Quan tâm thực hiện xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải cảng Hải Thịnh

09:09, 21/09/2013

Đảng và Nhà nước đã coi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách phát triển đất nước trong tình hình mới. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng việc thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 tại Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa X). Mục tiêu trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế biển đến năm 2020 là kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp 53-55% tổng GDP của cả nước, kinh tế hàng hải đứng thứ 2 và vươn lên thứ nhất sau năm 2020.

Phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải với việc đầu tư xây dựng cầu bến cảng, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển. Yêu cầu này đòi hỏi đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng. Mặt khác, cùng với việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, công tác duy tu, bảo dưỡng hằng năm đặt ra rất cấp thiết nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình theo thiết kế ban đầu. Hằng năm, cần hàng nghìn tỷ đồng để duy tu, nạo vét đảm bảo độ sâu thiết kế cho các tuyến, luồng hàng hải. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi năm ngân sách Nhà nước chỉ có thể bố trí được khoảng 500 tỷ đồng để duy tu nạo vét 7-10 tuyến, luồng trọng điểm trên cả nước, cho nên các bến cảng, cầu cảng khác (trong đó có cảng Hải Thịnh) ít được bố trí kinh phí bảo trì hằng năm, mà phải tận dụng thủy triều trong tiếp nhận tàu vào cảng. Do vậy, hệ thống công trình phụ trợ thiếu đồng bộ, qua thời gian khai thác ít được duy tu, bảo dưỡng đã xuống cấp.

Tàu Thái Bình 68 trọng tải 12.500DWT cập Cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: Vân Anh
Tàu Thái Bình 68 trọng tải 12.500DWT cập Cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: Vân Anh

Những năm gần đây, biện pháp xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải như cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, nạo vét tận thu sản phẩm tuyến luồng đã được áp dụng hiệu quả ở một số cảng trên cả nước, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, giúp các địa phương có cảng biển từng bước  phát huy, khai thác tiềm năng kinh tế biển. Chẳng hạn Nhà nước đã cho phép tiến hành xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải như: cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển Cái Lân, Vũng Áng, thực hiện nạo vét tận thu sản phẩm ở các cửa Lệ Môn, Sông Lam, Ba Ngòi, Thuận An, Cửa Gianh, Nhật Lệ… Xuất phát từ yêu cầu về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới và khắc phục những bất cập hiện nay trong công tác quản lý kết cấu hạ tầng hàng hải, đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, trước nhất là đổi mới toàn diện công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng hệ thống luồng hàng hải, ngày 5-7-2013 Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1922/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải” tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng xã hội hóa, giúp các địa phương huy động các nguồn lực xã hội để bù vào nguồn ngân sách hạn hẹp, đáp ứng yêu cầu duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải trên địa bàn, khai thác tiềm năng kinh tế biển phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nam Định có nhiều lợi thế trong việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá, dịch vụ cho các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông thuận lợi và đường bờ biển dài 72km từ cửa Ba Lạt (giáp tỉnh Thái Bình) đến cửa Đáy (giáp tỉnh Ninh Bình) nối liền với các cảng biển trong cả nước. Cảng biển Nam Định là cảng tổng hợp địa phương (Loại II) nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam, với 3 bến cảng và 1 cầu tàu của Cty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long. Những năm qua, do kinh tế hàng hải ở Nam Định chưa phát triển mạnh, ngành vận tải biển chiếm thị phần nhỏ, các cảng biển chưa khai thác hết tiềm năng, kết cấu hạ tầng bị xuống cấp, luồng tàu bị sa bồi dẫn đến thay đổi thường xuyên và vẫn chưa được chỉnh trị, nạo vét, khó khăn cho tàu ra vào cảng, nhất là tàu tải trọng lớn. Để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có khai thác phát triển hệ thống cảng biển và luồng hàng hải thì việc triển khai thực hiện Đề án “Phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải” theo Quyết định số 1922/QĐ-BGTVT ngày 5-7-2013 của Bộ GTVT là giải pháp quan trọng để tỉnh có thể phát triển mạnh và bền vững kinh tế hàng hải, ngành kinh tế tiềm năng của tỉnh. Trong đó, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, thực hiện hoạt động duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm hài hoà giữa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư. Tuyến đường thuỷ Hà Nội - Lạch Giang nói chung, cửa Lạch Giang nói riêng là cửa ngõ của hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Lạch Giang - ven biển Bắc Nam, là một trong các cửa thoát lũ của sông Hồng, vì vậy có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Bắc. Việc đầu tư cải tạo cửa biển Lạch Giang (luồng Hải Thịnh) có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn cho khu vực đồng bằng sông Hồng, mà đặc biệt là vận tải sông biển, thoát lũ và bảo vệ bờ biển của tỉnh Nam Định./.

Đỗ Minh Chiến
Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com