Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 31-1-2013 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2013 các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện lộ trình hạ lãi suất theo quy định của NHNN, qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận, hấp thụ vốn. Tính đến ngày 21-6-2013, các TCTD trên địa bàn có dư nợ VND mức lãi suất dưới 13% chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ như: Ngân hàng NN và PTNT Bắc Nam Định 93%, Ngân hàng CP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tỉnh 97%, Vietinbank chi nhánh thành phố 90%, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 100%, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Nam Định 90%… Thời điểm hiện tại, về cơ bản lãi suất cho vay của các TCTD đều ở mức 13%/năm trở xuống.
Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Ngân hàng VPBank Nam Định. |
BIDV Nam Định là một trong các ngân hàng tiên phong trên địa bàn giảm lãi suất cho vay. BIDV Nam Định đã thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với tất cả các đối tượng ưu tiên xuống còn 11%/năm kể từ ngày 26-3-2013, thấp hơn 1% so với trần lãi suất quy định (12%/năm). Từ ngày 8-5-2013 BIDV Nam Định thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với tất cả các đối tượng ưu tiên từ 11%/năm xuống còn 10%/năm, đến ngày 27-6-2013 thực hiện Thông tư 16/2013/TT-NHNN của NHNN lãi suất cho vay được điều chỉnh còn 9%/năm. Đối tượng ưu tiên là những khách hàng nằm trong nhóm cho vay: Phát triển nông thôn, tài trợ xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khắc phục bão lũ, người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến thủy sản. Với nhóm khách hàng thông thường, trong 6 tháng đầu năm 2013 BIDV Nam Định đã 2 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp từ 14%/năm xuống 13%/năm; kể từ ngày 13-5-2013 ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ cũ về mức 13%/năm. Tiếp đó, ngày 10-7-2013, chi nhánh giảm lãi suất cho vay 0,2% so với lãi suất đang áp dụng đối với tất cả các khoản vay thông thường, đến nay không còn khoản dư nợ nào chịu lãi suất trên 13%/năm. Ngoài ra BIDV Nam Định áp dụng các gói tín dụng ưu đãi như: gói sản phẩm cho vay VND đối với khách hàng doanh nghiệp kỳ hạn dưới 1 tháng áp dụng mức lãi suất 9%/năm, kỳ hạn dưới 3 tháng áp dụng mức lãi suất 8,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng áp dụng mức lãi suất 9%/năm cho những khách hàng doanh nghiệp có định hạng tín dụng nội bộ từ hạng A trở lên, có vòng quay vốn nhanh, bảo toàn được vốn, có lịch sử quan hệ tín dụng tốt, hoặc khách hàng mới nhưng có tiềm năng và hoạt động kinh doanh hiệu quả… Gói cho vay bằng đồng đô la ưu đãi kỳ hạn dưới 3 tháng đối với khách hàng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu (gạo, than, gỗ, da giầy, dệt may…) được áp dụng mức lãi suất 3,5%/năm. Không chỉ điều chỉnh kịp thời về lãi suất, BIDV Nam Định còn phối hợp với khách hàng vay rà soát khả năng trả nợ, trên cơ sở đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo các trường hợp cụ thể: Nếu khách hàng không có khả năng trả nợ (gốc, lãi) đúng kỳ hạn trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận nhưng được đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; nếu khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn nhưng được đánh giá là có khả năng trả nợ trong một thời gian nhất định sau thời hạn vay thì sẽ xem xét cho gia hạn nợ trong thời gian phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; xem xét miễn, giảm tiền lãi đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính. Tính chung cả năm 2012 việc giảm lãi suất đã làm giảm thu nhập của BIDV Nam Định hơn 23 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2013 khoảng 4 tỷ đồng. Bù lại, hoạt động tín dụng khởi sắc. Tổng dư nợ tín dụng đến hết 30-6-2013 của toàn ngành đạt 2.274 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2012; trong đó tín dụng doanh nghiệp tăng 1,5%. Điều này cho thấy hiệu quả chương trình chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp của ngân hàng. Cùng với BIDV Nam Định, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi nhánh Nam Định cũng có lộ trình điều chỉnh giảm lãi suất; hiện nay mức lãi suất cho vay được áp dụng phổ biến từ 13-13,5%/năm, mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Đối với các món vay, VPBank Nam Định đều áp dụng mức lãi suất ưu đãi trong 3 tháng đầu là 9%/năm, giúp doanh nghiệp ổn định tài chính trong thời gian đầu hấp thụ vốn. Chi nhánh cũng triển khai hiệu quả những chương trình của hệ thống VPBank Việt Nam: gói 2.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi giảm từ 1,5-2%/năm so với mức lãi suất thông thường từng thời kỳ dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên các ngành tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử viễn thông… được áp dụng với các món vay từ ngày 18-3 đến ngày 30-9-2013. Gói 100 triệu USD cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và mua bán ngoại hối tại VPBank sẽ được VPBank tài trợ vốn với lãi suất cho vay USD ưu đãi giảm từ 1-2%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng. Lãi suất cho vay đã giảm, các TCTD trên địa bàn cũng tạo điều kiện tốt nhất có thể để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Đồng chí Phạm Văn Lợi, Phó Giám đốc BIDV Nam Định cho biết: “Ngân hàng sẵn sàng giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nguồn vốn, ngân hàng dựa trên những nguyên tắc thẩm định, đưa ra những định hạng tín dụng để có những món vay phù hợp. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng vốn”. Đồng chí Nguyễn Hồng Giang, Giám đốc VPBank Nam Định chia sẻ quan điểm: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 10 TCTD hoạt động độc lập, thị trường được coi là thị trường hoàn hảo, đối với doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời nếu đáp ứng được những điều kiện cho vay của các TCTD thì doanh nghiệp không lo thiếu vốn, khoảng 60% hồ sơ khách hàng của VPBank chưa hoàn chỉnh nhưng nếu trong điều kiện chấp nhận được thì ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho vay". Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 1.363 doanh nghiệp, bằng 43,4% số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên địa bàn tham gia vay vốn với tổng dư nợ 7.730 tỷ đồng. Nhận định về cơ hội của doanh nghiệp khi lãi suất được điều chỉnh giảm dần, ông Trần Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty CP May xuất khẩu Đại Dương, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cho rằng: “Lãi suất cho vay giảm đồng nghĩa với việc giảm chi phí về vốn cho doanh nghiệp tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng lợi nhuận. Với mức lãi suất dưới 13%/năm doanh nghiệp có thể chấp nhận được và coi đó là cơ hội để tái đầu tư, ổn định và mở rộng quy mô sản xuất”.
Giảm lãi suất tuy ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng nhưng cũng giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng (lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn), gia tăng khách hàng tiềm năng. Đối với doanh nghiệp, lãi suất giảm là cơ hội tốt nhất để có thể tiếp cận vốn vay, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp về chính sách tín dụng, lãi suất, từng bước thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ./.
Bài và ảnh: Quang Lộc