Để đáp ứng yêu cầu điều hành và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX theo mô hình mới, góp phần phát triển kinh tế hộ xã viên trong cơ chế thị trường, việc nâng cao kỹ năng tổ chức dịch vụ thương mại là yêu cầu tất yếu đối với cán bộ các HTXDVNN.
HTXDVNN Bắc Cường và Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) là những đơn vị có truyền thống tổ chức tốt khâu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh doanh các dịch vụ làm đất, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Trong những năm gần đây, HTX từng bước phát triển thêm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. HTXDVNN đã ký hợp đồng với các Cty chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh, thu mua sản phẩm cho xã viên theo hình thức thống nhất về đối tượng cây trồng, chỉ tiêu chất lượng, số lượng và thời điểm thu hoạch sản phẩm cũng như phương thức thanh toán. Theo đó, HTXDVNN chịu trách nhiệm đảm bảo diện tích, các điều kiện canh tác và số lượng hàng hoá; phía doanh nghiệp chế biến nông sản có trách nhiệm cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, cử cán bộ kỹ thuật về địa phương hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quá trình sản xuất và tổ chức thu mua nông sản tại ruộng. Tuy nhiên qua thực hiện rất nhiều hợp đồng ký kết trong những năm qua, hầu như không mấy hợp đồng diễn ra suôn sẻ. Tùy vào điều kiện thị trường hằng năm, khi thì các doanh nghiệp chậm thu mua nông sản, khi thì yêu cầu nông dân thu hoạch sớm hơn so với dự định gây thiệt hại cho người dân. Có khi doanh nghiệp chậm thanh toán khiến bà con xã viên “sốt ruột”, cán bộ HTX đứng ra làm “cầu nối” bao tiêu sản phẩm cũng “đứng ngồi không yên”...
HTXDVNN Bắc Cường, xã Nam Cường (Ý Yên) hỗ trợ xã viên bao tiêu sản phẩm cây vụ đông. |
Đối với các trường hợp thỏa thuận ấn định giá sản phẩm trong hợp đồng nông dân vẫn bị “làm khó” bởi khi thu mua, các doanh nghiệp rất khắt khe trong sàng lọc sản phẩm và số lượng bị loại quá nhiều buộc xã viên phải bán với giá thấp hơn vì với những sản phẩm mang tính đặc trưng như dưa chuột bao tử, cà chua bi, ớt, ngô bao tử... thì rất khó tiêu thụ tại thị trường tự do. Bên cạnh đó còn rất nhiều rủi ro khách quan như thời tiết, sâu bệnh và do cả chất lượng con giống, vật tư nông nghiệp không tốt làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng do nội dung hợp đồng không chặt chẽ nên việc đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp hầu như bất khả thi, mọi thiệt thòi đều đổ cả lên vai người nông dân. Không chỉ có thế, các dạng rủi ro không lần nào giống lần nào khiến cho cán bộ HTX dù đã chủ động rút kinh nghiệm khi ký hợp đồng cũng vẫn không tránh khỏi bị hớ(?!). Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp người vi phạm hợp đồng là nông dân khiến HTX “vạ lây”. Như trong vụ đông 2013, HTX ký kết với Cty TNHH Chế biến nông sản Minh Hiền (Hà Nam) tiêu thụ sản phẩm cho hơn 40ha ngô ngọt xuất khẩu và 5ha dưa chuột bao tử theo hình thức Cty cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, quy trình kỹ thuật và thu mua sản phẩm với giá 3.500 đồng/kg (giá đã có lợi cho người nông dân) nên bà con yên tâm sản xuất. HTX mới thương thuyết cam kết đảm bảo xuất bán cho Cty khoảng 50-60% khối lượng sản phẩm. Nhưng tại thời điểm thu hoạch, giá ngô ngọt trên thị trường tăng cao, thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá 6.500 đồng/kg nên hầu hết các hộ dân lại bán sản phẩm cho tư thương. Hợp đồng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Nắm được thông tin cán bộ HTX phải chạy đôn chạy đáo vận động bà con xã viên có ý thức tôn trọng hợp đồng vì quan hệ hợp tác lâu dài, không bán sản phẩm cho tư thương. Hệ lụy là vụ sau các điều khoản hợp đồng bị doanh nghiệp thắt chặt hơn và HTX không được Cty áp dụng những chế độ ưu đãi dành cho khách hàng uy tín như trước đây…
Những khó khăn trên không chỉ xảy ra với HTXDVNN Nam Cường và Bắc Cường mà đã trở thành tình trạng phổ biến của các HTXDVNN trên toàn tỉnh. Điều này cho thấy khâu yếu của HTXDVNN trong đàm phán thương mại, trình tự, kỹ năng thẩm định, ký kết hợp đồng kinh tế. Nguyên nhân là do trình độ của đội ngũ cán bộ HTXDVNN hạn chế, đặc biệt là kỹ năng đàm phán thương mại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh, trong tổng số 323 HTX nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản trên toàn tỉnh thì có tới 27% chủ nhiệm HTX, 10% kế toán trưởng và 59% cán bộ kiểm soát chưa qua đào tạo dẫn đến việc có 10% HTX hoạt động yếu, không tổ chức được các khâu dịch vụ và chưa phát huy được vai trò của HTX trong tổ chức điều hành sản xuất. Trên cơ sở kết quả phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ HTX để hỗ trợ các HTXDVNN, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các HTX. Trong năm 2013, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản trị kinh doanh cho 751 cán bộ HTX; phối hợp với Liên đoàn HTX CHLB Đức tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ năng thẩm định cho vay vốn và quản lý rủi ro cho chủ tịch HĐQT và giám đốc 41 Quỹ TDND cơ sở; phối hợp với Viện Kinh tế Trung ương tổ chức 1 lớp đào tạo kỹ năng khảo sát thị trường cho cán bộ các HTX mạnh trên địa bàn; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tọa đàm chuyên đề “Kỹ năng đàm phán, giao kết, thực hiện hợp đồng: quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về pháp luật hợp đồng tại Nam Định” cho 30 cán bộ HTX, các doanh nghiệp thành viên. Nhiều cán bộ HTX đã tích cực tham gia các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các HTX tiêu biểu về kinh doanh dịch vụ trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, để khắc phục hạn chế của cán bộ HTX trong đàm phán thương mại cần có sự phối hợp hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng. Tăng cường đào tạo kỹ năng kinh doanh, mạnh dạn đổi mới bộ máy, khuyến khích thu hút cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo chuyên ngành về làm việc tại các HTX. Đồng thời tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người nông dân thích ứng với tác phong thị trường, có ý thức tôn trọng, tuân thủ hợp đồng đã ký kết vì mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương