Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp dệt may, ở nhiều địa phương trong tỉnh hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở may tư nhân ra đời. Ngoài việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương, môi trường, điều kiện làm việc ở các cơ sở, doanh nghiệp này còn tồn tại nhiều vấn đề về ATVSLĐ.
Chúng tôi đến một cơ sở may tư nhân trên đường Trần Huy Liệu (TP Nam Định) lúc 9 giờ sáng. Cơ sở này chuyên sản xuất các loại áo chống nắng mùa hè. Trong xưởng sản xuất chỉ rộng khoảng 30m2, một nửa diện tích để vải vóc, sản phẩm đã đóng gói, còn lại tận dụng kê máy may, bàn cắt… Xưởng có 7 lao động, mỗi người một việc, người cắt, người đơm khuy, người máy, người là... Bên trái xưởng, các nguyên phụ liệu như vải, khóa, mác (đều là những vật liệu dễ cháy) chất thành đống sát với bàn thờ thần tài đang đỏ hương. Chị Thoan, một lao động đã làm việc ở đây nhiều năm cho biết: Diện tích xưởng chật hẹp, chất nhiều vải vóc, các máy may kê sát nhau; vào mùa hè nhiệt độ trong xưởng đã cao cộng với mái tôn tích tụ nhiệt phả xuống khiến xưởng may rất nóng bức, ngột ngạt, khó chịu, quạt không thể mở to vì bay vải không làm được... Đến một xưởng may khác tại xã Trung Thành (Vụ Bản) với quy mô 35 lao động, chúng tôi tận mắt chứng kiến hệ thống dây điện, ổ cắm loằng ngoằng, treo lơ lửng sát đầu hay nằm dưới chân người lao động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện, nguy cơ cháy nổ. Dưới nền nhà, vải vóc, phụ kiện các loại bày lộn xộn... Nhà xưởng lợp mái tôn, tường che kín mít, các bóng điện nê-ông ánh sáng trắng không đủ sáng.
Người lao động ở một cơ sở may tư nhân trên đường Trần Huy Liệu (TP Nam Định), chưa được quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, trang bị bảo hộ lao động. |
Hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở doanh nghiệp may tư nhân nhỏ lẻ nằm rải rác ở các địa phương với quy mô sử dụng lao động từ 5 đến 40 người. Mỗi ngày, người lao động làm việc 8-9 tiếng, những ngày cần xuất hàng gấp, người lao động làm thêm giờ theo yêu cầu của chủ cơ sở. Tuy nhiên, ở hầu hết những cơ sở này, điều kiện làm việc không đảm bảo, công tác bảo hộ lao động không được quan tâm đúng mức, thời gian làm việc dài. Tình trạng người lao động phải làm việc với các máy móc, thiết bị lạc hậu, môi trường ô nhiễm về bụi, tiếng ồn, độ rung... không đảm bảo an toàn diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người lao động… Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ đối với cơ sở, tổ hợp quy mô nhỏ này bị buông lỏng, chính quyền địa phương mới chỉ chú ý khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế, chứ chưa quan tâm nhắc nhở chủ cơ sở thực hiện quy định về ATVSLĐ; thiếu kiên quyết trong việc yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp may tư nhân đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm ATVSLĐ-PCCN. Trong khi các cơ sở này đều nằm lẫn trong khu dân cư nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến các gia đình lân cận. Chủ cơ sở may tư nhân đều viện lý do là sản xuất nhỏ lẻ, gia công hàng chợ, kinh phí ít, nên chỉ cố gắng tạo việc làm và thu nhập cho người lao động mà chưa có bất kỳ biện pháp đảm bảo ATVSLĐ-PCCN cho người lao động trong quá trình sản xuất. Trong khi chủ sử dụng lao động thờ ơ, cơ quan chức năng chưa có biện pháp can thiệp thì bản thân người lao động vì áp lực thiếu việc làm, tư tưởng “nay làm, mai nghỉ” hoặc chưa có hiểu biết cần thiết để tự bảo vệ mình trước nguy cơ về ATVSLĐ nên không đòi hỏi chủ cơ sở phải thực hiện.
Theo khuyến cáo của cơ quan y tế lao động, người lao động ngành may trong các điều kiện làm việc không đảm bảo dễ bị mắc các bệnh nghề nghiệp như: đau mỏi cơ, xương, khớp tại vùng thắt lưng, cổ và bả vai; tê mông do ngồi nhiều, máu không lưu thông; về lâu dài có thể bị giãn tĩnh mạch chi dưới; thị lực bị suy giảm do ánh sáng không đảm bảo; mắc bệnh phổi do nhiễm bụi bông, lao động nữ dễ mắc các bệnh phụ khoa do ngồi lâu, nhiệt độ nơi làm việc quá cao... Để khắc phục tình trạng này, các cấp công đoàn cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo ATVSLĐ-PCCN, bệnh nghề nghiệp và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc ở những cơ sở may tư nhân… Trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn, kiên quyết xử lý các vi phạm của chủ sử dụng lao động nhằm đảm bảo quyền lợi về an toàn lao động cho người lao động./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung