Bảo đảm tiết kiệm chi phí trong xây dựng đường bộ

07:01, 09/01/2014

Để hạn chế tối đa tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng đường bộ, thời gian qua ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong 3 năm qua, các xã, thị trấn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn. Toàn tỉnh đã cải tạo, xây dựng mới 2.039km đường giao thông nông thôn và 5.371 cầu, cống dân sinh; đắp 5.319km đường nội đồng, bảo đảm đồng bộ theo thiết kế. Để đạt được tiêu chí tiết kiệm, hiệu quả, UBND các huyện, các xã, thị trấn đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động nhanh các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư tập trung, tránh tình trạng dàn trải vốn dẫn đến thiếu phải tạm dừng, tạm hoãn thi công các công trình đường bộ. Để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm vốn đầu tư và tính bền vững khi xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, các địa phương đều bảo đảm thực hiện theo đúng các quy định tại Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23-2-2011 của Bộ GTVT ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Công trình xây mới, cải tạo hệ thống giao thông nội đồng được triển khai rộng khắp ở hầu hết các xã, thị trấn và đều được các địa phương thực hiện theo phương án tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả sử dụng.

Cty CP Tập đoàn Xuân Trường thi công công trình giao thông trên tỉnh lộ 489B.
Cty CP Tập đoàn Xuân Trường thi công công trình giao thông trên tỉnh lộ 489B.

Cụ thể, đường cấp loại C, mặt đường rộng 2m, nền đường rộng 3m, có bố trí điểm tránh xe thích hợp trên tuyến để phương tiện đi lại thuận lợi. Mặt đường được cứng hóa bằng các loại vật liệu sẵn có của địa phương như: đá dăm, cấp phối đá dăm, đá thải, cát sỏi, gạch vỡ, xỉ than... với độ dày tối thiểu từ 10-15cm; chỉ áp dụng tiêu chuẩn đổ bê tông mặt các tuyến đường nội đồng kết hợp với giao thông liên thôn, liên xóm; không đổ bê tông mặt những tuyến đường nội đồng chỉ phục vụ cho sản xuất. Khi lựa chọn phương án xây dựng, các địa phương ưu tiên sử dụng vật liệu và lực lượng thi công tại chỗ. Bên cạnh đó, các công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, chú trọng thực hiện tiêu chí tiết kiệm, hiệu quả trong sử dụng. Tiêu biểu như các dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 37B đoạn qua địa bàn tỉnh dài 63,5km; tuyến đường tỉnh S3 nối Thị trấn Gôi với Quốc lộ 21, các dự án Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C... Trong quá trình thi công xây dựng 21,168km tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã chủ động bảo đảm xây dựng theo tiêu chí tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đồng bộ với các công trình còn lại trên toàn tuyến đường; có tuổi thọ sử dụng lâu dài trong tất cả các khâu thiết kế, thi công và giám sát thi công. Nhờ đó, đến nay, công trình được ngành chức năng đánh giá đạt tiêu chuẩn tiết kiệm chi phí, khả năng sử dụng hiệu quả. Toàn tuyến có 3 cây cầu chính, bao gồm cầu Đồng Quê, tại Km17+394,11, cầu Xóm Đình tại Km18+718, cầu Giáng tại Km20+594,82 đều được xây dựng theo đúng thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, đạt chuẩn kỹ thuật về tải trọng thiết kế, tải trọng người, cấp địa chấn và chi phí không vượt trội so với thiết kế. Phần đường cũng đạt tối đa tiêu chuẩn tiết kiệm chi phí, cho khả năng sử dụng hiệu quả với các thông số: nền đường đạt tiêu chuẩn đường ô tô TCVN 4054-2005; mặt đường đạt tiêu chuẩn thiết kế áo đường mềm 22TCN 211-06, thảm bê tông nhựa 2 lớp trên móng cấp phối đá dăm. Các nút giao trên tuyến và các điểm kết nối hạ tầng khu vực thiết kế phù hợp với địa hình khu vực và phối hợp hài hoà với tuyến chính... Cùng với công tác đầu tư xây dựng, công tác bảo trì, bảo dưỡng và bảo đảm ATGT đối với các công trình cầu, đường cũng được ngành GTVT đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm kéo dài thời hạn sử dụng công trình. Sở GTVT đã giao cho đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện và chỉ đạo khắc phục kịp thời, không để mặt đường xuất hiện ổ gà, sình lún; bạt lề, cắt cỏ đúng quy định, không để đọng nước. Chấn chỉnh công tác bảo dưỡng thường xuyên, nhất là đối với cầu yếu phải thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất để có biện pháp xử lý sớm các hư hại của cầu phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng.

Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị số 11/CT-BGTVT ngày 7-9-2013 của Bộ GTVT về tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình đường bộ. Trong đó, công tác khảo sát thiết kế sẽ xác định thứ tự ưu tiên cho phù hợp với yêu cầu hiệu quả, tiết kiệm và bảo đảm bền vững; tránh tình trạng lãng phí không cần thiết; quá trình sửa chữa phải xác định chính xác nguyên nhân để xây dựng phương án thiết kế, thi công công trình phù hợp. Công tác quản lý dự án, giám sát phải có hệ thống tổ chức rõ ràng; kiểm tra chặt chẽ chủng loại, chất lượng vật liệu từ nguồn cung cấp, vật liệu tập kết về công trường và vật liệu đưa vào thi công. Nhà thầu thi công phải lập chi tiết biện pháp thi công, kế hoạch tiến độ thi công bảo đảm các yêu cầu về chất lượng và các quy định khác trong thi công. Đặc biệt, do chi phí để đầu tư hệ thống cầu, cống chiếm tỷ lệ chi phí tương đối lớn trong xây dựng hạ tầng đường bộ nên Sở GTVT đã có Công văn số 3622 chỉ đạo việc lựa chọn giải pháp thiết kế cầu khi thực hiện xây dựng nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đảm bảo tiết kiệm chi phí và hiệu quả sử dụng. Theo đó, đối với đường tỉnh, trường hợp cầu cũ có khả năng sửa chữa để tiếp tục khai thác thì giữ nguyên; trường hợp phá bỏ cầu cũ phải được hội đồng do Sở GTVT trình UBND tỉnh thành lập, kiểm tra, cho phép. Chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế lưu ý không lạm dụng sử dụng móng cọc khoan nhồi để xử lý móng mố, trụ, làm tăng kinh phí đầu tư xây dựng. Khi cần phải xây dựng cầu mới, chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế không được lạm dụng dầm hộp đúc hẫng, dầm bản rỗng đúc tại chỗ, các kết cấu dầm có chi phí lớn; chỉ sử dụng kết cấu dầm đơn giản, phù hợp với quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án để tiết kiệm kinh phí đầu tư. Đối với đường huyện trở xuống, chủ đầu tư căn cứ tính chất quan trọng của tuyến đường, phương tiện lưu thông, đánh giá hiện trạng cầu cũ để chỉ đạo tư vấn thiết kế phù hợp, đảm bảo kinh tế, kỹ, mỹ thuật. Đối với công trình giao thông từ cấp III trở lên, chủ đầu tư gửi hồ sơ về Sở GTVT để thực hiện thẩm tra, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định trước khi phê duyệt bản vẽ thi công./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com