Gần đây, ở một số địa phương xuất hiện việc người dân tự ý chuyển đổi từ nuôi tôm, cá nước ngọt sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) do thấy lợi nhuận bước đầu khá hơn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế ở các địa phương khác và nghiên cứu của cơ quan chuyên môn, hoạt động này có thể gây hậu quả tiêu cực đối với sản xuất trong vùng, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ.
Nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt của một hộ nông dân xã Giao Thịnh (Giao Thủy). |
Sau một thời gian nuôi các loại cá vược, trắm đen, lóc bông… lợi nhuận không cao, đầu năm 2014, ông Đinh Văn Thoái ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy) đã cải tạo lại 7.000m2 ao, đầu tư nuôi TTCT. Ông Thoái cho biết: Thời gian nuôi cá nước ngọt kéo dài (8-9 tháng) nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, chi phí thức ăn, chăm sóc lớn. Trong khi đó, giá cá thương phẩm lại phụ thuộc nhiều vào thương lái nên ông quyết định chuyển một phần diện tích nuôi cá nước ngọt sang nuôi TTCT. Trước khi đưa vào ao nuôi nước ngọt việc thuần hóa tôm giống không phức tạp. Vụ nuôi đầu tiên, ông thả 15 vạn con giống, chỉ sau 70 ngày nuôi, ông thu hoạch được hơn 1 tấn tôm. Với giá bán 130 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nuôi cá trước đây. Vừa qua, ông tiếp tục thả giống nuôi vụ 2. Không chỉ gia đình ông Thoái, gần đây một số hộ nông dân tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… qua tham khảo thực tế đã nhanh chóng chuyển hướng sang nuôi TTCT trong vùng nước ngọt. Kết quả ban đầu cho thấy, TTCT nuôi trong vùng nước ngọt sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát sinh dịch bệnh, lợi nhuận cao hơn nhiều so với các đối tượng con nuôi thuỷ sản nước ngọt khác. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là tất cả các diện tích nuôi TTCT trong vùng nước ngọt trên địa bàn tỉnh đều nằm trong diện tích quy hoạch để nuôi các loại cá nước ngọt. Việc người dân tự phát chuyển đổi sang nuôi TTCT có thể phá vỡ quy hoạch nuôi tôm đã được phê duyệt và khó kiểm soát tình hình sản xuất. Bên cạnh đó, do phát triển tự phát nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ theo đúng yêu cầu kỹ thuật, không có ao chứa và ao xử lý nước thải; nguồn nước cung cấp cho ao nuôi được lấy trực tiếp từ bên ngoài và nguồn nước thải sau khi nuôi tôm lại xả trực tiếp ra môi trường xung quanh tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, dễ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng cả các con nuôi khác. Thậm chí một số hộ còn tự ý khoan giếng sâu, khai thác nước ngầm để phục vụ nuôi TTCT và xả thải nước mặn ra bên ngoài. Việc làm này không những gây nguy cơ sụt lún đất trong khu vực mà còn gây “mặn hóa” vùng nuôi, ô nhiễm nguồn nước ngầm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa và các giống cây trồng khác. Mặt khác do chuyển đổi tự phát, người dân chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro lớn cho người nuôi. Các mầm bệnh mới từ TTCT có thể lây lan sang tôm càng xanh và các loài thủy sản khác. Mặt khác, không những thấp hơn về năng suất, sản lượng mà chất lượng TTCT thương phẩm nuôi trong nước ngọt cũng kém hơn hẳn so với nuôi nước lợ. Do môi trường nuôi nước ngọt thiếu các vi chất cần thiết, nhất là can-xi, nên tôm dễ bị bệnh mềm vỏ, hình dạng xấu, khi luộc chín vỏ tôm đỏ nhạt và thịt không đậm, lại nhũn hơn so với tôm nuôi trong môi trường nước lợ và nước mặn, do đó giá bán thấp hơn. Khi nhu cầu xuống thấp, giá không ổn định người nuôi có nguy cơ không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến thua lỗ.
Việc nuôi TTCT trong môi trường nước ngọt trên địa bàn tỉnh mới xuất hiện do người dân tự phát tiến hành nên bước đầu mới thấy có lợi hơn một số đối tượng nuôi cũ như các loại cá mà chưa thấy rõ các hậu quả lâu dài, thiếu bền vững của nó. Tuy nhiên, từ thực tế tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là bài học kinh nghiệm của Thái Lan, nơi từng diễn ra các hoạt động nuôi TTCT trong nước ngọt từ nhiều năm trước và kết quả đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước của Bộ NN và PTNT đã cho thấy những tồn tại bất cập khi đưa TTCT vào vùng nuôi nước ngọt. Việc nuôi TTCT trong vùng nước ngọt có thể làm ô nhiễm toàn vùng và biến khu vực này trở thành “vùng đất chết”, không thể phát triển được bất cứ loại thuỷ, hải sản nào; hoặc nếu có nuôi được loại hải sản nào đó hay chuyển sang loại hình canh tác khác thì cũng phải mất rất nhiều chi phí để xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường nuôi.
Trước tình hình trên, ngày 2-6-2014, Bộ NN và PTNT ban hành Công văn số 1711/BNN-TCTS về việc quản lý nuôi TTCT trong vùng nước ngọt. Để quản lý chặt chẽ nuôi TTCT trong vùng nước ngọt, đảm bảo theo quy hoạch, hiệu quả và bền vững, Sở NN và PTNT yêu cầu Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố; các cơ quan quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản không chủ trương nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt và thực hiện nuôi tôm nước lợ đúng theo Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm nuôi TTCT và không để người dân tự ý thả nuôi TTCT trong vùng nước ngọt. Đối với các địa phương đã thả nuôi TTCT trong vùng nước ngọt trước đây, yêu cầu người nuôi thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ môi trường, sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại, không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi TTCT trong vùng nước ngọt, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh