Với mục tiêu khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế, ngành nông nghiệp tỉnh ta đang triển khai thực hiện cơ cấu lại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản, thực phẩm, ngành nghề truyền thống của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống của nông dân. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng hằng năm đạt 200 nghìn ha; trong đó diện tích sản xuất lúa 145-150 nghìn ha (72,5-75 nghìn ha/vụ), 50 nghìn ha trồng rau màu, riêng diện tích trồng cây vụ đông 25 nghìn ha. Năng suất lúa đạt 118 tạ/ha/năm. Giá trị sản phẩm bình quân 1ha canh tác đạt 150 triệu đồng/năm trở lên. Giá trị sản phẩm từ trồng trọt chiếm 35% tổng sản phẩm của toàn ngành nông nghiệp, trong đó xuất khẩu 30% tổng sản phẩm. Tổng đàn lợn đạt 850 nghìn con trở lên, 8 triệu con gia cầm, 40 nghìn con bò, để mỗi năm có 170 nghìn tấn thịt lợn, 20 nghìn tấn thịt gia cầm, 3,5 nghìn tấn thịt bò… Giá trị sản phẩm từ chăn nuôi chiếm 35% tổng giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp với tỷ lệ xuất khẩu 30% trở lên. Diện tích nuôi trồng thủy sản 17,5 nghìn ha, giá trị sản phẩm chiếm 21% tổng giá trị sản xuất toàn ngành, trong đó xuất khẩu 30%. Giá trị dịch vụ nông nghiệp chiếm 9% tổng giá trị sản phẩm ngành và giá trị sản phẩm ngành nghề truyền thống đạt 10 nghìn tỷ đồng trở lên. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị toàn ngành từ nay đến 2020 bình quân đạt 3%/năm.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đã xác định nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM để đáp ứng các yêu cầu quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tăng cường cơ giới hoá sản xuất, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại. Đến nay, các xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp đã và đang thực hiện DĐĐT, phấn đấu hoàn thành trong năm 2013. Tỉnh đã khuyến khích việc chuyển nhượng, tích tụ đất đai để áp dụng cơ giới hóa, tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất được thuê đất; khuyến khích nông dân góp cổ phần vào các doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất, cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong định hướng quy hoạch sản xuất, tỉnh đã xác định vùng tĩnh, vùng động của đất nông nghiệp để có kế hoạch sử dụng phù hợp, hiệu quả; vừa giữ ổn định 75 nghìn ha đất lúa theo kế hoạch giao của Chính phủ, vừa chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau, màu hoặc luân canh lúa - thủy sản. Cụ thể: chuyển đổi khoảng 1.500ha ruộng trũng, chủ yếu ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc sang trồng 1 vụ lúa xuân kết hợp với nuôi tôm, cá nước ngọt. Chuyển đổi khoảng 2.500ha ruộng nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực sang trồng rau, màu phục vụ chế biến xuất khẩu trong vụ xuân kết hợp với nuôi thủy sản. Chuyển đổi 2-3 nghìn ha ruộng chân cao, hạn, đất thịt nhẹ, cát pha ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực sang trồng luân canh các cây màu: lạc, ngô và rau màu như cà chua, dưa chuột… phục vụ chế biến xuất khẩu. Chuyển đổi 2-3 nghìn ha chân ruộng cao, gieo cấy lúa mùa kém hiệu quả sang trồng đậu tương, lạc và ngô hè thu. Tổ chức khai hoang, phục hóa diện tích đất chưa sử dụng để bù đắp diện tích chuyển mục đích sử dụng, đồng thời khai hoang lấn biển mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp.
Kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lạc trên CĐML tại xã Nam Hùng (Nam Trực). |
Trên cơ sở các quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và nghề muối đến năm 2020; quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch xây dựng NTM đã được phê duyệt, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương rà soát, bổ sung và lồng ghép giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm, từng giai đoạn tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch và kết quả triển khai các chương trình, dự án ưu tiên để có hướng điều chỉnh, bổ sung kịp thời, sát thực tế. Tỉnh đã xác định và lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành hàng, các sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh theo các vùng sản xuất tập trung, trên cơ sở xác định quy mô từng chủng loại sản phẩm. Theo đó, lĩnh vực trồng trọt tập trung vào các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và đặc sản, đồng thời phát triển mạnh diện tích trồng lạc, khoai tây, rau an toàn ở tất cả các xã, thị trấn có vùng lúa chất lượng cao với 60% diện tích sản xuất cả 2 vụ trong năm. Xây dựng 5 vùng sản xuất lúa đặc sản tập trung với quy mô 5.000ha ở 5 huyện phía nam tỉnh bao gồm: Hải Hậu 1.500ha, Nghĩa Hưng 1.000ha, Xuân Trường 1.000ha, Trực Ninh 800ha, Nam Trực 700ha; 5 vùng sản xuất lạc tập trung với quy mô 6.000ha tại các huyện Ý Yên 1.800ha, Vụ Bản 1.500ha, Nam Trực 1.500ha, Giao Thủy 700ha, Hải Hậu 500ha; 5 vùng sản xuất khoai tây tập trung với quy mô 3.000ha ở các huyện Ý Yên 800ha, Vụ Bản 700ha, Nam Trực 1.000ha, Giao Thủy 300ha và Hải Hậu 200ha. Vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa trên đất 2 lúa với 15 nghìn ha ở tất cả các huyện, thành phố; 10 vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP ở 10 huyện, thành phố, mỗi huyện 200-500ha. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh như thịt lợn mảnh, lợn sữa, thịt và trứng gia cầm. Quy hoạch và tổ chức xây dựng các khu chăn nuôi tập trung ở các xã, thị trấn theo hướng trang trại, gia trại an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Từng địa phương, từng trang trại, gia trại xác định đối tượng nuôi phù hợp. Tăng quy mô đàn lợn ngoại cao sản, đàn gà lông màu thả vườn và gà công nghiệp cả hướng thịt và hướng trứng; duy trì đàn bò. Trong nuôi thủy sản, tập trung vào các giống con nuôi chất lượng: cá trắm đen, cá lóc bông, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá bống bớp, ngao… Vùng nước lợ ven biển tập trung nuôi các đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá bống bớp, cá song, cá vược thương phẩm. Quy hoạch vùng sản xuất ngao giống và nuôi ngao thương phẩm tại các xã Giao Xuân, Giao Lạc (Giao Thuỷ), khu vực cồn Xanh (Nghĩa Hưng). Vùng nội đồng tập trung nuôi cá nước ngọt với các loại con giống chất lượng cao như: diêu hồng, lóc bông, trắm đen… và các loại thuỷ đặc sản khác. Cùng với quy hoạch tổ chức nuôi thuỷ sản, các huyện có thế mạnh khai thác thuỷ sản ven biển như Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh tổ chức các làng nghề khai thác, khâu dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền… Lĩnh vực chế biến cũng được tỉnh xây dựng quy hoạch 9 cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo với công suất 40-50 nghìn tấn/năm tại 9 huyện; xây dựng 5 cơ sở chế biến rau quả tại các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Hải Hậu và Giao Thuỷ; 3 cơ sở chế biến thuỷ sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung tại các huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định.
Để thực hiện thắng lợi việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất để có sản phẩm chất lượng được chú trọng hàng đầu. Trong đó, tích cực du nhập, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây, giống con nuôi mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu tốt để bổ sung vào tập đoàn cơ cấu giống cây trồng, con nuôi của tỉnh. Xây dựng mạng lưới, hệ thống sản xuất giống từ sản xuất giống gốc đến giống thương phẩm. Nghiên cứu ứng dụng nhanh các công nghệ thích hợp, nhất là công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi; nuôi thuỷ sản; tăng cường ứng dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ quốc gia rộng 200ha tại Ý Yên và 13 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển nhanh mô hình CĐML, chuyển đổi mạnh hoạt động của các HTX theo Luật, Ban nông nghiệp xã… Tích cực tìm kiếm thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức như xây dựng thương hiệu, liên doanh, liên kết các loại hình tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, kể cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thành lập các hiệp hội ngành nghề. Tiếp tục xây dựng bổ sung cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực phục vụ ngành nông nghiệp, tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, đào tạo cán bộ chuyên môn cho cấp huyện, xã, HTX… Tăng cường các giải pháp về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp vừa bảo đảm an toàn lương thực, vừa tăng chất lượng, hiệu quả bền vững trong trồng trọt, đặc biệt tập trung đầu tư cho phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản để tạo ra bước đột phá mới, đồng thời chú trọng khâu chế biến, tìm kiếm thị trường với các giải pháp đồng bộ. Đây là hướng đi đúng, sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh./.
Bài và ảnh: Tất Thắc