Năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên nhận thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng chưa được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đúng mức nên dù có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nhưng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản về năng suất, chất lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh; không coi trọng yếu tố quản lý chất lượng, thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý chất lượng hàng hoá trong nền kinh tế thị trường. Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) đã triển khai dự án “Nâng cao nhận thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp”.
Cty Dệt Nam Định (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9002 vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Triển khai thực hiện dự án, Chi cục đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và đào tạo nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp; trên cơ sở tổ chức khảo sát thực trạng áp dụng công cụ hỗ trợ năng suất, chất lượng và nhu cầu cung cấp thông tin tại các doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tuyên truyền phù hợp, Chi cục đã tổ chức 12 lớp đào tạo kỹ năng làm việc và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa trọng điểm của tỉnh và nhóm các doanh nghiệp thí điểm cải tiến năng suất và chất lượng làm cơ sở nhân ra diện rộng. Nội dung tập huấn tập trung vào: Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn; các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; phổ biến tính năng và tầm ảnh hưởng của các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, hệ thống quản lý về trách nhiệm xã hội SA 8000, hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO/IEC 27000, hệ thống tích hợp ISO 9001 -ISO 14000, hệ thống tích hợp ISO 9001-ISO 14001-OSHAS, hệ thống tích hợp ISO 9001-Lean Six Sigma… Các biện pháp, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể TPM như hệ thống quản lý tri thức, quan hệ khách hàng và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đánh giá hiệu quả công việc và mức độ hài lòng của nhân viên đối với công việc… Bên cạnh việc tập huấn, phổ biến kiến thức tại doanh nghiệp, Chi cục đã đào tạo chuyên sâu về năng suất, chất lượng cho 5 cán bộ ở các sở, ngành, làm nòng cốt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chương trình, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Chi cục xây dựng thư viện cung cấp cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa; hệ thống thông tin cảnh báo hàng rào thương mại kết nối với hệ thống thông tin trong nước, quốc tế để các đơn vị có thể tra cứu thông tin sản phẩm trước khi quyết định đưa ra những sản phẩm chiến lược và làm căn cứ pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch thương mại liên quan. Thư viện cập nhật khoảng 2.000 cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của các nhóm hàng; trong đó ưu tiên cập nhật các tiêu chuẩn liên quan đến nhóm hàng đặc trưng mang tính chủ lực của địa phương như: nông sản thực phẩm, may mặc, cơ khí và dược liệu..., góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng. Chi cục cũng đã xây dựng trang thông tin điện tử “Năng suất, Chất lượng Nam Định” để phổ biến kiến thức; cập nhật thông tin về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng, thực hiện và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng. Nhiều doanh nghiệp tham gia dự án đã được hỗ trợ nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượng, đã chủ động tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho cán bộ, công nhân lao động trong đơn vị nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế, tinh thần của việc tuân thủ quy định hệ thống quản lý chất lượng, từ đó chủ động thay đổi hành vi. Một số doanh nghiệp đã chủ động mời các chuyên gia của Trung tâm Năng suất chất lượng (Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) về tham quan cơ sở sản xuất và tư vấn, hỗ trợ áp dụng một số bộ tiêu chuẩn cơ bản trong hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để giảm thiểu những thất thoát trong quá trình sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Anh Nguyễn Hùng Vương, Giám đốc Cty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải (Giao Thủy) cho biết: “Tham gia chương trình đào tạo về năng suất, chất lượng do Sở KH và CN tổ chức, tôi nhận thấy nếu được tư vấn, hỗ trợ áp dụng các công cụ quản lý chất lượng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải hiện nay như quy trình sản xuất chưa hợp lý; lãng phí trong từng khâu sản xuất dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao và sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng. Đây là cơ hội để chúng tôi tìm hiểu và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào thực tế sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa”.
Dự án “Nâng cao nhận thức, kỹ năng về năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp” không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hình thành phong trào áp dụng hệ thống quản lý năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp. Việc chủ động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến từ phía các doanh nghiệp là tiền đề quan trọng trong việc nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm khi tham gia vào chuỗi tiêu thụ ở thị trường trong nước và quốc tế./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương