Phát huy vai trò của HTX trong hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

08:07, 20/07/2013

Theo Liên minh HTX tỉnh, trong tổng số 304 HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) toàn tỉnh, hiện có 35 HTX (chiếm 11,5%) có dịch vụ tiêu thụ nông sản. Các HTX đã thực sự phát huy vai trò “bà đỡ” trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Khi HTX "chung tay" cùng nông dân

Chúng tôi về xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) khi bà con xã viên vừa thu hoạch xong vụ xuân, đang khẩn trương cấy lúa mùa trà sớm và trồng cây màu. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ nhiệm HTXDVNN Nghĩa Bình cho biết, HTX được giao quản lý gần 371ha đất nông nghiệp, trong đó có 23ha trồng màu. Để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, năm 2012, HTX phối hợp với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC (TP Nam Định) ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho 94 hộ nông dân trong xã, tập trung vào 3 loại cây chủ lực là cà chua, dưa chuột và ngô ngọt. Vụ đông năm 2012, HTX đã thu hoạch 777 tấn sản phẩm; trong đó, cà chua quả to 315 tấn, cà chua nhót 125 tấn, dưa chuột trung tử 130 tấn, dưa chuột quả to 150 tấn và ngô ngọt 57 tấn. Vụ xuân 2013, có 50 hộ tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau màu với Cty qua HTX. Cty đã thu mua toàn bộ nông sản theo hợp đồng gồm 125 tấn cà chua nhót, 245 tấn dưa chuột trung tử và 57 tấn ngô ngọt. Ngoài ra, Cty còn thu mua ngoài hợp đồng hàng chục tấn cà chua quả to cho nông dân. Vụ xuân 2013 Cty đã tiêu thụ cho nông dân ở Nghĩa Bình 892 tấn rau màu với tổng trị giá trên 4,28 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thành, xóm 7 cho biết, vụ xuân 2013, gia đình ông trồng 6 sào cà chua, trong đó có 3 sào cà chua nhót và 3 sào cà chua quả to. Thông qua HTX, gia đình ông đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cà chua với Cty CFC nên gần 10 tấn cà chua của gia đình ông đã được tiêu thụ kịp thời. Để triển khai dự án có hiệu quả, ngay từ đầu năm, Cty TNHH Bao bì kim loại CFC đã chủ động lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho xã viên HTX. Bên cạnh đó, thông qua HTX, Cty cung ứng giống, thuốc trừ sâu, phân bón, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho nông dân và tổ chức thu mua toàn bộ nông sản cho nông dân. Đối với HTX Nghĩa Bình, ngoài việc ký hợp đồng tiêu thụ, hợp tác đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, HTX tham mưu với UBND xã quy hoạch vùng tập trung để sản xuất nông sản hàng hóa, tập hợp các hộ nông dân tham gia. HTX chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản của nông dân theo đúng hợp đồng đã ký và vận chuyển cho doanh nghiệp; nông dân khi thu hoạch phải bán toàn bộ nông sản thu hoạch được cho HTX theo hợp đồng.

Thu hoạch khoai tây ở xã Trực Chính (Trực Ninh).
Thu hoạch khoai tây ở xã Trực Chính (Trực Ninh).

HTXDVNN Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có diện tích canh tác 232ha; trong đó diện tích sản xuất lúa 180ha, diện tích rau màu 52ha. Năm 2008, HTX được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ dự án hỗ trợ HTX nâng cao khả năng xúc tiến thương mại. Thời gian thực hiện từ tháng 4-2008 đến tháng 3-2011. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cho HTX trong thực hiện “chiến lược sản phẩm” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể ở dự án này là khả năng tìm đầu ra cho khoai tây và xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với sự hỗ trợ của dự án, HTX tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực thực hiện chiến lược về giá thành với tiêu chí là nắm được thông tin sản phẩm thay thế, định giá bán với các thiết bị hỗ trợ, tổng hợp thông tin thị trường. 100% diện tích của HTX Cốc Thành sử dụng giống khoai tây Solara của Đức; 76,92% số hộ đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. HTX đã ký hợp đồng dài hạn tiêu thụ khoai tây giống với Trung tâm Tư vấn, ứng dụng, phát triển khoa học nông nghiệp tỉnh Thái Bình, trung bình 10-30 tấn/vụ. Ngoài ra, Cty Tư vấn và Dịch vụ khoa học nông nghiệp I (Bộ NN và PTNT) cũng đề nghị ký hợp đồng tiêu thụ 20 tấn khoai tây giống của HTX. Từ thực tế mô hình liên kết doanh nghiệp và HTX tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân cho thấy, hộ nông dân đã yên tâm hơn trong quá trình sản xuất. Nông dân được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật canh tác; kiến thức pháp luật trong việc thực hiện hợp đồng… nên sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng cao hơn, giá thành đảm bảo ổn định hiệu quả, thu nhập được nâng lên. Đối với doanh nghiệp, đã kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nguyên liệu đưa vào chế biến, giá thành ổn định, tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Đối với HTX, nâng cao được trách nhiệm, uy tín của Ban quản trị HTX, duy trì ổn định hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ, xã viên. Sau thời gian thực hiện dự án, xã viên HTX Cốc Thành đã chủ động trong việc lựa chọn giống để đưa vào canh tác trên đồng ruộng. HTX chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho xã viên. Xã viên chủ động được thị trường tiêu thụ tập trung là Thành phố Nam Định, Hà Nội…

Phát huy vai trò của HTX trong tiêu thụ nông sản cho nông dân

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng hiện nay sản xuất nông sản hàng hóa ở tỉnh ta vẫn mang tính thời vụ, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết nên năng suất, sản lượng, chất lượng chưa ổn định. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản chưa được đa dạng do nhận thức, hiểu biết của nông dân còn hạn chế. Đại bộ phận nông dân vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Việc quy hoạch vùng sản xuất mới được quan tâm bước đầu. Tình trạng sản xuất manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, trồng nhiều loại nông sản khác nhau trên cùng cánh đồng, thửa ruộng nên chất lượng sản phẩm hạn chế, việc tiêu thụ gặp khó khăn... Hệ thống thủy lợi tưới, tiêu xuống cấp và lạc hậu nên hạn, úng cục bộ chưa được kiểm soát, khắc phục. Đây là nguyên nhân khiến hiệu quả kinh tế, giá trị lao động sản xuất của nông dân không cao. Mặt khác, một bộ phận cán bộ quản lý HTX và nông dân còn thiếu tự tin, chưa mạnh dạn trong việc tiếp thu áp dụng những mô hình cây trồng, cách làm mới. Hầu hết các sản phẩm hàng hóa sản xuất ra chưa có thương hiệu, chưa gắn nhãn mác nên rất khó khăn trong xuất khẩu, hay "vào" các siêu thị. Bên cạnh đó việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn còn do hoạt động xúc tiến thương mại đối với nông sản còn yếu.

Với xu hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất kinh doanh, nhất là khi HTX chuyển đổi thực hiện theo luật, thuần túy làm chức năng của đơn vị kinh tế hoàn toàn hoạt động DVNN, các HTX phải đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa HTX với các thành phần kinh tế khác. Không những thế, trong quan hệ truyền thống HTX và xã viên, các HTXDVNN cũng cần chủ động ký kết hợp đồng với người sản xuất, tạo sự tin cậy giữa hai bên, gắn kết chặt chẽ trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên trong việc thực hiện hợp đồng; đảm bảo ràng buộc trách nhiệm ở các khâu, gắn sản xuất với bảo quản, sơ chế, chế biến hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, các HTX có các hình thức hỗ trợ người sản xuất với nhiều hình thức như: ứng trước vốn, vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV...), hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản, sơ chế và mua lại rau quả hàng hóa; có biện pháp khuyến khích người sản xuất có ý thức trách nhiệm tạo ra nguồn hàng ổn định và đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Về phía các hộ nông dân, được sử dụng đất đai của mình để góp cổ phần, liên doanh, liên kết với HTX hoặc cho các HTX thuê đất sản xuất; được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản và bao tiêu sản phẩm ổn định lâu dài từ phía HTX. Thông qua hợp đồng, người nông dân yên tâm sản xuất, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với HTX, doanh nghiệp, từ đó chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, có đủ nguồn hàng theo đúng thời hạn hợp đồng với doanh nghiệp. Các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nội dung, mục đích của chính sách liên kết tiêu thụ nông sản hàng hoá với các doanh nghiệp, tôn trọng và thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết. Tăng cường vai trò của các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ đại diện làm "cầu nối" cho nông dân với doanh nghiệp trong việc thực hiện hợp đồng. Vận động nông dân tự giác tham gia tổ liên kết sản xuất, HTX; chú trọng xây dựng các HTX, tổ hợp tác thành vệ tinh của doanh nghiệp trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản tại địa phương. Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ các HTXDVNN liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân trong việc nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin định hướng cho kinh doanh, công tác kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng nông sản và đăng ký kinh doanh nông sản, tìm kiếm và mở rộng thị trường./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com