Là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Ý Yên, lại liền kề với các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi như Cát Đằng, La Xuyên, Tống Xá…, những năm gần đây, Thị trấn Lâm đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, trong đó thương mại - dịch vụ (TMDV) đã trở thành mũi nhọn kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các làng nghề phát triển, góp phần tích cực vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, Đảng ủy, UBND thị trấn đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển TMDV, CN-TTCN và tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính và đảm bảo an ninh trật tự cho các hộ dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện tại, thị trấn đã có một CCN với tổng diện tích gần 20ha, giáp với tỉnh lộ 485. CCN được chia thành 2 khu vực sản xuất công nghiệp và TMDV. Theo đó, mỗi doanh nghiệp đầu tư tại CCN sẽ được ưu tiên thuê một lô đất tại khu TMDV để xây dựng cửa hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm. Do đó, ngoài việc giải quyết mặt bằng sản xuất, Thị trấn Lâm còn hình thành được tuyến phố thương mại dọc tuyến tỉnh lộ 485 với những thương hiệu nổi tiếng trong nghề đúc đồng như đúc đồng Dương Bá Phong, Vũ Duy Thuấn, Dương Bá Kiên, Thắng Lợi, 27-7… Đây là hướng đi đúng của lãnh đạo Thị trấn Lâm trong việc quan tâm phát triển song hành sản xuất và dịch vụ thương mại.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề Tân Ninh, Thị trấn Lâm. |
Đối với làng nghề chạm, khảm gỗ Tân Ninh, UBND thị trấn khuyến khích các hộ sản xuất cải tạo diện tích cây bụi, vườn tạp, mở rộng lòng đường trong khu dân cư, tạo thuận lợi cho phương tiện cơ giới hoạt động vận chuyển trao đổi hàng hóa. Do đó, các đường trục xóm trở thành nơi trưng bày các sản phẩm làng nghề và là nơi giao thương sầm uất của 150 hộ dân sản xuất trong làng nghề. Trong năm 2014, Thị trấn Lâm đã đầu tư nâng cấp chợ trung tâm thị trấn và xây mới 2 bể cứu hỏa với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa thiết yếu và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của người dân thị trấn và khu vực lân cận. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, những năm qua cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển TMDV đã ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân. UBND thị trấn còn chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm truyền thống chủ lực đồ đồng và mộc mỹ nghệ thông qua việc tổ chức hội chợ thương mại tại địa phương và tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ khu vực và quốc tế. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực TMDV và gắn các loại hình hoạt động TMDV trên địa bàn thị trấn với các địa phương lân cận, tạo thế mạnh về cung ứng dịch vụ hàng hoá nhằm tăng mức luân chuyển hàng hoá, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Đồng thời hỗ trợ nhân dân về thủ tục tín chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thị trấn đạt trên 100 tỷ đồng. Kinh doanh dịch vụ thương mại phát triển, đưa thị trấn trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá, là đầu mối liên kết và cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn sản xuất, tạo cầu nối giữa sản xuất với tiêu thụ các loại sản phẩm nông sản, hàng công nghệ phẩm và cung ứng nguyên vật liệu cho nghề chế tác đồng, gỗ mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề… Hiện, trên địa bàn thị trấn có 29 doanh nghiệp và 560 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cùng một số văn phòng đại diện của các ngân hàng, bưu điện, doanh nghiệp dịch vụ vận tải… Ngoài tạo việc làm, thu nhập ổn định cho số lượng lớn lao động địa phương và các địa bàn lân cận, thị trấn còn trở thành nơi trung chuyển và tiêu thụ nguyên liệu cho nghề chế tác đồng, gỗ mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề khu vực miền Bắc. Trước nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm đồng mỹ nghệ và chạm khắc gỗ không chỉ đổi mới, phát triển những sản phẩm mỹ nghệ truyền thống mà còn mở rộng sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và kinh doanh theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, thị trấn có hơn 60% số hộ tham gia sản xuất, kinh doanh với tổng giá trị hàng hóa tới hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng nghìn lượt người đến trao đổi, mua bán mỗi ngày. Cơ cấu kinh tế của thị trấn đã chuyển mạnh sang phát triển TMDV, CN-TTCN với mức thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển TMDV, cùng với việc chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, lãnh đạo thị trấn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các kênh vốn, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và sử dụng nhiều lao động tại địa phương. Phát huy thế mạnh các làng nghề truyền thống theo hướng đẩy mạnh sản xuất gắn với dịch vụ, du lịch và cung ứng sản phẩm làng nghề… phát triển kinh tế địa phương bền vững. Đồng thời chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TMDV; đẩy mạnh hoạt động quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần quản lý thị trường phát triển lành mạnh, hàng hóa lưu thông thông suốt và bảo vệ sản phẩm làng nghề trước nguy cơ làm giả, làm nhái thương hiệu, gây mất uy tín của các sản phẩm trên thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương