Tỉnh ta là vùng trồng lúa nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng với nhiều giống lúa đặc sản như nếp cái hoa vàng, tám xoan, tám ấp bẹ, dự hương… Tuy nhiên, diện tích cấy lúa đặc sản ở các địa phương trong tỉnh hiện đã giảm đáng kể. Để khôi phục và phát triển các vùng lúa đặc sản, cần có bước đi cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu các loại gạo đặc sản trên thị trường, tổ chức các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện để có lượng lúa hàng hóa lớn đáp ứng các yêu cầu thị trường; trong đó có việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) lúa đặc sản áp dụng đúng theo quy trình sản xuất sinh học.
Nhằm bảo vệ và phát triển giống lúa đặc sản tại địa phương, từng bước hình thành vùng nguyên liệu lúa đặc sản mang tính hàng hóa, vụ mùa năm 2013, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) đã tổ chức triển khai xây dựng CĐML lúa nếp cái hoa vàng và tại xã Nam Mỹ (Nam Trực), CĐML lúa dự hương cũng được triển khai. Hiện, các mô hình CĐML lúa đặc sản này đang được bà con nông dân tại 2 địa phương đồng thuận cùng các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện. Từ xưa, giống lúa nếp cái hoa vàng đã được trồng ở đồng đất Cát Thành. Sở dĩ được gọi là nếp cái hoa vàng do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các giống lúa khác. Chất lượng gạo nếp cái hoa vàng Cát Thành ngon đứng đầu các loại lúa nếp, hạt gạo đầy tròn, không vỡ, có mùi thơm, khi nấu chín hạt cơm trong và ráo, ăn mềm, dẻo nhưng không nát, vừa thơm lại đậm đà. Gạo nếp cái hoa vàng còn được dùng làm nguyên liệu để gói bánh chưng, nấu rượu… Vì thế, gạo nếp cái hoa vàng được người tiêu dùng xa gần biết tiếng, các đại lý trong và ngoài tỉnh tự tìm về mua. Để tăng năng suất, nông dân Cát Thành đã nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm tìm ra quy trình thâm canh cây lúa nếp cái hoa vàng trong vụ mùa với năng suất bình quân đạt 140-150 kg/sào, thậm chí có thể đạt 160 kg/sào. Tuy giống lúa nếp cái hoa vàng có thời gian sinh trưởng dài, nhưng cây lại có khả năng chống chịu với sâu, bệnh và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với giá bán từ 16-17 nghìn đồng/kg, giá thóc nếp cái hoa vàng Cát Thành gấp 2-2,5 lần so với giá thóc tẻ thường, thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá còn có thể cao hơn nữa. Vì thế nếp cái hoa vàng được nông dân Cát Thành cấy lúa hàng hóa, tập trung nhiều trong vụ mùa. Ở Cát Thành đã hình thành các đại lý thu mua, xay xát gạo. Những năm gần đây, diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng ở Cát Thành đang dần được mở rộng qua mỗi vụ. Đến vụ mùa năm 2013, diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng đạt 250ha, chiếm 50% tổng diện tích gieo cấy của thị trấn. Đặc biệt, trong vụ mùa này, HTXDVNN Trực Cát xây dựng mô hình CĐML "lúa nếp cái hoa vàng" với diện tích 30ha, tại 2 đội sản xuất Bắc Hồng và Sơn Ký với 100 hộ dân tham gia. Toàn bộ diện tích mạ được gieo và cấy cùng thời điểm ngày 8-7, đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh lúa cải tiến. Việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đều được tiến hành đồng loạt. Đồng chí Trần Văn Cử, Chủ nhiệm HTXDVNN Trực Cát cho biết: Khi phát hiện sâu bệnh, HTX thông báo trên hệ thống truyền thanh lịch phòng trừ là người dân thực hiện phun trừ ngay và tập trung, bảo đảm đúng theo quy trình hướng dẫn nên hiệu quả phòng trừ cao. Do được gieo cấy một giống lúa, cùng thời điểm nên hiện nay lúa phát triển tốt và đều hơn so với những cánh đồng khác.
Cán bộ HTXDVNN Trực Cát, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa trên cánh đồng mẫu lớn cấy lúa nếp cái hoa vàng. |
Lúa dự hương vốn là lúa đặc sản truyền thống của xã Nam Mỹ do giống phản ứng chặt với ánh sáng ngày ngắn, nên rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương vào vụ mùa. Gạo dự hạt trong, cơm ngon, dẻo, đậm đà, giàu dinh dưỡng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Giống lúa dự hương có khả năng chống chịu hạn hán, sâu bệnh, không yêu cầu phải đầu tư thâm canh nên chi phí sản xuất không cao. Tuy nhiên, lúa dự hương có nhược điểm như nhiều giống lúa đặc sản khác như cao cây, thân yếu dễ đổ, ngoài ra, do thời gian sinh trưởng dài ngày nên cây lúa hay bị nhiễm bệnh đạo ôn và sâu đục thân cuối vụ. Trải qua bao vụ sản xuất, nông dân Nam Mỹ đã đúc rút ra những kinh nghiệm khắc phục nhược điểm này. Vì thế trong nhiều năm qua, năng suất bình quân lúa dự hương của xã luôn đạt 100-110 kg/sào, nếu thâm canh tốt năng suất có thể đạt 120 kg/sào. Đồng chí Nguyễn Văn Bồng, Chủ nhiệm HTXDVNN Nam Mỹ cho biết: Để chủ động phòng bệnh đạo ôn và sâu đục thân bảo vệ dàn lúa dự hương vụ mùa, theo kinh nghiệm của nông dân Nam Mỹ, khi phát hiện vết bệnh đạo ôn lá thì phun trừ, lúc lúa thập thò trỗ thì phun trừ sâu đục thân lần 1 và lúc lúa trỗ thoát hết thì phun trừ sâu đục thân lần 2, là có thể bảo đảm an toàn cây lúa dự hương. Để chống úng, chống đổ cuối vụ, ngoài công việc nạo vét, khơi thông dòng chảy được tiến hành thường xuyên thì khi lúa đứng cái, nông dân Nam Mỹ thường bón thêm kali để lúa chắc hạt, cứng cây hơn. Đặc biệt, trong vụ mùa năm 2012, xã đã xây dựng mô hình CĐML 40ha cấy lúa dự hương. Nhờ thực hiện nghiêm phương thức “3 cùng” (cùng trà, cùng giống, cùng phương thức canh tác) đã giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 8 nên hiệu quả của CĐML trong vụ đầu tiên cao hơn so với những cánh đồng gieo cấy đại trà cùng giống. Từ thành công bước đầu, vụ mùa năm 2013, xã Nam Mỹ đã mở rộng diện tích mô hình CĐML lúa dự hương lên 48,5ha tại 3 xóm Tiền Phong II, Tân Dân và Trung Thành với 200 hộ tham gia. Gia đình chị Bùi Thị Mai, xóm Tiền Phong II là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình CĐML lúa dự hương cho biết, khi tham gia mô hình CĐML, các hộ dân đã tuân thủ nghiêm túc kỹ thuật thâm canh nên trong vụ mùa năm 2012, năng suất lúa dự hương bình quân của chúng tôi đạt 120 kg/sào, cao hơn sản xuất phân tán 20 kg/sào. Từ hiệu quả của mô hình CĐML nên trong vụ mùa 2013, hầu hết bà con nông dân đều đồng lòng mở rộng diện tích mô hình CĐML lúa dự hương. Để đẩy sớm thời vụ trong sản xuất vụ mùa, xã đã chỉ đạo các hộ tham gia mô hình gieo mạ dược tập trung trong ngày 14-6 và huy động tối đa lực lượng xuống đồng cấy nên toàn bộ diện tích CĐML lúa dự hương được cấy xong trước ngày 15-7. Hiện nay, các hộ tham gia mô hình đã hoàn thành chăm sóc lúa đợt 1.
Mô hình CĐML đang tạo điều kiện nâng cao trình độ canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí đầu tư trên cùng một đơn vị diện tích gieo cấy lúa. Thông qua mô hình này, mối liên kết giữa “4 nhà” ngày càng chặt chẽ, tạo động lực phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp. Các CĐML cấy lúa đặc sản không chỉ góp phần bảo vệ, giữ vững thương hiệu cho giống lúa quý đặc sản của mỗi vùng đất mà còn tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, góp phần hoàn thành kế hoạch mở rộng diện tích vùng lúa đặc sản của tỉnh đến năm 2015 lên 4.000ha./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh