Thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

08:11, 11/11/2013

Theo báo cáo của Sở TN và MT thực trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở tỉnh ta đã vượt dự báo và là một trong những địa phương trên toàn quốc phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, nước biển dâng. Đến nay nước biển đã dâng cao hơn 10 năm trước là 0,4m, gấp 2 lần so với dự báo. Do không có mưa, nước biển dâng cao, mặn lấn sâu vào các cửa sông, nhất là thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trong những năm qua, để ứng phó với BĐKH, bảo vệ và phát triển sản xuất, với sự hỗ trợ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của Trung ương, toàn tỉnh đã tập trung nâng cấp, kiên cố hóa được 56,8/76,6km đê biển có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê biển và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê, đang xây dựng tiếp 21 mỏ kè, đồng thời tiếp tục thi công tu bổ, nâng cấp 18,1km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển. Tại các vùng bãi bồi được tạo bởi các mỏ kè, các địa phương đã triển khai trồng rừng chắn sóng, giữ bãi. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh đã đạt 3.600ha, riêng năm nay, 3 huyện ven biển tiếp tục trồng thêm 68ha rừng ngập mặn. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây mới thay thế 30 cống qua đê bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; nâng cấp hơn 30km đê sông, hơn 20km kè bảo vệ đê và bê tông hoá 102,6km mặt đê... Tỉnh ta đang khẩn trương chỉ đạo, triển khai chương trình hành động, tiếp tục ưu tiên nguồn lực trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện các dự án ứng phó, thích ứng với tình trạng BĐKH đang ngày càng rõ nét, tác động cực đoan tới mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Ngày 15-10-2013, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND về "các kế hoạch hành động chi tiết, nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”. Theo đó, tỉnh thực hiện phân cấp trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời giao cho các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện của địa phương ứng phó với BĐKH. Mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với các tác động của BĐKH, phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân; có bước chuyển biến cơ bản trong quản lý đất đai, khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội và BVMT; bảo đảm sự phát triển bền vững.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Định quan trắc nước sông Đào.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Định quan trắc nước sông Đào.

Sở TN và MT đẩy mạnh phân cấp quản lý và cải cách hành chính, phòng, chống tội phạm về TN và MT. Tập trung phối hợp với các ngành chức năng nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, công chức các cấp, các ngành và nhân dân về BĐKH, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai do BĐKH. Phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng và phát triển năng lực giám sát BĐKH, tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kế hoạch ứng phó với BĐKH giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu TN và MT; tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ mới tiên tiến và hiện đại hóa, tự động hóa các thiết bị kỹ thuật quan trắc TN và MT để dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá ứng phó với BĐKH, quản lý và BVMT. Xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ nhạy cảm môi trường vùng bờ) nhằm giám sát thường xuyên, kịp thời các biến động, có biện pháp ứng phó. Tổ chức khoanh vùng các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân tại các khu vực này. Công tác quản lý tài nguyên đất tập trung thực hiện nghiêm Luật Đất đai, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất. Khẩn trương điều tra cơ bản về tài nguyên nước để đánh giá diễn biến tụt giảm mực nước ngầm, chất lượng nước đối với các công trình khai thác nước ngầm tập trung, xác định các công trình có nguồn nước bị ô nhiễm. Tăng cường xây dựng cống điều tiết, đập tràn để giữ nước ngọt trước sự xâm nhập mặn; áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước. Đảm bảo tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 100% ở thành thị và 95% ở nông thôn. Tăng cường quản lý, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông, chủ động phối hợp chặt chẽ với Trung ương và các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy để phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Công khai và quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên cát sông theo quy hoạch đã được phê duyệt; lập quy hoạch khai thác sét làm vật liệu xây dựng, thực hiện nghiêm quy định về ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Thực hiện các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt quỹ đất rừng hiện có, đặc biệt là phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học mở rộng khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và Vườn quốc gia Xuân Thủy. Chú trọng bảo vệ, khai thác hợp lý cảnh quan, dịch vụ hệ sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy; tăng cường phát triển các sản phẩm, hoạt động du lịch xanh thân thiện với môi trường. Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loại sinh vật ngoại lai xâm hại. Tiếp tục phục hồi và trồng rừng mới, phấn đấu đến năm 2020 quỹ đất rừng của tỉnh đạt 5.723ha; trong đó, rừng phòng hộ 2.592ha, rừng đặc dụng 3.121ha, tăng 1.472ha so với năm 2010. Tập trung phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm, 100% các dự án mới đầu tư được lập hồ sơ BVMT theo đúng quy định, phấn đấu 100% các khu, CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại Thành phố Nam Định. Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, kết hợp với cải thiện chất lượng môi trường, không để phát sinh thêm và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tăng cường quản lý môi trường làng nghề. Đến năm 2015, các ngành phấn đấu hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các KCN Mỹ Trung và Bảo Minh; xúc tiến lập thủ tục đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại 4 CCN: Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Đồng Côi (Nam Trực), Quang Trung (Vụ Bản), Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Ngành NN và PTNT đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; phát triển nền nông nghiệp sạch, ATTP. Đặc biệt, tỉnh phối hợp với Bộ NN và PTNT tiếp tục khảo sát để xây dựng các đập ngăn mặn trên các tuyến sông chính của Nam Định chống mặn xâm lấn sâu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Theo đó, trên tuyến sông Hồng, xây đập tại khu vực xã Giao Thiện (Giao Thuỷ); trên tuyến sông Ninh Cơ, xây đập tại khu vực các xã Hải Minh, Hải Châu (Hải Hậu); trên tuyến sông Đáy, sẽ xây đập tại khu vực xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức, nội dung, tạo dư luận xã hội đồng thuận lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT, sử dụng lãng phí tài nguyên. Từng bước đưa nội dung về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT vào chương trình GD và ĐT các cấp. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về BVMT trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức BVMT trong xã hội. Tiếp tục nhân rộng mô hình cộng đồng tự quản về môi trường. Vận động người dân tham gia tích cực các hoạt động tiết kiệm năng lượng do các tổ chức trong và ngoài nước phát động như: Chiến dịch giờ trái đất; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; khuyến khích sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu phát thải CO2 và sử dụng các nguồn nguyên liệu mới như: xăng sinh học, các nguồn nguyên liệu thay thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nỗ lực đẩy mạnh việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH, TN và MT. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy để trao đổi thông tin, kinh nghiệm ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT phục vụ cho phát triển của vùng kinh tế trọng điểm nói chung và của tỉnh nói riêng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com