Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch

07:07, 06/07/2013

Trong những năm gần đây lao động ngành du lịch tỉnh ta có tốc độ tăng trưởng khá. Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn. Ngoài lực lượng này còn một lượng khá đông lao động thời vụ trong dịp hè tại các khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy)… Để đảm bảo chất lượng nhân lực ngành du lịch, Sở VH, TT và DL đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng, bàn, quản lý cơ sở lưu trú; lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch để đào tạo trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch; tổ chức các buổi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh, thành phố có ngành du lịch phát triển. Ngoài ra, các địa phương cũng thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị thêm kiến thức cho cán bộ, nhân viên trong công tác phục vụ du khách. Năm 2012, các huyện, thành phố phối hợp với Trường Trung cấp nghề thương mại - du lịch - dịch vụ (Sở LĐ-TB và XH) tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tại khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long về nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng và kỹ thuật chế biến món ăn. Ngành VH, TT và DL cũng đã thẩm định hồ sơ và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch cho 12 người. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng được các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đặc biệt quan tâm. Không chỉ mời các giảng viên của các trường đại học, cao đẳng du lịch uy tín về tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhiều doanh nghiệp còn thường xuyên mở các cuộc thi nghiệp vụ nội bộ để khuyến khích lao động nâng cao tay nghề. Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh do Trường Trung cấp nghề thương mại - du lịch - dịch vụ thực hiện theo kế hoạch. Từ năm học 2010-2011 đến nay, mỗi năm nhà trường đào tạo gần 1.000 học sinh có trình độ trung cấp và sơ cấp các nghề kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn… Trong đào tạo nghề, nhà trường luôn bảo đảm thời lượng lý thuyết 30%, thực hành 70% riêng nội dung thực hành đều được tiến hành tại doanh nghiệp, cơ sở du lịch...

Khách sạn Vị Hoàng (TP Nam Định) thường xuyên quan tâm đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho người lao động.
Khách sạn Vị Hoàng (TP Nam Định) thường xuyên quan tâm đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho người lao động.

Mặc dù có nhiều nỗ lực song chất lượng nguồn nhân lực du lịch tỉnh ta vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, hiện lao động du lịch có trình độ đại học của tỉnh chỉ chiếm 8,5%, trung cấp 15-20%, còn lại là lao động trình độ sơ cấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo làm việc chủ yếu tại các cơ sở tư nhân ở các khu du lịch biển. Chất lượng đào tạo nhân lực lao động du lịch cũng chưa sát với yêu cầu của các doanh nghiệp. Chị Trần Lệ Thanh, chủ nhà hàng Thanh Tân ở Thành phố Nam Định cho biết: Mỗi năm, nhà hàng nhận hơn chục sinh viên từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh đến thực tập. Tuy nhiên cũng chỉ có một số người được nhà hàng tiếp tục ký hợp đồng làm việc. Nguyên nhân do chương trình giảng dạy trong các nhà trường chưa chú ý thực hành nên sinh viên không có kỹ năng nghề vững vàng, doanh nghiệp thường phải đào tạo lại mới có thể sử dụng được. Anh Phạm Minh Thanh, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch tại Thành phố Nam Định cho biết: “Với doanh nghiệp chúng tôi, khó khăn nhất là tuyển hướng dẫn viên du lịch. Việc tìm sinh viên có đủ trình độ, kỹ năng tổ chức đoàn du lịch, có khả năng xử lý tình huống trong quá trình dẫn đoàn để hài lòng du khách, thành thạo ngoại ngữ mất nhiều công sức mà không được như mong muốn”. Ngay với Trường Trung cấp nghề thương mại - du lịch - dịch vụ cũng đang đối mặt với khó khăn về việc tuyển học sinh ngành du lịch. Năm học 2010-2012, trường đào tạo được khoảng 250 học sinh trung cấp nghề, 700 học sinh sơ cấp nghề du lịch, thì đến năm học 2012-2013 nhà trường chỉ còn 186 học sinh trung cấp nghề, 378  học sinh sơ cấp nghề. Một trong những nguyên nhân là hiệu quả kinh tế của ngành du lịch tỉnh ta chưa thật cao nên lao động trong ngành này chưa có được thu nhập hấp dẫn. Vì vậy học sinh ít chọn ngành này.

Mục tiêu chương trình phát triển du lịch đến năm 2015, ngành du lịch tỉnh ta sẽ tạo việc làm cho khoảng 11 nghìn lao động, trong đó 3.190 lao động trực tiếp; đến năm 2020 là 17.640 lao động, trong đó 5.880 lao động trực tiếp. Để đạt được kết quả này, ngoài việc tuyển thêm các lao động tỉnh ngoài có chất lượng, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh phải chú trọng nâng cao chất lượng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; cần thống kê chính xác cung - cầu tổng thể và các ngành, lĩnh vực cụ thể, yêu cầu về trình độ… để việc đào tạo nhân lực bảo đảm vừa đủ, tránh tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu". Ngành VH, TT và DL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý du lịch; giúp đỡ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho lao động du lịch theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com