Trong vài năm gần đây, VLXD không nung đã được Chính phủ và các cấp, các ngành khuyến khích các doanh nghiệp, các chủ đầu tư sản xuất và tăng cường sử dụng trong các công trình xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 567/2010/QĐ-TTg về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc "Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung" và mới đây nhất là Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ KHCN đã công bố các tiêu chuẩn quốc gia về vật liệu xây không nung như TCVN 6477:2011 về gạch bê tông; TCVN 7959:2011 về bê tông nhẹ và gạch bê tông khí chưng áp (AAC); TCVN 9028 về vữa cho bê tông nhẹ, TCVN 9029 và TCVN 9030 về gạch bê tông bọt khí không chưng áp. Bộ Xây dựng cũng công bố Quyết định số 947/QĐ-BXD về việc Ban hành chỉ dẫn kỹ thuật "Thi công và nghiệm thu tường xây bằng blốc bê tông khí chưng áp".
Công tác triển khai thực hiện Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng trên địa bàn tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng VLXD truyền thống của người dân trong các công trình xây dựng (Trong ảnh: Thi công xây dựng dân dụng tại đường Nguyễn Đức Thuận, TP Nam Định). |
Tuy nhiên, trên thực tế vật liệu xây không nung chưa thực sự được nhiều người tiêu dùng lựa chọn mặc dù có đặc điểm nổi trội hơn gạch tuynel. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, gạch không nung nhẹ hơn so với gạch thông thường, cường độ chịu lực cao gấp 2-3 lần so với gạch nung, kích thước gạch không nung lớn hơn nên chi phí nhân công giảm, rút ngắn thời gian thi công. Ngoài ra, lượng vữa dùng để xây tường bằng gạch không nung và trát giảm 2,5 lần so với gạch nung, khả năng cách âm và cách nhiệt, chống thấm của gạch không nung cũng đạt cao hơn. Đặc biệt, sản xuất gạch không nung góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, đồng thời tiêu thụ được 1 phần phế thải của các ngành nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng, tiết kiệm tài nguyên đất và các chi phí xử lý phế thải. Theo Thông tư số 09/2012/BXD quy định bắt đầu từ 15-1-2013, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước phải sử dụng gạch không nung theo lộ trình: đến hết năm 2015, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung; tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung, sau năm 2015 phải sử dụng 100%; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Các công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện như giấy phép đã được cấp hoặc quyết định đã được phê duyệt; khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng vật liệu không nung. Như vậy, ngoài Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thị trấn của các huyện còn lại đều là đô thị loại 5 đều thuộc phạm vi chịu trách nhiệm thực hiện theo Thông tư trên. Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, hiện tại trên địa bàn tỉnh ta có tổng cộng 29 lò gạch tuynel với công suất hơn 500 triệu viên/năm và chỉ có 2 cơ sở sản xuất gạch không nung là Cty TNHH Hưng Hạnh tại xã Lộc Hòa và Cty TNHH Hòa Phát tại CCN An Xá (TP Nam Định) với công suất trung bình mỗi cơ sở đạt 20 triệu viên/năm. Nếu thực hiện theo Thông tư 09, sản lượng gạch không nung của 2 cơ sở chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu về gạch không nung của tỉnh. Bên cạnh đó, các nhà máy gạch tuynel trên địa bàn tỉnh phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp thua lỗ do chưa kịp thu hồi vốn. Đối với sản phẩm gạch xi măng sử dụng nguyên liệu chính là mạt đá, xi măng và cát trong khi xi măng và mạt đá không phải là thế mạnh về sản xuất về vật liệu xây dựng của tỉnh (hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở sản xuất đá mạt tại núi Phương Nhi, xã Yên Lợi, Ý Yên). Bên cạnh đó, mặc dù đã có tiêu chuẩn quốc gia về gạch không nung nhưng Bộ Xây dựng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về định mức giá xây dựng đối với loại vật liệu này để các cơ quan chức năng xây dựng đơn giá về gạch không nung. Cụ thể đối với mỗi kích thước viên gạch không nung khác nhau sẽ có đơn giá tính toán mỗi m2 tường khác nhau về chi phí nhân công và chi phí vật liệu xây. Hiện tại, gạch không nung chưa thống nhất về đơn giá lại đắt hơn gạch tuynel. Ngoài ra, các loại bê tông nhẹ đều phải sử dụng vữa xây chuyên dụng. Đây sẽ là bất cập lớn do năng lực thi công của các nhà thầu còn thấp, đội ngũ công nhân chưa quen với cách thức thi công mới, vật liệu mới gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Hơn thế, tâm lý người dân chưa tích cực đón nhận vật liệu xây không nung do thói quen sử dụng vật liệu truyền thống.
Trước thực tế khó khăn khi áp dụng Thông tư 09 về quy định sử dụng vật liệu xây không nung tại các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cần cân nhắc thời gian thực hiện Thông tư 09 hoặc xây dựng lộ trình tiệm cận sát hơn phù hợp với đặc thù sản xuất vật liệu xây dựng ở từng vùng. Sở Xây dựng cần tập trung tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức giúp người dân tiếp cận và sử dụng nhiều hơn vật liệu xây không nung, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch không nung hoàn thiện công nghệ sản xuất, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, đơn vị thi công đưa vật liệu xây không nung vào sử dụng tại các công trình xây dựng, hướng tới các công trình xanh, bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn