Tỉnh ta hiện có 20 CCN. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ phát triển thêm 11 CCN mới; đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có tổng số 45 CCN với tổng diện tích 697ha. Những năm trước, ngoài CCN An Xá do UBND Thành phố Nam Định thành lập Ban quản lý CCN để quản lý, các CCN khác phần lớn được giao cho các xã, thị trấn quản lý nên công tác thu hút đầu tư, quản lý quy hoạch, giám sát đầu tư và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong CCN còn nhiều hạn chế. Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và đảm bảo các CCN phát triển bền vững, theo quy hoạch, tháng 4-2011, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 7 Trung tâm Phát triển CCN của các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản và Thành phố Nam Định.
Dây chuyền in của Cty TNHH Hưng Thịnh, CCN An Xá (TP Nam Định). |
Đến nay đã có 4 trung tâm của các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường và Thành phố Nam Định đi vào hoạt động. Các Trung tâm Phát triển CCN đã thực hiện tốt chức năng: quản lý quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất của CCN; công tác xây dựng hạ tầng CCN; là “đầu mối” vận động, thu hút đầu tư, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định dự án, giám sát hoạt động đầu tư của doanh nghiệp theo dự án được phê duyệt và từng bước giải quyết những thắc mắc của doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư… Nhờ đó, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, các CCN trong tỉnh vẫn tăng về số dự án, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần thay đổi cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương. Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm nay, các CCN địa phương đã thu hút được 18 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký 101,8 tỷ đồng. Trong đó: CCN Đồng Côi (Nam Trực) có 7 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đầu tư 66 tỷ đồng; CCN Hải Minh (Hải Hậu) có 5 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 433 dự án đầu tư vào 20 CCN với tổng vốn đăng ký trên 2.405 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 17,3 nghìn lao động. Được thành lập sớm nhất theo Quyết định số 638/QĐ-UBND của UBND tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý CCN An Xá, Trung tâm Phát triển CCN An Xá đã làm tốt chức năng tham mưu cho UBND Thành phố Nam Định quản lý quy hoạch chi tiết CCN An Xá; lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật CCN; vận động đầu tư, hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định… Hiện nay, hạ tầng CCN An Xá đang triển khai thực hiện giai đoạn 2, đã xây dựng 6 tuyến đường, hè, hệ thống điện phục vụ sản xuất, điện chiếu sáng và cấp thoát nước; dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Hiện tại CCN An Xá có 63 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 52 doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp tại CCN An Xá là gần 649 tỷ đồng, đạt 124,6% so với dự án được duyệt, tạo việc làm cho trên 2,6 nghìn lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đạt được kết quả đó là do Trung tâm Phát triển CCN An Xá đã thường xuyên bám sát, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục, hồ sơ, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, thành phố…, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp mới đầu tư vào CCN đã được trung tâm đối thoại trực tiếp để trao đổi, định hướng về tính khả thi của dự án đầu tư. Trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, CCN An Xá đã thu hút được 8 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký trên 220,5 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 6,7ha. Cùng với sự sâu sát, hỗ trợ của trung tâm, các doanh nghiệp trong CCN An Xá đã nỗ lực khắc phục hạn chế, cải tiến trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm… Nhiều doanh nghiệp đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao như: Cty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Phúc Thanh chuyên sản xuất tấm lợp nhôm đạt doanh thu trên 321,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 75 lao động; Cty TNHH Thương mại VIC chuyên sản xuất thức ăn gia súc đạt doanh thu 123,5 tỷ đồng; Cty TNHH Thắng Lợi đạt doanh thu trên 85 tỷ đồng, tạo việc làm cho 145 lao động; Cty TNHH Đức Hiếu thuộc lĩnh vực dệt may đạt doanh thu 74,6 tỷ đồng… Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, các huyện Xuân Trường, Ý Yên đã khẩn trương thành lập Trung tâm Phát triển CCN để quản lý hoạt động của các CCN trên địa bàn. Dưới sự quản lý của các Trung tâm Phát triển CCN, đến nay, các CCN ở các huyện đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường, sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, các Trung tâm Phát triển CCN cấp huyện là “cánh tay nối dài” của các huyện, sở, ngành thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các CCN, đồng thời tham mưu với tỉnh hoạch định các quyết sách, chiến lược thu hút đầu tư vào CCN. Tuy nhiên, đối với các huyện đã thành lập được Trung tâm Phát triển CCN, thì vấn đề bảo đảm kinh phí để vận hành các công trình vệ sinh môi trường và một số hoạt động chuyên môn khác còn gặp khó khăn do chưa có cơ chế phù hợp. Để phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của các Trung tâm Phát triển CCN, cần sự quan tâm tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND huyện./.
Bài và ảnh: Thành Trung