Ứng dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm

08:12, 31/12/2012

Những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm trong tỉnh đã từng bước ứng dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nhiên liệu, nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành, đồng thời ngăn ngừa và giảm ô nhiễm ngay từ đầu vào, cải thiện môi trường làm việc.

Cty CP Thương mại Hương Giang thuộc CCN An Xá (TP Nam Định) chuyên thu mua, chế biến và gia công gạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2010, Cty phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng trên diện tích 1,1ha. Đến nay, Cty đã đầu tư dây chuyền máy xát gạo hiện đại, khép kín công suất đạt 4,3-4,5 tấn gạo/giờ, năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với trước, hạt gạo có độ bóng đều và không bị vỡ vụn. Trong quá trình xát thóc, toàn bộ lượng trấu, bụi được thu gom, dẫn vào kho chứa. Đầu năm 2012, Cty tiếp tục đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua máy tách màu để loại bỏ hạt vàng, hạt đen kém chất lượng. Bên cạnh đó, Cty xây dựng quy trình chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao với hệ thống kiểm soát chặt chẽ từng khâu từ đầu vào đến đầu ra. Trong quá trình chế biến gạo, một lượng lớn vỏ thóc được bóc tách ra khỏi hạt gạo, trước đây chỉ làm nguyên liệu trồng nấm và làm chất đốt phục vụ sinh hoạt của người dân. Cty đã đầu tư thiết bị áp dụng công nghệ tiên tiến nghiền trấu thành chất phụ gia cho ngành chế biến thức ăn gia súc, vừa đem lại giá trị kinh tế vừa giải quyết được vấn đề môi trường. Nhờ áp dụng thiết bị hiện đại, giảm thất thoát hao phí trong khâu vận hành, nâng cao năng suất, chất lượng gạo nên doanh thu năm 2012 của Cty ước đạt hơn 95 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2011) tạo việc làm cho 70 lao động với thu nhập bình quân từ 2,8-3 triệu đồng/người/tháng.

Vận hành dây chuyền máy xay xát và tách màu gạo tại Cty CP Thương mại Hương Giang (TP Nam Định).
Vận hành dây chuyền máy xay xát và tách màu gạo tại Cty CP Thương mại Hương Giang (TP Nam Định).

Tại Cty CP Chế biến hải sản Nam Định ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuyên chế biến sứa biển ăn liền, toàn bộ nguyên liệu thu mua từ các cơ sở chế biến sứa ướp muối đều được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn về chất lượng. Để giảm lượng nước tiêu thụ và nước thải, Cty đã đầu tư lắp vòi rửa áp lực và bơm tăng áp để vệ sinh sàn thao tác, kiểm tra các điểm rò rỉ nước, đồng thời lắp đồng hồ theo dõi lượng nước sử dụng. Các thùng xử lý mặn đều được vệ sinh sạch bằng thùng tiệt trùng. Các rổ hoặc khay đựng sản phẩm đều được đưa vào khu vực riêng có giá đỡ để cách nền. Các khu vực sản xuất được cách ly bằng vách ngăn. Cty đã xây dựng 4 khu nhà chuyên biệt, gồm khu xử lý mặn, khu xử lý nguyên liệu, khu pha trộn và đóng gói sản phẩm và kho lạnh lưu trữ sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm sứa ăn liền của Cty đã được cấp giấy đảm bảo chất lượng ATVSTP của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT). Trung bình mỗi năm Cty xuất ra thị trường hơn 2.500 tấn sứa ăn liền.

Cty CP Bia Nada là doanh nghiệp luôn chủ động ứng dụng sản xuất sạch hơn nên sản phẩm bia của Cty luôn đạt chất lượng cao, mức tiêu thụ trên thị trường ổn định. Bình quân mỗi năm Cty xuất bán hơn 25 triệu lít bia các loại, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng. Thời gian qua, Cty đã lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng và tuần hoàn trở lại nồi hơi, tái sử dụng xút trong quá trình nấu bia và rửa chai bia, góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, tiết kiệm xút. Nhằm giảm lượng nước tiêu thụ, tổn thất bia tại khâu bão hòa do CO2 bị quá áp làm trào bia theo đường xả áp, Cty đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa các đường ống, van vòi bị rò rỉ, lắp đặt thùng chứa trung gian và thiết bị tách bia để thu hồi lượng bia chảy tràn, áp dụng công nghệ chiết bom tự động. Các thiết bị điện đều được lắp tụ bù, biến tần cho động cơ làm lạnh, giúp Cty tiết kiệm từ 5-10% chi phí điện năng. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, toàn bộ nước thải đều được điều tiết qua Trạm xử lý nước thải tại Cty với công suất 800m3/ngày đêm. Hằng tháng, Cty đều lập báo cáo tổng kết chi phí tiêu thụ tại các khâu và phát động phong trào tiết kiệm trong cán bộ, công nhân Cty.

Ứng dụng sản xuất sạch hơn là một chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 1914/QĐ-TTg nhưng trên thực tế, sản xuất sạch hơn chưa được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp do nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng cũng như lợi ích kinh tế của việc ứng dụng sản xuất sạch hơn. Để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận và nhận thức đầy đủ hơn về sản xuất sạch hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến, tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến công quốc gia triển khai các mô hình ứng dụng tiên tiến./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com