Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, UBND tỉnh đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới với mức hỗ trợ từ 140-250 triệu đồng/mô hình. Đã có trên 3.500 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp, phần lớn số lao động đã có việc làm và thu nhập sau đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình, đề án khuyến công chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển CN-TTCN. Tính lan tỏa của các đề án, chương trình khuyến công chưa cao. Trong điều kiện suy thoái kinh tế, nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình, đề án khuyến công chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không mặn mà tiếp nhận do mức hỗ trợ thấp. Chưa xây dựng được mạng lưới cán bộ khuyến công ở huyện, xã dẫn đến việc tìm kiếm, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn tham gia đăng ký, xây dựng đề án còn ít.
Mô hình sản xuất quạt điện công nghiệp của Cty TNHH Chế tạo động cơ AXUZU, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) được hỗ trợ kinh phí khuyến công 250 triệu đồng. |
Để các chương trình, dự án khuyến công phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất, năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 70 triệu đồng/lớp có từ 25-35 học viên (trước đây tối đa được 50 triệu đồng/lớp); mức hỗ trợ cho một dự án phát triển nghề tối đa là 250 triệu đồng, mức hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới tối đa là 250 triệu đồng. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới phương thức thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp với Phòng Công thương các huyện, Phòng Kinh tế thành phố triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình khuyến công. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp làng nghề, cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh có quy mô nhỏ, trình độ quản lý, nguồn tài chính thiếu và yếu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, đầu tư thiếu đồng bộ, sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu nên sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp mặc dù tuyển lao động đã qua đào tạo nghề nhưng vẫn phải đào tạo lại. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố làm “đầu mối” để liên kết với các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng ngay tại doanh nghiệp. Với phương thức này, không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh mà còn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cũng như giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận, làm quen với hoạt động sản xuất thực tế của doanh nghiệp. Để đa dạng hóa các chương trình, đề án khuyến công, hằng năm, Trung tâm đã phối hợp với các huyện tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn cũng được quan tâm, chú trọng. Từ 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới lần đầu tiên được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 760 triệu đồng năm 2012, đến năm 2013 đã có 8 mô hình tiếp tục được UBND tỉnh hỗ trợ với tổng kinh phí 1,84 tỷ đồng. Trong đó có 6 mô hình được UBND tỉnh hỗ trợ mức kinh phí tối đa 250 triệu đồng/mô hình, 2 mô hình được hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng/mô hình. Với mức hỗ trợ này, các doanh nghiệp đã có cơ hội để đầu tư công nghệ; nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời được tư vấn về kỹ thuật công nghệ mới… để sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như: vòi hoa sen của Cty TNHH JODO (TP Nam Định); máy đóng bịch trồng nấm của Cty TNHH An Thuận Phát (Xuân Trường); hàm côn máy khai thác đá, bánh răng máy nghiền xi măng (đường kính tối đa đến 3m) của Cty CP Cơ khí đúc và Thương mại Ngọc Long (Ý Yên)… Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2014, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khuyến công đợt I-2014 cho 9 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 1,36 tỷ đồng. Trong đó có 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới của các doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn là các mô hình: sản xuất khung, càng xe đạp điện, xe máy điện và lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp, xe máy điện của Cty CP Việt Thái, KCN Hòa Xá (TP Nam Định); Sản xuất thảm cao su công nghiệp và săm lốp cao su xe máy, máy nông nghiệp của Cty TNHH Sản xuất thương mại Nam Anh, CCN An Xá (TP Nam Định); Sản xuất ăng-ten Parabol và chảo thu phát sóng truyền hình của Cty TNHH Linh Đông, CCN Đồng Côi (Nam Trực); Sản xuất bột sun-phát kẽm dùng trong công nghiệp mạ điện và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty CP Công nghiệp và khoáng sản Nam Định, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Sản xuất chất đốt cho lò hơi công nghiệp trong các doanh nghiệp dệt may của cơ sở ông Lê Trường An, xã Giao Long (Giao Thủy). Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới của các doanh nghiệp được đề xuất mức hỗ trợ tối đa 250 triệu đồng; mô hình của cơ sở sản xuất được đề xuất mức hỗ trợ 160 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm cũng đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về xây dựng và hoàn thiện hệ thống phân phối, tiếp thị sản phẩm ra thị trường; hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm và phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn lao động khi vận hành hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất… với tổng kinh phí 200 triệu đồng.
Để tiếp tục đổi mới phương thức và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, UBND tỉnh sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để nắm bắt tình hình, kịp thời lắng nghe nguyện vọng của các doanh nghiệp để có những chính sách hỗ trợ phù hợp thiết thực. Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tham mưu với UBND tỉnh ban hành cơ chế thực hiện Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18-2-2014 của liên Bộ Tài chính, Công thương hướng dẫn về trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8-4-2014 như: hỗ trợ kinh phí thành lập doanh nghiệp không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/mô hình đối với các chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/cơ sở để ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN. Hỗ trợ tối đa 35 triệu đồng cho các nội dung: xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn; thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực: lập dự án đầu tư; ma-két-tinh; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới. Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, CCN tối đa 50% lãi suất của các khoản vay để đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị trong 2 năm đầu (không quá 500 triệu đồng/cơ sở)…
Bài và ảnh: Thành Trung