Thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn

07:09, 11/09/2014

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển CN-TTCN, làng nghề giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 37/KH-UBND. UBND tỉnh đã giao các sở: NN và PTNT, Công thương chủ trì, tiến hành rà soát thực trạng các làng nghề, làng nghề truyền thống hiện có trên địa bàn, các CCN tập trung, các địa phương có thế mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN và chủ động phối hợp, hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề.

Đến nay, toàn tỉnh đã khôi phục, phát triển được 131 làng nghề, làng nghề truyền thống, gồm 94 làng nghề cũ và 37 làng nghề mới được phục hồi, nhân cấy và phát triển thành công trong các năm 2011-2014. Các làng nghề mới đã tạo việc làm ổn định cho trên 5.000 lao động nông thôn, góp phần tăng số lao động trực tiếp tham gia sản xuất tại các làng nghề khu vực nông thôn lên trên 65 nghìn người. UBND tỉnh đã quyết định công nhận 80 làng nghề, làng nghề truyền thống đáp ứng các tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Để tạo động lực hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động khuyến công tập trung vào các nhiệm vụ: hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp ở nông thôn đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất. Trong giai đoạn 2011-2014, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí thực hiện 194 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 14,542 tỷ đồng. Tháng 5-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện 29 chương trình, đề án khuyến công đợt I-2014 với tổng kinh phí 2,108 tỷ đồng. Các chương trình, đề án khuyến công được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí gồm: 5 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; 5 đề án bình chọn sản phẩm CN-TTCN nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2014 (các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực); 1 đề án bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014; hỗ trợ kinh phí cho 14 lớp đào tạo nghề.

Sản xuất các sản phẩm dệt truyền thống tại HTX Dệt Hưng Thịnh, CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Sản xuất các sản phẩm dệt truyền thống tại HTX Dệt Hưng Thịnh, CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước triển khai các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Đã có thêm 4 CCN ở khu vực nông thôn được lấp đầy 100% diện tích là các CCN: Hải Phương, Hải Minh (Hải Hậu); Xuân Tiến (Xuân Trường) và Cát Thành (Trực Ninh), nâng tổng số các CCN được lấp đầy và cơ bản lấp đầy lên 14 CCN. Trong tổng số 19 CCN ở khu vực nông thôn toàn tỉnh đã thu hút được 459 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vào đầu tư với tổng vốn đầu tư được duyệt là 2.975,5 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 2.706,7 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tại các CCN ước đạt 2.360 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 18.400 lao động. Có tổng số 47 dự án đầu tư vào khu vực nông thôn (29 dự án đầu tư vào các CCN, 18 dự án đầu tư ngoài các CCN) với tổng vốn đăng ký là 4.471,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.750 lao động mới. Sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, đóng góp đắc lực thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, có 68 xã đạt giá trị sản xuất CN-TTCN trên 15% tổng giá trị sản xuất toàn xã (tăng 18 xã so với năm 2011). Nhiều xã xây dựng NTM có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm tới 50-80% tổng giá trị sản xuất toàn xã như: Yên Ninh, Thị trấn Lâm (Ý Yên); Trực Hùng, Trung Đông (Trực Ninh); Thị trấn Thịnh Long, Hải Minh, Hải Phương (Hải Hậu); Xuân Kiên, Xuân Phương (Xuân Trường)... Đã có 25 xã xây dựng NTM phát triển được 43 làng nghề sản xuất CN-TTCN được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề truyền thống ở những xã xây dựng NTM duy trì và phát triển tương đối ổn định như các làng nghề: cơ khí Xuân Kiên, Xuân Tiến, chiếu cói Xuân Dục (Xuân Trường); mộc mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên); mộc gia dụng Phạm Rỵ, dệt chiếu Phương Đức (Hải Hậu)... Nhiều xã xây dựng NTM đã nhân cấy, phát triển thành công các làng nghề mới như các làng nghề: chạm khắc gỗ Đằng Động, xã Yên Hồng; chạm trổ, điêu khắc gỗ Tân Ninh, Thị trấn Lâm (Ý Yên); mộc mỹ nghệ Tam Tùng Đông, xã Hải Đường (Hải Hậu)... Một số làng nghề truyền thống sau nhiều năm trầm lắng, mai một đã được phục hồi và phát triển như: nghề thêu ren truyền thống ở các thôn Nhuộng, Thông, Hoàng Giang, Tiêu Bảng, Văn Minh, Văn Mỹ và nghề khâu nón của thôn Mạc Sơn, xã Yên Trung (Ý Yên); làng nghề thêu ren truyền thống Phú Nhai, nghề điêu khắc và chế biến lâm sản ở các thôn Trà Đông, Trà Đoài của xã Xuân Phương (Xuân Trường); làng nghề dệt khăn truyền thống ở thôn Trung Thắng, làng nghề thủy tinh Xối Trì của xã Nam Thanh (Nam Trực)... Các doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn đã hoàn thành tốt vai trò là hạt nhân tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giữ vai trò nòng cốt gia tăng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề. Nhiều sản phẩm CN-TTCN của các địa phương, làng nghề trong tỉnh đã có mặt ở khắp các tỉnh trong nước, một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo các tiêu chí xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, những xã xây dựng NTM có làng nghề đã tạo điều kiện cho kinh tế dịch vụ phát triển, làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động, thu nhập của lao động làng nghề luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2-3 lần, bảo đảm ổn định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là: Sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn tuy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân (giai đoạn 2011-2013) là 21,8%, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh (21,08%) song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu nghị quyết đề ra là 25%; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt xấp xỉ 53% (mục tiêu nghị quyết là 55%) tổng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh; số xã, thị trấn đạt giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm 10% tổng cơ cấu kinh tế mới chiếm 75,1% (mục tiêu là 80%), số xã, thị trấn xây dựng NTM đợt I có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm 15% tổng cơ cấu kinh tế mới đạt 70,8% chỉ tiêu nghị quyết đề ra; số lượng các dự án đầu tư về địa bàn nông thôn còn ít, quy mô dự án vừa và nhỏ, trình độ công nghệ và thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế, chủ yếu đầu tư vào một số ngành truyền thống như: dệt may, cơ khí; chưa thu hút được các dự án đầu tư có giá trị lớn vào các ngành có thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản...

Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy là: giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn nông thôn tăng bình quân 25%/năm trở lên, đạt 34.830 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm tỷ trọng 55% trở lên trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vào năm 2015; phấn đấu 100% số xã trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh có nghề, làng nghề, sản phẩm chủ yếu, có giá trị sản xuất CN-TTCN từ 15% trở lên; 100% làng nghề TTCN hiện có đạt tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT, tạo thêm việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động, đưa tổng số lao động sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn lên 161 nghìn người… UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành: Công thương, KH và ĐT, NN và PTNT phối hợp với UBND các huyện triển khai đồng bộ 13 giải pháp trọng tâm để phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn bền vững. Trong đó tập trung tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa bàn nông thôn làm nòng cốt phát triển, tiếp thu công nghệ sản xuất mới, là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, gia công đặt hàng để góp phần phát triển các làng nghề sản xuất theo hướng bền vững. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với 12 CCN đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng; đầu tư mở rộng diện tích 8 CCN còn lại và xây dựng mới 3 CCN: Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Nam Thanh, Đồng Sơn (Nam Trực) và một số CCN theo quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt…

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com