Mặc dù có những bước phát triển tích cực trong khai thác thủy sản, song ở tỉnh ta vẫn còn tình trạng số lượng lớn tàu cá công suất nhỏ và cả tàu cá công suất lớn tập trung khai thác thủy sản trái phép ở vùng ven bờ, sử dụng các ngư cụ, phương pháp khai thác mang tính hủy diệt dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, môi trường bị xâm hại, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của ngư dân. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững ngành kinh tế quan trọng này, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động khai thác thủy sản đã được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm.
Toàn tỉnh hiện có 1.942 tàu, thuyền đánh cá với tổng công suất trên 97 nghìn CV, trong đó số tàu thuộc diện đăng kiểm là 620 chiếc. Thực hiện sự phân cấp quản lý của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh tổ chức rà soát, tổng hợp tình hình quản lý tàu cá theo phân cấp. Ngoài ra, Chi cục KTBVNLTS thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở, BĐBP tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm và thiếu thiết bị thông tin, các trang thiết bị an toàn theo quy định. Toàn tỉnh có 1.311 tàu làm các nghề khai thác ven bờ như đăng, đáy, lờ… chuyên khai thác thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định với cường độ lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản chưa trưởng thành, làm sụt giảm nguồn giống tự nhiên; thậm chí vẫn có trường hợp khai thác hải sản bằng cách sử dụng xung điện, lưới có kích cỡ mắt nhỏ gây hệ quả hủy diệt các loài thủy sản, nhất là vào mùa sinh sản, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái. Nguyên nhân do các nghề khai thác ven bờ phụ thuộc nhiều vào sự biến động nguồn lợi theo mùa; vào mùa thì tất cả các tàu đều đồng loạt tham gia khai thác và ngược lại, hết mùa, nguồn lợi giảm, tất cả đều nằm bờ, làm mất ổn định về cơ cấu nghề. Bên cạnh đó, do giá xăng, dầu tăng cao mà giá hải sản không tăng gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng là nguyên nhân khiến số lượng lớn tàu làm nghề lưới kéo phải nằm bờ. Không chỉ ở các vùng ven bờ biển, nguồn lợi thủy sản tại vùng nội đồng hiện cũng đang ở trong tình trạng bị suy giảm nghiêm trọng. Trên các tuyến sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Đào và sông Hồng xuất hiện rất nhiều đăng, đó khai thác thủy sản. Tình trạng tự phát xây dựng ao, đầm nuôi thủy sản không đảm bảo kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi còn sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản và các chế phẩm sinh học tùy tiện, không theo hướng dẫn đã gây ra dịch bệnh; nguồn nước bị nhiễm bệnh không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường cũng làm lây lan dịch bệnh cho động vật thủy sản tự nhiên ở nhiều vùng nuôi lân cận, đồng thời làm mất cân bằng sinh thái.
Ngư dân huyện Giao Thủy đánh bắt hải sản. |
Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của ngành về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục KTBVNLTS đã thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý nhiều vụ vi phạm với các hình thức sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản. Do đó hiện tượng sử dụng xung điện gần đây đã giảm hẳn, không còn công khai vi phạm như trước đây, góp phần ổn định và hạn chế dần việc khai thác có tính nguy hại đến nguồn lợi thủy sản và môi trường vùng nước ven bờ. Hiện nay, ngư trường hoạt động của các tàu cá tỉnh ta chủ yếu là ở Vịnh Bắc Bộ, vào vụ cá Nam có khoảng 200 tàu lưới rê của tỉnh thường xuyên khai thác thủy sản tại các vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, một số tàu cá đã di chuyển ngư trường khai thác vào vùng biển Nam Trung Bộ (Nha Trang, Vũng Tàu). Hằng năm, Chi cục KTBVNLTS phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm theo Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT nên không có trường hợp tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng cấm khai thác, thời gian cấm hoặc khai thác không đúng quy định. Thực hiện quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển, Chi cục thường xuyên phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân tầm quan trọng của việc ghi sổ nhật ký, báo cáo tình hình khai thác thủy sản. Chi cục đã chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư phát sổ nhật ký khai thác cho tất cả các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên; cử cán bộ trực tiếp xuống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu, thuyền hướng dẫn cho ngư dân cách ghi nhật ký khai thác. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu chưa thấy được tầm quan trọng của việc ghi nhật ký khai thác, tư tưởng tư hữu sợ lộ ngư trường khai thác, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nên việc ghi sổ nhật ký khai thác rất hạn chế, chiếu lệ độ chính xác không cao, báo cáo khai thác nhiều khi mang tính đối phó với các cơ quan chức năng.
Hiện Sở NN và PTNT phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, mở các lớp tập huấn, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nêu rõ tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản, qua đó vận động nhân dân tự nguyện ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng các chương trình, dự án chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thủy sản ven bờ. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện khai thác thủy sản. Tăng cường trang bị về phương tiện và con người cho lực lượng thanh tra chuyên ngành bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ. Tham mưu với UBND tỉnh về tiêu chí lựa chọn chủ tàu được vay vốn tín đụng để đóng mới, nâng cấp tàu đảm bảo phát triển kinh tế biển bền vững theo Nghị định số 67/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ đóng mới tàu kiểm ngư cho Chi cục KTBVNLTS có công suất từ 1.000CV trở lên để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên biển; hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường vùng ven biển./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh