Nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

08:03, 11/03/2015

Thực hiện Nghị định 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từ năm 2008 đến nay, công tác trợ giúp pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng, các địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả; qua đó, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật. Doanh nghiệp đã phát huy trách nhiệm trong việc đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống luật. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.

Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố cập nhật các văn bản mới và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan đến hoạt động của ngành và doanh nghiệp; trong đó chú trọng các văn bản QPPL quy định về thủ tục hành chính. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 7 văn bản QPPL về thủ tục hành chính, với 24 thủ tục. Các sở, ngành chủ động phối hợp với các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật văn bản mới, rà soát bộ thủ tục hành chính đang thực hiện ở các cấp chính quyền theo ngành, lĩnh vực phụ trách; trình UBND tỉnh công bố 912 thủ tục hành chính; trong đó sửa đổi 502 thủ tục, bổ sung, ban hành mới 260 thủ tục, bãi bỏ, hủy bỏ, thay thế 150 thủ tục. Kết quả, đến nay các thủ tục hành chính đều được rút gọn, trong đó các lĩnh vực: KH và ĐT, TN và MT, Xây dựng… đã giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện. Trong năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014; quy chế về kiểm soát thủ tục hành chính và Chỉ thị về việc thực hiện Nghị định 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo kiện toàn hệ thống đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã. Các sở, ngành trong tỉnh tích cực biên soạn tài liệu pháp luật do sở, ban, ngành quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp trong việc tìm hiểu pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Từ năm 2008 đến nay, các ngành chức năng và các huyện, thành phố trong tỉnh đã biên soạn, in ấn và cấp phát cho doanh nghiệp hàng triệu tờ gấp pháp luật, sổ tay pháp luật về chính sách tiền lương, BHXH, đầu tư, thuế, hải quan, đất đai, tài nguyên, môi trường...; đồng thời tổ chức trên 1.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho trên 20 nghìn lượt người trong các khu, CCN. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hằng năm, Sở Tư pháp đều chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp như: tổ chức tập huấn cho hơn 750 lượt người là trưởng, phó phòng nghiệp vụ của Cty Điện lực Nam Định, lãnh đạo, kiểm tra viên Điện lực các huyện, thành phố về Hiến pháp; tập huấn cho hàng nghìn lượt người là chủ doanh nghiệp, người lao động trong các khu, CCN pháp luật về lao động, BHXH. Trong công tác giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, các sở, ban, ngành của tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã duy trì thường xuyên việc tiếp nhận, xử lý, thực hiện việc giải đáp các yêu cầu của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: giải đáp bằng văn bản, thông qua trang thông tin điện tử, bản tin hoạt động của ngành, giải đáp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thông qua các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp… Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được các sở, ban, ngành giải đáp kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất tại Cty cổ phần Dệt nhuộm Thiên Nam - Surrise (KCN Bảo Minh).
Sản xuất tại Cty cổ phần Dệt nhuộm Thiên Nam - Surrise (KCN Bảo Minh).

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ nhiều năm nay, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các hội nghề nghiệp, các tổ chức đại diện doanh nghiệp trên địa bàn như: Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh; Liên minh HTX tỉnh; Ban quản lý các KCN tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh… tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp đảm bảo tính thiết thực. Cụ thể, trước khi tổ chức hội nghị hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, Sở Tư pháp đều xây dựng kế hoạch cụ thể về việc tổ chức chương trình và gửi đến các doanh nghiệp cũng như các cơ quan có liên quan để các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các nội dung sẽ thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương để có giải pháp kịp thời giải tỏa các vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh, đồng thời thông qua quá trình trao đổi, thảo luận, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tiếp nhận được các thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật để hoàn thiện pháp luật, đảm bảo hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn… Với cách làm cụ thể, thiết thực, việc tổ chức chương trình hội nghị hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Qua đó, tạo mối quan hệ gần gũi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 4 hội nghị hỗ trợ pháp lý cho 470 doanh nghiệp với các chuyên đề “Pháp luật về hợp đồng”, “Kỹ năng đàm phán, giao kết, thực hiện hợp đồng: quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về pháp luật hợp đồng tại Nam Định”, “Pháp luật về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ thị trường và hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp”, “Pháp luật về hợp đồng trong kinh doanh”.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn có một số khó khăn. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đều bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách nhưng đội ngũ luật sư, luật gia và các chuyên gia tư vấn pháp luật còn mỏng, chưa xây dựng được mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; tọa đàm chuyên đề pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp còn ít. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, ý nghĩa pháp luật của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen tìm đến cơ quan tư vấn pháp luật để phòng, chống rủi ro trong kinh doanh; chưa bố trí người làm công tác pháp chế doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc về thủ tục hoặc có tranh chấp phát sinh, các doanh nghiệp mới tìm đến cơ quan Nhà nước hoặc luật sư để được tư vấn, giải đáp và đề nghị được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Để nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thời gian tới, cùng với việc tăng cường và phát triển đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên trách, đội ngũ luật sư, luật gia và các chuyên gia tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, UBND tỉnh cần quan tâm bố trí, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tăng cường các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh, kỹ năng, nghiệp vụ đối với cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý tại các sở, ban, ngành và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com