Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu ước đạt 270 tỷ đồng, đạt 43,4% kế hoạch năm và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, giá trị sản xuất của các hộ cá thể, tổ sản xuất đạt trên 153,7 tỷ đồng, các doanh nghiệp đạt 117,2 tỷ đồng...
Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2013, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, 20 sản phẩm CN-TTCN chủ yếu của huyện đều tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm có giá trị sản xuất tăng trưởng cao là: vật liệu xây dựng (VLXD) 54,6 tỷ đồng; chế biến lương thực, thực phẩm 41 tỷ đồng; sản xuất muối 20,6 tỷ đồng; sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải thủy 4,3 tỷ đồng; đồ mộc mỹ nghệ gần 4,3 tỷ đồng… Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành công nghiệp đóng tàu của huyện đã từng bước được khôi phục và có sự tăng trưởng trở lại. Năm 2012, Cty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long đã từng bước khôi phục sản xuất, doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 400 lao động với mức thu nhập từ 4,2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Trên địa bàn huyện hiện có 3 CCN tập trung, trong đó CCN Hải Phương đi đầu về phát triển ngành nghề, đào tạo và nhân cấy nghề ở địa phương. Tại CCN Hải Phương, Cty CP May Sông Hồng đầu tư trên 350 tỷ đồng xây dựng 4 xưởng may thu hút trên 2.200 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng; Cty CP Gỗ mỹ nghệ Hợp Long tạo việc làm cho trên 400 lao động, thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng; Cty TNHH Việt Cường đầu tư trên 500 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất VLXD không nung trên diện tích 2,5ha. CCN Hải Minh có tổng diện tích 6,2ha đã thu hút được 5 dự án với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng. Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các CCN, huyện chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng, phát triển các làng nghề” với mục tiêu duy trì, mở rộng sản xuất tại các làng nghề hiện có và xây dựng, phát triển thêm các làng nghề mới. Phòng Công thương huyện tích cực hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn địa điểm, ngành nghề, vùng nguyên liệu, thị trường… xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trên cơ sở đăng ký của các xã, thị trấn, Phòng Công thương phối hợp với Trung tâm Khuyến công Quốc gia Khu vực I (Bộ Công thương), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), Trung tâm Dạy nghề huyện hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề, áp dụng các tiến bộ KHKT trong thực tiễn sản xuất làng nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Cty CP Gỗ mỹ nghệ Hợp Long, CCN Hải Phương (Hải Hậu). |
Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các làng nghề quảng bá hình ảnh, tiêu thụ sản phẩm góp phần ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất trong các làng nghề thủ tục thuê, chuyển nhượng mặt bằng, biện pháp bảo vệ môi trường. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH… tham mưu với UBND huyện ban hành cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ các xã, thị trấn về xây dựng làng nghề, phát triển nghề mới theo quy định của Nhà nước, tạo điều kiện về nguồn vốn cho các cơ sở, hộ gia đình trong các làng nghề được vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay UBND huyện đã quyết định công nhận cho 27 làng nghề mới của 20/35 xã, thị trấn với các nghề chủ yếu là: dệt chiếu, kéo sợi PE, mộc gia dụng, sinh vật cảnh… Trong năm 2013, huyện tập trung củng cố, duy trì hoạt động của các làng nghề đã được công nhận, đồng thời tiếp tục rà soát, xây dựng phương án phát triển ngành nghề, làng nghề tại 15 xã chưa có làng nghề được công nhận. Thực hiện chỉ đạo của huyện về tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN và làng nghề, Thị trấn Thịnh Long đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn thị trấn đã có 41 Cty, 16 doanh nghiệp tư nhân và hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động địa phương, trong đó có gần 3.000 lao động trong các ngành nghề: chế biến thủy sản, dệt lưới cước, kéo sợi PE, cơ khí, sản xuất VLXD, may công nghiệp… Tận dụng lợi thế có nguồn nguyên liệu hải sản dồi dào ở địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản tập trung với các sản phẩm truyền thống chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, sứa… theo phương pháp truyền thống, với các thương hiệu như: Phú Long, Vạn Hoa, Quý Thịnh… Anh Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Cty TNHH Vạn Hoa cho biết: Bình quân mỗi tháng, Cty sản xuất được trên 20 nghìn lít nước mắm, 3 tấn mắm tôm, 5 tấn sứa. Các sản phẩm sứa ăn liền, nộm sứa mang thương hiệu Vạn Hoa đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Metro tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)… Các ngành nghề cơ khí, may công nghiệp, sản xuất VLXD… cũng được thị trấn chú trọng phát triển. Ở xã Hải Bắc, ngoài nghề dệt chiếu truyền thống còn phát triển thêm nghề: may công nghiệp, sản xuất và kinh doanh VLXD, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, vê đay, thêu ren xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động ở các xóm Triệu Phúc, Phương Đức, Triệu Thông A, An Lộc, giá trị kinh tế từ ngành nghề toàn xã đạt từ 1,2-1,7 tỷ đồng/tháng.
Với các biện pháp đồng bộ, vượt lên những khó khăn chung do tác động của suy thoái kinh tế, sản xuất CN-TTCN huyện Hải Hậu tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Năm 2013 huyện phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt hơn 621 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Thành Trung