Tăng cường quản lý thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

07:10, 09/10/2014

Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, tuy nhiên công tác quản lý Nhà nước về TMĐT còn nhiều bất cập, lỏng lẻo như: tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký, thông báo hoạt động theo đúng quy định khi tham gia TMĐT vẫn còn rất thấp; nhiều vấn đề phát sinh chưa được quản lý tốt như thuế, bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân, hàng cấm, hàng nhái xuất hiện tràn lan; hoạt động lừa đảo khách hàng ngày càng phức tạp…

Khi triển khai ứng dụng TMĐT vào thực tế, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hoạt động TMĐT đã được triển khai rộng rãi tới nhiều đối tượng bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cũng như người dân như: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT; đào tạo các kỹ năng lập kế hoạch ứng dụng và triển khai TMĐT cho doanh nghiệp; khai thác thông tin thương mại trực tuyến; tìm kiếm khách hàng trên in-tơ-nét; xây dựng và quản trị website TMĐT; ứng dụng ma-két-tinh trực tuyến; sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu trên môi trường in-tơ-nét. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website quảng bá, hỗ trợ kinh doanh hiệu quả với chi phí thấp phù hợp với mô hình, sản phẩm của doanh nghiệp và tham gia vào Cổng TMĐT quốc gia (ECVN)… Một số ngành liên quan như KH và ĐT, Thuế, Hải quan và các địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và triển khai những ứng dụng mới để thực hiện lộ trình TMĐT. Sở KH và ĐT đã cải cách, nâng cao mức độ thuận tiện cho người dân và các doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong hoạt động đăng ký kinh doanh nhằm cải cách thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Sở Công thương ứng dụng CNTT trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện kinh doanh một số mặt hàng bắt buộc thuộc phạm vi quản lý; xác nhận các văn bản thông báo tổ chức chương trình khuyến mại, quảng cáo… Cục Thuế tỉnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế thông qua việc triển khai mở rộng kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Chi cục Hải quan Nam Định đưa vào áp dụng hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với các chức năng mới là thủ tục đăng ký danh mục miễn thuế, thủ tục áp dụng chung cả hàng mậu dịch và phi mậu dịch, đơn giản thủ tục với hàng có trị giá thấp, quản lý hàng hoá tạm nhập, tái xuất...

Cán bộ Chi cục Hải quan Nam Định hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan điện tử.
Cán bộ Chi cục Hải quan Nam Định hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan điện tử.

Đồng hành với các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng, dịch vụ tín dụng và doanh nghiệp viễn thông cũng đưa ra các gói dịch vụ chữ ký số đáp ứng nhu cầu sử dụng chữ ký số để tăng tính bảo mật cho các doanh nghiệp khi thực hiện công tác kê khai thuế điện tử và hải quan điện tử. Do đó đã góp phần hiện đại hóa trong thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước; số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày một tăng. Đến nay, 100% doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh đều đã ứng dụng TMĐT vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tối đa những cơ hội ứng dụng TMĐT vào cả hoạt động thông quan, kê khai, nộp thuế, thanh toán và chào hàng, ký kết hợp đồng kinh doanh qua mạng in-tơ-nét. Tiêu biểu như các Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Tổng Cty Dệt Nam Định; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, phân phối, bán lẻ hàng hóa… đã ứng dụng TMĐT vào hầu hết các khâu bán hàng, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp… Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, trong khi việc ứng dụng TMĐT diễn ra đồng bộ ở các cơ quan Nhà nước thì phía các doanh nghiệp chỉ ứng dụng khi bắt buộc kê khai thuế điện tử và thông quan điện tử, còn việc xây dựng website để quảng bá về doanh nghiệp và hoạt động giao thương qua mạng chiếm tỷ lệ thấp và hầu như các doanh nghiệp không cập nhật các số liệu mới; chưa khai thác các ứng dụng khác như giao dịch và thanh toán trực tuyến. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa quan tâm phát huy tối đa những tiện ích mà TMĐT đem lại; mặt khác doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách CNTT hoặc có nhưng trình độ CNTT hạn chế nên còn e ngại vấn đề quản lý an toàn thông tin khi ứng dụng TMĐT. Trong khi doanh nghiệp chưa thực hiện hết các tính năng của TMĐT thì trên môi trường mạng có không ít hành vi gian lận thương mại diễn ra như: xuất hiện nhiều địa chỉ giao dịch ảo, quảng cáo sai sự thật; không rõ ràng về hợp đồng, giá cả và chất lượng hàng hóa... Đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân. TMĐT còn biến tướng thành nhiều kiểu bán hàng mang tính lừa đảo như bán hàng đa cấp với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn chịu nhiều thua thiệt vì chưa hiểu rõ các quy định, cách thức tham gia hoạt động TMĐT... Điển hình như vụ việc Cty CP Đào tạo Mua bán Trực tuyến (TP Nam Định) mượn danh TMĐT rao bán các gian hàng ảo trên mạng theo hình thức bán hàng đa cấp trục lợi người tiêu dùng mà cơ quan chức năng đã đưa ra xử lý công khai để cảnh báo người tiêu dùng và răn đe những hành động phi pháp của các gian thương. Ngoài ra, còn vô số những tranh chấp nhỏ mà người tiêu dùng không thể khiếu nại như mua hàng không đúng như chất lượng đã công bố trên mạng; in hóa đơn thanh toán điện tử sai; thanh khoản sai so với hóa đơn mua hàng khi sử dụng thẻ tín dụng mua hàng tại một số siêu thị… Vi phạm này khiến người tiêu dùng không tin tưởng việc giao dịch qua mạng mà quay lại với phương pháp giao dịch truyền thống. Những nguyên nhân trên đã khiến hoạt động TMĐT trên địa bàn chưa đạt tiến độ theo lộ trình phát triển TMĐT giai đoạn (2011-2015) của UBND tỉnh đặt ra với những chỉ tiêu cơ bản như: Có 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 35% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 20% doanh nghiệp tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; 20% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng. Một số dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh được cung cấp trực tuyến. Bên cạnh đó, việc chậm ứng dụng TMĐT còn làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sản phẩm địa phương khi tham gia thị trường cạnh tranh tự do. 

Trước thực trạng này, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh, các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TMĐT. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về TMĐT theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT. Đặc biệt là việc thực hiện đăng ký, thông báo website với cơ quan chức năng; trong quá trình quản trị, vận hành website cần tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành khi đăng tải thông tin, tài liệu. Chủ động các phương án đấu tranh chống hoạt động kinh doanh hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng thông qua TMĐT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực thực hiện các giao dịch thương mại thông qua hệ thống thư điện tử; sử dụng các phần mềm tiện ích chuyên ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động và hội nhập xu hướng tiêu dùng hiện đại. Bản thân người tiêu dùng khi tham gia hoạt động TMĐT cần chủ động, tích cực tìm hiểu văn bản pháp luật về phát triển TMĐT; chủ động phối hợp cơ quan Nhà nước để giải quyết những tiêu cực, khó khăn trong hoạt động TMĐT./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com