Các chỉ số kinh tế mục tiêu quan trọng đã được Chính phủ đề ra cho năm 2013. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 5,5%, tỷ lệ lạm phát là 6-6,5%. Có thể thấy, Chính phủ và các bộ, ngành tham mưu đã thận trọng và lường trước các rủi ro cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều chính sách quan trọng được Chính phủ kiên trì thực hiện nhằm “tiếp sức” cho doanh nghiệp.
Tiên lượng rủi ro
Mục tiêu Chính phủ quyết tâm đạt được là từ 6-6,5% và thực tế đây là mức lạm phát mong muốn để hạ thấp lãi suất, ổn định vĩ mô. Song, vẫn có những rủi ro có thể khiến lạm phát tăng cao hơn. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra nhận định, năm 2012, lạm phát giảm do có sự hỗ trợ mạnh từ cầu giảm và giá lương thực giảm mạnh. Bước sang năm 2013, giá lương thực có thể không giảm, trong khi dòng tiền đổ vào nền kinh tế không thay đổi, thì có thể lạm phát sẽ cao hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), mức lạm phát phụ thuộc quan trọng vào những điều hành vĩ mô cụ thể trong năm 2013. Ví như, nếu xác định giữ thăng bằng vĩ mô là chính, mở rộng chính sách tiền tệ thận trọng thì có thể sẽ kiềm chế được lạm phát. Hiện sức cầu năm 2013 dự báo vẫn ảm đạm, trong khi dư địa của chính sách tiền tệ và tài khoá được khuyến cáo là… không còn nhiều.
Chung quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Nguyễn Đức Thành cho rằng, năm 2012 đã cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng chưa tạo được sức cầu mạnh, vì thế, năm 2013 cần cảnh giác cung tiền tác động đến lạm phát. Chính sách tài khoá cũng cần thực hiện thận trọng vì nợ công và thâm hụt ngân sách đã cao. Song về dài hạn, không gian chính sách vẫn còn nhiều, cần tập trung mạnh mẽ vào tái cơ cấu (TCC) các lĩnh vực của nền kinh tế. Và hoạt động này phải làm quyết liệt, chấp nhận loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém. Nhiệm vụ quan trọng của năm 2013 là tiến hành TCC theo bước đi cụ thể góp phần kiềm chế lạm phát hiệu quả, đồng thời giải quyết nợ xấu và kích thích tăng trưởng.
Ngoài ra, điểm đáng lưu ý là tác động từ kinh tế thế giới. Các nước hiện sử dụng chính sách nới lỏng, có thể khiến các dòng vốn gián tiếp tìm kiếm các cơ hội đầu tư cao hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn gián tiếp này sẽ giúp ổn định tỷ giá hối đoái, góp phần nới lỏng chính sách tiền tệ và làm ấm thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Nhưng kinh tế thế giới vẫn chưa ổn định nên cần xây dựng kịch bản ứng phó những gì có thể xảy ra.
Tái cơ cấu các lĩnh vực của nền kinh tế giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng. |
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Deepak Mishra nhận xét, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ có những biến chuyển tích cực trong tiến trình TCC, bày tỏ kỳ vọng thay đổi sẽ đến, giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá, cải thiện quản trị doanh nghiệp cũng như thực hiện hiệu quả mục tiêu lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng… Không thể phủ nhận ở bình diện ổn định kinh tế vĩ mô, những kết quả Việt Nam đạt được trong năm qua tương đối khả quan. Tuy nhiên, nếu chủ quan, rất có thể sẽ vấp phải sai lầm vì còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thông thường, các quốc gia đang phát triển khi tiến hành TCC phải chấp nhận “phí tổn” lớn, chấp nhận những mất mát, tốn kém trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu càng trì hoãn, chi phí càng cao sẽ ảnh hưởng động năng của toàn bộ nền kinh tế cũng như của quá trình TCC. Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nền kinh tế Việt Nam phải chấp nhận tốn kém để xử lý những “điểm nghẽn”. Trên thực tế, sự kiểm soát thị trường thời gian qua dù nỗ lực nhưng vẫn đang ở mức thấp, khối doanh nghiệp dù nhận được nhiều sự trợ giúp nhưng vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn.
Kiên trì thực hiện giải pháp hỗ trợ
Ông Deepak Mishra nhận định, các chính sách đối với thị trường cần được kiểm soát chặt chẽ và đầy đủ hơn. Nếu quyết tâm và kiên định, cơ hội để nền kinh tế Việt Nam thành công trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng là tương đối cao.
Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cũng cho rằng cần tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô với cách điều hành chính sách mềm dẻo và linh hoạt hơn, đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách gỡ khó cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Những khó khăn hiện tại của nền kinh tế cần thiết phải có được sự hỗ trợ đủ mạnh của Chính phủ. Các chính sách phải cụ thể, thật sự hiệu quả và cần tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp đã tiến hành từ năm 2012 và các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra cho năm 2013. Nhưng trước hết phải tập trung khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sản xuất đình trệ, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không những nền kinh tế tiếp tục suy thoái mà NSNN, tài chính quốc gia cũng gặp khó khăn. Chính vì vậy, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, mà tâm điểm hướng tới là các doanh nghiệp, là giải pháp tháo gỡ các “nút thắt”, nhưng phải thực hiện quyết liệt, bài bản hơn và có sự chỉ huy thống nhất trên toàn quốc vì lợi ích chung và với một kỷ cương, quy trình chặt chẽ, có chất lượng trong việc TCC và giải quyết hàng tồn đọng, xử lý nợ xấu.
Để phục hồi kinh tế, Chính phủ, các cơ quan và chính quyền các cấp đang dồn sức triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Nằm trong nỗ lực này, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện, hoặc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ triển khai các giải pháp giãn, giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp, nhằm thiết thực hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Việc cụ thể hoá nỗ lực này gặp không ít trở ngại, bởi nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện giãn, giảm, miễn thuế sẽ tác động tiêu cực đến cân đối NSNN. Nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên trì theo đuổi nỗ lực này, với quan điểm doanh nghiệp không hoạt động có lãi, thì chẳng những không đạt mục tiêu thu NSNN trước mắt, mà còn không “dưỡng” được nguồn thu trong dài hạn… Minh chứng rõ nhất về quyết tâm này thể hiện qua việc Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên ban hành Quyết định 128/QĐ-BTC về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/2013 và Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ. Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách giảm, giãn thuế trong thời gian sớm nhất - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chia sẻ.
Cụ thể, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, ngoài hướng dẫn chi tiết các trường hợp được gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I và ba tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và III-2013, văn bản này còn hướng dẫn các trường hợp doanh nghiệp được gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với số thuế phải nộp của tháng 1, 2 và 3-2013…
Theo Bộ trưởng Tài chính, trong bối cảnh gặp rất nhiều thách thức như năm 2012, việc giảm, giãn thuế đã gây áp lực khá lớn lên cân đối thu chi NSNN. Do vậy, việc miễn thuế nếu được triển khai phải cân nhắc thận trọng trên cơ sở tính toán rất nhiều yếu tố, để sao cho giảm tối đa tác động tiêu cực đến cân đối NSNN, đồng thời thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong những lĩnh vực cần khuyến khích để phục hồi phát triển. “Với quan điểm này, Bộ Tài chính luôn sẵn sàng thực hiện hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai thêm các biện pháp phù hợp trong điều kiện cho phép, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững…”./.
Theo daibieunhandan.vn