Xuân Trường nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

09:05, 02/05/2014

Huyện Xuân Trường hiện có trên 30 HTX hoạt động ở nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, CN-TTCN, GTVT, thương mại - dịch vụ và 7 Quỹ TDND cơ sở. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, huyện Xuân Trường đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ các HTX phát triển. Kinh tế HTX được củng cố về tổ chức quản lý, năng lực hoạt động, có định hướng hoạt động đúng và phù hợp, mang lại lợi ích cho xã viên và các thành viên.

HTXDVNN xã Xuân Tiến sau khi được kiện toàn tổ chức, củng cố lại hoạt động đã đảm nhiệm được nhiều loại hình dịch vụ như: Khuyến nông, tưới tiêu, thủy lợi nội đồng, kinh doanh thuốc BVTV, giống... phục vụ sản xuất. Bình quân mỗi vụ, HTX tổ chức cung ứng trên 10 tấn giống lúa các loại, 8-12 tấn phân bón NPK Ninh Bình và nhiều loại thuốc BVTV, đáp ứng 80-90% nhu cầu vật tư nông nghiệp của xã viên. Ngoài ra HTX còn đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng chí Mai Văn Hùng, Chủ nhiệm HTXDVNN Xuân Tiến cho biết: Được Đảng uỷ, UBND xã quan tâm chỉ đạo, ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn, HTX đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, khuyến khích phát triển kinh tế gia trại, trang trại, nhóm, tổ hợp tác..., đồng thời nhận bao tiêu một số sản phẩm nông nghiệp cho xã viên nhằm ổn định đầu ra cho sản xuất. Nhờ đó, HTX ngày càng phát triển ổn định, năm 2013 tổng doanh thu của HTX đạt 1,4 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2012. Vụ xuân 2014, doanh thu từ các dịch vụ của HTX đạt trên 700 triệu đồng, sản xuất, kinh doanh tiếp tục có lãi.

Cán bộ HTXDVNN Xuân Tiến, xã Xuân Tiến kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa xuân.
Cán bộ HTXDVNN Xuân Tiến, xã Xuân Tiến kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa xuân.

Theo đánh giá của Phòng NN và PTNT huyện Xuân Trường, hiện trong tổng số 37 HTX và Quỹ TDND của huyện, có trên 60% HTX hoạt động hiệu quả. Các HTXDVNN đã cơ bản làm tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng chuyên canh, làm tốt vai trò cầu nối thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Đối với các Quỹ TDND được đánh giá là mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả nhất trên địa bàn huyện, chiếm khoảng 60% tổng doanh thu của hoạt động kinh tế tập thể và góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển sản xuất của người dân. Các Quỹ TDND đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân mỗi quỹ đạt 400-500 triệu đồng/năm. Huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Phòng Tài chính - Kế hoạch tích cực hỗ trợ các HTX phát huy vai trò trong việc hướng dẫn, hỗ trợ xã viên phát triển sản xuất. Vụ đông năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu với giống khoai tây Đức Solara, quy mô 2ha tại xóm 7, xã Xuân Đài, với tổng số 37 hộ tham gia. Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Ban Nông nghiệp xã và HTX tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật cho các hộ xã viên tham gia mô hình từ khâu chuẩn bị rơm rạ, làm đất, tiếp nhận giống, ủ giống đến khâu trồng, chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh. Nhờ đó, các diện tích khoai tây trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian sinh trưởng từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 85-90 ngày, ít sâu bệnh, năng suất đạt 410 kg/sào. Trừ chi phí, mỗi sào khoai tây cho thu lãi gần 2,4 triệu đồng. Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu là tiến bộ kỹ thuật mới, vừa dễ làm, chi phí đầu tư thấp, lại tiết kiệm được công sức, thời gian chăm sóc. Một dịch vụ được các HTXDVNN trên địa bàn tổ chức tốt là thủy nông. Với sự chỉ đạo, giúp đỡ về cơ chế, chính sách của huyện, đến nay các HTXDVNN trên địa bàn huyện đã đảm nhận cơ bản dịch vụ thủy lợi nội đồng. Vụ xuân 2014, các HTX đào đắp được 54.613m3, đạt 63,5% kế hoạch; trong đó kênh cấp 3 đạt 25.719m3; đắp bờ vùng, đường giao thông nội đồng với khối lượng 26.189m3, đào đắp phục vụ xây lắp công trình thủy lợi 470m3. Hằng vụ, các HTX đã chủ động đảm nhận dịch vụ bảo vệ đồng ruộng, tổ chức các biện pháp diệt chuột hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại cho nông dân trước nạn chuột phá. Vụ đông xuân 2013-2014, trong đợt 1, toàn huyện đã huy động 2.517 người ở 293 tổ diệt chuột tham gia diệt gần 53 nghìn con chuột. Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế HTX, huyện có các cơ chế khuyến khích HTX đi đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong 2 năm 2012-2013, huyện đã hỗ trợ bình quân mỗi HTX 2 triệu đồng để mua công cụ sạ hàng. Ngoài ra, huyện phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể.

Thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể; tạo thuận lợi cho các HTX tiếp cận với các chương trình, dự án cũng như hỗ trợ HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com