Nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án hỗ trợ người dân ứng phó với biến đổi khí hậu

07:09, 04/09/2014
Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng, nhất là hiện tượng xâm nhập mặn và biến đổi hệ sinh thái tại các địa phương ven biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống, xã hội của người dân. Xác định người dân tại các vùng chịu tác động của BĐKH là đối tượng đầu tiên chịu thiệt hại nên các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh ta đã đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân. Các mô hình dự án tổ chức thành công, ngoài việc mang lại lợi ích trực tiếp cho người tham gia mô hình còn góp phần giảm các tác động có hại, kiềm chế quá trình biến đổi tiêu cực của khí hậu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành TN và MT, bên cạnh những mô hình đạt hiệu quả tích cực thì cũng có không ít những mô hình hiệu quả còn hạn chế so với mức đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu tạo sinh kế bền vững, cải thiện đời sống nhân dân. Một số mô hình đạt hiệu quả cao trong giai đoạn thí điểm, tuy nhiên không thể nhân rộng ra các địa phương khác. Thậm chí, một số mô hình như: nuôi dế, nuôi giun quế, sản xuất nấm... dù ngành chức năng và bản thân các hộ dân được nhận hỗ trợ đã dày công xây dựng nhưng cũng không thể duy trì sau khi dự án kết thúc.
 
Để không lãng phí tâm huyết, tiền của, công sức khi thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân tại các vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH, các ngành chức năng và các địa phương đã rút kinh nghiệm, nghiên cứu thực hiện các chương trình dự án có tính khả thi và bền vững. Qua phân tích các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng, phát triển sinh kế cho người dân chịu tác động bởi BĐKH chưa đạt hiệu quả cao, đã nhận thấy: nguồn lực cho các mô hình, dự án bị đầu tư dàn trải, phân tán nên không thể hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện; hoặc do trước khi thực hiện mô hình đơn vị chủ trì chưa nghiên cứu kỹ đối tượng, địa bàn triển khai nên đã áp dụng các hình thức sản xuất chưa phù hợp với tập quán sản xuất của địa phương được hỗ trợ nên không đạt hiệu quả như mong muốn. Một khó khăn của các mô hình tạo sinh kế cho người dân là xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững dẫn đến nhiều mô hình khi có sản phẩm đại trà thì không tiêu thụ được hoặc giá rẻ không bảo đảm có lãi. Mặt khác, tại một số dự án vẫn còn tình trạng người dân thụ động, chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí và các điều kiện hỗ trợ từ dự án mà không đầu tư thêm vốn, công sức để tiếp tục duy trì, phát triển mô hình sinh kế sau giai đoạn hỗ trợ. 
 
Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm nhiên liệu, giảm xả thải khí độc ra môi trường, góp phần giảm nguy cơ BĐKH.
Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm nhiên liệu, giảm xả thải khí độc ra môi trường, góp phần giảm nguy cơ BĐKH.
Hiện nay, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đều tích cực tự tổ chức hoặc huy động kinh phí, phối hợp tổ chức các dự án truyền thông có thể nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH, đặc biệt là những người dân sinh sống tại khu vực rừng ngập mặn, từ đó giúp người dân hiểu rõ các nguy cơ do BĐKH gây ra cũng như nỗ lực tạo lập và duy trì, phát triển các mô hình sinh kế theo hướng bền vững. Các địa phương, các ngành quán triệt quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển sinh kế cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH để bảo đảm đủ nguồn lực duy trì mô hình; tích cực kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hướng vừa giải quyết những khó khăn về vốn đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định... Tiêu biểu như: Sở NN và PTNT đã tham mưu với tỉnh quy hoạch các vùng sản xuất bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập như chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, hoặc luân canh cây màu thay cho cấy lúa kém hiệu quả vì năng suất thấp. Nhiều địa phương đã chuyển đổi thành công như các xã Nam Điền, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Thị trấn Thịnh Long, các xã Hải Châu, Hải Đông… (Hải Hậu), Thị trấn Quất Lâm, các xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Xuân… (Giao Thuỷ). Trong chỉ đạo xây dựng các mô hình trồng lúa để đối phó với BĐKH, ngành NN và PTNT cũng đã yêu cầu các địa phương sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, loại bỏ các giống lúa dài ngày để gieo cấy trong cả 2 vụ; hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân cân đối cho lúa khoẻ, cứng cây nhằm tăng khả năng chống chịu, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, thời tiết, sâu bệnh, bảo đảm an toàn năng suất và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa trong năm. Nhiều giống lúa, giống cây có khả năng chịu mặn được đưa vào gieo trồng tại các địa phương bị nhiễm mặn ven biển, cửa sông. Vừa qua, Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Nam Định (Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh) tổ chức triển lãm “Mô hình năng lượng bền vững cấp cộng đồng” cho nhân dân cụm xã Hải Chính, Hải Lý (Hải Hậu). Trong tháng 3-2014, Trung tâm này tiếp tục phối hợp với tổ chức nhân đạo phi Chính phủ Latter Day Saint Charities (Mỹ) thực hiện dự án dạy nghề may công nghiệp và hỗ trợ 56 máy may công nghiệp và những dụng cụ phục vụ trong ngành may giúp cho hội viên Hội Phụ nữ 2 xã ven biển Hải Chính và Hải Lý (Hải Hậu) xây dựng và phát triển nghề may công nghiệp, cải thiện cuộc sống trong điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương đang chịu nhiều tác động tiêu cực của BĐKH. Nhiều hội viên phụ nữ qua học nghề ở mô hình này đã được tuyển dụng vào làm việc ở các doanh nghiệp. Qua đánh giá bước đầu hiệu quả dự án, nhà tài trợ đã tiếp tục hỗ trợ thêm 5 bộ máy may công nghiệp đồng bộ, giúp người dân có thể thao tác tất cả các công đoạn sản xuất trong nghề may từ thô đến hoàn thiện sản phẩm. Một trong những yếu tố bảo đảm tính bền vững của các mô hình, dự án sinh kế ứng phó với BĐKH là vai trò chủ thể tích cực của người dân vùng dự án, mô hình phải cộng đồng trách nhiệm, không lệ thuộc, ỷ lại các nguồn hỗ trợ từ dự án. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về BĐKH và trách nhiệm “tự” cứu mình với sự hỗ trợ của dự án là hết sức quan trọng. Hợp phần dự án về “Xây dựng mô hình đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững từ đó thí điểm xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho địa phương và Vườn quốc gia Xuân Thủy thông qua việc hợp đồng cho phép cộng đồng địa phương thuê khoán đất mặt nước để nuôi ngao” tại Vườn quốc gia Xuân Thủy được bắt đầu triển khai từ tháng 1-2014 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2014 là một trong chuỗi dự án hướng đến phát triển nghề nuôi ngao theo hướng thích ứng bền vững với BĐKH. Ngày 16-1-2014, ngành NN và PTNT còn tiếp nhận nhiệm vụ và triển khai thực hiện hợp phần thích ứng với BĐKH thuộc Dự án "Hỗ trợ ứng phó BĐKH ở rừng và đồng bằng Việt Nam (VFD)" do Bộ NN và PTNT và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp hỗ trợ. Đây là một dự án nằm trong loạt dự án hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, trang bị công cụ và khả năng tiếp cận các cơ hội, sinh kế để tăng khả năng chống chịu với các rủi ro trước mắt và lâu dài do BĐKH; hỗ trợ cơ quan quản lý các cấp nâng cao nhận thức về rủi ro, trang bị công cụ và năng lực giải quyết rủi ro do BĐKH./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com