Năm 2014, số lượng lao động xuất khẩu của cả nước đạt kỷ lục, vượt kế hoạch 10%. Kết quả này hết sức đáng phấn khởi bởi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mang lợi ích “kép” như: giải quyết việc làm, tạo cơ hội cải thiện đời sống cho người nghèo, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người lao động và đất nước, góp phần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động trong nước khi được tiếp cận, học hỏi các kỹ năng, tác phong nghề nghiệp ở các nền kinh tế phát triển…
Tuy nhiên, năm qua cũng có nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến XKLĐ. Đó là tình trạng người lao động bị đối xử tệ bạc, bóc lột, điều kiện làm việc khắc nghiệt, thu nhập không như hợp đồng; nhiều trường hợp bị lừa, thậm chí bị xâm hại nhân phẩm… Nhiều gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa không chỉ tan vỡ hy vọng thoát nghèo mà còn gánh thêm khoản nợ mới từ chi phí để được đi lao động xuất khẩu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song có nguyên nhân từ công tác quản lý hoạt động XKLĐ. Về mặt quy định, quy trình thủ tục quản lý được quy định khá chặt chẽ, đầy đủ, song công tác tuyên truyền, phổ biến chưa hiệu quả nên vẫn còn tình trạng thiếu minh bạch thông tin, nhiều người cần lại không nắm được thông tin dẫn đến dễ bị lừa đảo hoặc lợi dụng, chi phí phải bỏ ra quá cao cho các khoản thu ngoài quy định, mà số tiền này hầu hết đều là đi vay. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho bộ phận lao động phổ thông khi đi XKLĐ còn thiếu và yếu nên khi xảy ra sự cố tại xứ người họ không có khả năng và không biết tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời, đúng nơi, dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng. Cũng do thiếu minh bạch thông tin, lo ngại về những thủ tục hành chính rắc rối… nên nhiều người có nhu cầu đi XKLĐ thường tìm đến các kênh môi giới không an toàn và phó thác mọi việc cho người môi giới, “cò mồi”.
Được biết, để khắc phục một số hạn chế trong hoạt động XKLĐ, tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp XKLĐ, đồng thời tránh tình trạng thu phí quá cao, Hiệp hội XKLĐ (VAMAS) và tổ chức Lao động Thế giới tại Việt Nam (ILO) đang triển khai Bộ Quy tắc ứng xử (CoC-VN) cho các doanh nghiệp XKLĐ. Đây là công cụ đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tăng cường quản lý doanh nghiệp và bảo vệ người lao động, tránh bị bóc lột. Bên cạnh đó, về phía Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH) sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ để nâng cao nhận thức của người lao động về các kênh đi làm việc ở nước ngoài an toàn, hợp pháp; cách thức tự bảo vệ bản thân, cũng như những địa chỉ người lao động có thể liên hệ để tìm hiểu thông tin khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, hay liên hệ để nhờ được hỗ trợ khi cần thiết trong thời gian làm việc ở nước ngoài... Một biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ người dân, đoàn viên, hội viên… của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc nắm bắt, kiểm chứng thông tin về các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ về thực hiện việc tiếp thị và tuyển lao động của địa phương, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo cho người dân về các tổ chức, đối tượng hoạt động thiếu minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo. Tại cơ sở cần phát huy vai trò lực lượng lao động từng đi làm việc ở nước ngoài đã trở về quê hương khi hết hạn hợp đồng trong việc tham gia tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết khi đi XKLĐ, đặc biệt là những kỹ năng đối phó rủi ro, nhận diện dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng môi giới./.
Vân Anh