Quý I-2014, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Vụ Bản đạt 77,2 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 30,19% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ước đạt 21,3 tỷ đồng, tăng gần 62%; hộ cá thể đạt 55,9 tỷ đồng, tăng trên 21,1% so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2013 như: chế biến gỗ tăng gần 175%; sản xuất vật liệu xây dựng tăng gần 124%; dệt may tăng trên 120%; chế biến lương thực - thực phẩm tăng hơn 87%...
Huyện Vụ Bản hiện có 6 làng nghề truyền thống, gồm: Cơ khí Quang Trung, Trung Thành; mây tre đan, sơn mài ở Liên Minh, Vĩnh Hào; dệt vải ở Thành Lợi và thêu ren ở Minh Thuận; 2 CCN tập trung ở các xã: Quang Trung, Trung Thành. Để thúc đẩy phát triển CN-TTCN, UBND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề, có cơ chế hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nghề... cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Huyện đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, ưu tiên về nguồn vốn vay cho các dự án có tính khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện của các địa phương có làng nghề. Huyện ưu tiên phát triển các ngành nghề theo thế mạnh và phù hợp với từng địa phương như: nghề mây, tre đan và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại các xã Liên Minh, Vĩnh Hào, Hiển Khánh, Tân Khánh, Cộng Hòa; nghề may, thêu ở các xã Thành Lợi, Minh Thuận, Đại Thắng, Tam Thanh; nghề sản xuất vật liệu xây dựng tại các xã Minh Thuận, Tân Thành, Liên Bảo… Ngoài sản xuất các mặt hàng truyền thống như dao, búa công nghiệp, nông cụ…, các doanh nghiệp cơ khí đã sản xuất được một số phụ tùng thay thế chi tiết thiết bị máy nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từng bước chuyển sang sản xuất gạch tuy-nen và gạch không nung; các cơ sở chế biến gỗ hướng vào sản xuất đồ mộc mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. UBND huyện chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt các nguồn kinh phí từ Quỹ khuyến công, Đề án 1956, mỗi năm tổ chức từ 7-10 lớp đào tạo các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, sản xuất mây tre đan... cho hàng trăm lao động nông thôn.
Sản xuất cơ khí tại làng rèn truyền thống Giáp Nhất, xã Quang Trung. |
Hiện nay, 2 CCN tập trung của huyện ở các xã Trung Thành, Quang Trung duy trì phát triển sản xuất theo hướng bền vững. CCN Quang Trung có tổng diện tích 6,1ha, đã lấp đầy với 2 doanh nghiệp, 43 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 500 lao động. Doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng hiện có 3 máy cán thép, 1 máy đột dập, máy búa rèn phôi, máy tiện, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, với thu nhập trung bình 150 nghìn đồng/người/ngày. Mỗi tháng, doanh nghiệp xuất xưởng hơn 100 tấn thép cán các loại, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất cơ khí của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xã và các xã lân cận. Ngoài CCN tập trung, nghề rèn truyền thống ở thôn Giáp Nhất đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã Quang Trung, tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và làng nghề, thương mại, dịch vụ chiếm 65% cơ cấu kinh tế của xã. Thôn Giáp Nhất có 790 hộ thì đã có gần 350 hộ (chiếm 43,3% tổng số hộ) với gần 1.000 lao động trực tiếp làm nghề. CCN Trung Thành rộng 5,9ha, đến nay đã lấp đầy 100% diện tích với 5 doanh nghiệp và 6 cơ sở sản xuất. Được xã tạo điều kiện, Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Hồng Hải đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng với tổng diện tích 1ha; doanh thu hằng năm đạt hơn 20 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho hơn 30 lao động. Ngoài các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ tinh xảo, Cty còn sản xuất sản phẩm mộc dân dụng như bàn, ghế, tủ, cửa với các đơn hàng lớn cho các cơ quan công sở. Ngoài các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào CCN, trên địa bàn xã Trung Thành còn có gần 20 cơ sở sản xuất cơ khí, 2 doanh nghiệp may có quy mô trên 100 lao động/doanh nghiệp và hàng chục cơ sở gia công may mặc quy mô từ 10-15 máy/cơ sở. Nhờ đầu tư đồng bộ trên 160 máy may công nghiệp các loại, Cty May Sohavina đã ký được nhiều hợp đồng gia công các loại quần áo thể thao, giắc-két xuất khẩu. Tại các xã Liên Minh, Vĩnh Hào, do khó khăn về thị trường tiêu thụ mặt hàng mây, tre đan, các hộ đã dần chuyển đổi sang mặt hàng sơn mài gia công cho các làng nghề của huyện Ý Yên, đồng thời từng bước cải tiến mẫu mã sản phẩm, phục dựng chất liệu sơn ta truyền thống để sản xuất đồ thờ. Một số địa phương trong huyện đã chủ động tạo thuận lợi về mặt bằng để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển dịch vụ. Nhờ đó, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh, trong nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị dây chuyền hiện đại để phát triển sản xuất như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư 2 nhà máy may về các xã Đại Thắng, Minh Tân, thu hút gần 500 lao động địa phương và các xã lân cận; Cty CP Vân Cầu (TP Nam Định) đầu tư gần 13 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung tại xã Tân Thành, công suất 10 triệu viên/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương; Cty CP May Nam Âu đang xây dựng nhà máy may tại xã Hiển Khánh…
Với chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN tập trung vào các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, sử dụng nhiều lao động; phát triển các điểm sản xuất vệ tinh cho Thành phố Nam Định, huyện Ý Yên là một chủ trương đúng của huyện Vụ Bản. Năm 2014, huyện Vụ Bản phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 678 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2013./.
Bài và ảnh: Thành Trung