và 274km đê sông, hơn 100km kè bảo vệ đê. Phần lớn đê biển thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng; trong đó có hơn 40km đê đi qua khu vực nền cát (đất đắp đê là cát và cát pha) và 45km đê tiếp giáp trực diện với biển. Hệ thống đê biển thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão.
Thi công lát mái kè đê Cồn Xanh (Nghĩa Hưng). |
Với chủ trương nâng cao năng lực phòng, chống lụt bão trên toàn tuyến đê biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương khảo sát, lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo các đoạn đê tràn cơ và hư hại trong đợt bão số 7 năm 2005 và các đoạn xung yếu, trực diện với biển. Thực hiện Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, tỉnh đã và đang triển khai 18 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư là 3.078,116 tỷ đồng. Trong đó có 10 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo Ban Quản lý dự án xây dựng (Sở NN và PTNT), hiện nay Sở NN và PTNT đang thực hiện một số dự án trọng điểm như: Xây dựng khẩn cấp các đoạn đê, kè xung yếu tuyến đê biển tỉnh giai đoạn III; tu bổ, nâng cấp khẩn cấp đê, kè Cồn Xanh thuộc tuyến đê biển huyện Nghĩa Hưng; điều chỉnh bổ sung xử lý khẩn cấp đê, kè Kiên Chính và hệ thống mỏ kè giữ bãi đoạn từ K10+460 đến K11+562 thuộc tuyến đê biển Hải Hậu; xây dựng giai đoạn I dự án củng cố, nâng cấp các đoạn kè xung yếu thuộc tuyến đê biển tỉnh. Trong đó, dự án xây dựng khẩn cấp các đoạn kè xung yếu đê biển giai đoạn III được chia làm 4 gói thầu. Gói thầu số 1 đã nghiệm thu xây lắp đê, kè Đông Cai Đề, Tây Ang Giao Phong, Hải Lộc, Phúc Hải, An Hóa + Đê Râu tại K1+652. Hạng mục đúc cấu kiện, hạ ống lục lăng đê lục lăng đạt 52.400 cấu kiện; đoạn An Hóa đã hoàn thành hạ 142m ống lục lăng và lát mái kè phía biển đạt 60%; đoạn Đê Râu đã hạ 50m/120m ống lục lăng. Gói thầu số 2 đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng các đê, kè, cống số 4 - Đinh Mùi từ K14+722 đến K16+340, Hạ Trại - Táo Khoai từ 17+148 đến K17+643, Táo Khoai từ K18+363 đến K18+528, Trùng Tư từ K30+481 đến K30+937 thuộc đê biển Hải Hậu. Gói thầu số 3 xây lắp đê kè Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền từ K13+562 đến K15+682 thuộc đê biển huyện Nghĩa Hưng, đơn vị thi công đã đúc được 220 nghìn cấu kiện (đạt 65%), hoàn thiện 720/2.120m, còn 1.400m đã thi công xong lát mái kè phía biển, tường chắn sóng, mái phía đồng đạt 640m. Gói thầu số 4 xây lắp đê kè Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền từ K15+682 đến K16+613 hiện nhà thầu đã nhận mặt bằng với chiều dài 920m; đoạn đê kè Nam Điền - Nghĩa Hải từ K21+500 đến K25+925 đã thi công xong. Tại dự án tu bổ nâng cấp khẩn cấp đê, kè Cồn Xanh, hiện nhà thầu đã đúc xong cấu kiện, khối lượng đào đắp trên cả 3 tuyến đạt 325 nghìn m3 (đạt 91%). Tuyến phía đông đã hoàn tất hạng mục lát mái kè, tường chắn sóng và xây dựng đá mái phía đồng đạt 2.922m; đổ bê tông mặt đê 1.600/2.922m. Tuyến phía nam đê Cồn Xanh đã xây dựng xong tường chắn sóng, hoàn thiện mặt cắt đê khung đá mái phía đồng đạt 1.600/2.230m. Tuyến phía tây đã hoàn thành đúc cấu kiện, hạ chân khay tại cao trình đạt 1.500/2.696m; xây đá mái phía biển đạt 1.000/2.696m; đắp đất tuyến phía đông và phía nam cơ bản đạt được cao trình của thiết kế. Dự án xử lý khẩn cấp đê, kè Kiên Chính và hệ thống mỏ kè giữ bãi đoạn từ K10+460 đến K11+562 thuộc tuyến đê biển Hải Hậu, đơn vị thi công đã hoàn thiện đúc cấu kiện của 13 mỏ, nghiệm thu đưa vào sử dụng 7 mỏ (gồm 5, 6, 7, 9, 10, 16, 17) và thềm cơ chắn sóng; đã nghiệm thu thân mỏ 11, 13, 14, 15; thi công xong cánh mỏ 14, 15. Dự án xây dựng kè Xuân Hà thuộc giai đoạn I dự án củng cố, nâng cấp các đoạn kè xung yếu thuộc tuyến đê biển tỉnh đã đúc cấu kiện xong, hoàn thành lát mái kè, bê tông tường chắn sóng; hoàn thiện hai dốc phía biển.
Để bảo đảm chất lượng các công trình cải tạo, nâng cấp đê biển, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới. Cụ thể, tại chân kè áp dụng giải pháp tạo thêm cơ giảm sóng bằng cấu kiện bê tông khối lớn. Đỉnh mái kè tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép. Mái kè lát bằng cấu kiện bê tông hình lục lăng chống bào mòn, chống được sóng tốt hơn. Ở những vị trí đê trực diện với biển (nơi thường xảy ra tình trạng bãi thoái), tỉnh đã áp dụng kỹ thuật xây dựng mỏ kè chữ T và hệ thống thềm giảm sóng bằng các tấm bê tông khối lớn, trên xếp cấu kiện Tetrapod. Công nghệ này đã phát huy hiệu quả, giúp tạo được bãi bồi, làm giảm độ sâu mực nước biển trước đê, hạn chế tối đa sóng vỗ vào mái đê. Nhờ đó, đến nay tại 62,1km đê, 48,6km kè, 5 cống dưới đê, 64 mỏ kè giảm sóng giữ bãi được hoàn thành, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lụt bão, ngăn nước biển, bảo vệ dân sinh, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các xã ven biển.
Năm 2015, dự kiến tỉnh ta cần được tiếp tục bố trí hơn 902,48 tỷ đồng để triển khai và hoàn thiện các dự án củng cố, nâng cấp đê biển. Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả từ chương trình trên, Sở NN và PTNT đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình nâng cấp đê biển, đê sông đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, do bờ biển tỉnh ta phần lớn thuộc vùng biển lấn, bãi thoái, tỉnh đề nghị Bộ NN và PTNT giúp nghiên cứu, xác định nguyên nhân của hiện tượng này nhằm đảm bảo lâu dài cho tuyến đê biển của địa phương./.
Bài và ảnh: Đức Toàn