Thời gian qua, việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã phát huy vai trò của cộng đồng DN và NSNN cũng từng bước được quản lý, sử dụng chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngành, các cấp triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ thu NSNN, trong đó yêu cầu quản lý chặt chẽ các nguồn thu của NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo pháp luật, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN. Ngành thuế và các địa phương đều triển khai đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và các khoản phải truy thu theo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan chức năng. Kết quả, tổng thu NSNN chín tháng ước đạt hơn 498 nghìn tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: thu nội địa ước đạt 63,8% dự toán; thu từ dầu thô đạt 99,6% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 58,9% dự toán.
Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) xây dựng trên diện tích 8.000m2 với hơn 30 phòng học và được đưa vào sử dụng trong năm học 2012-2013. Ảnh: Việt Thắng |
Với kết quả thu NSNN đó, đã đặt ra yêu cầu công tác tổ chức, điều hành NSNN phải được triển khai tích cực, chủ động, nhất là trong việc lập, phân bổ và giao dự toán NSNN đúng quy định của Luật NSNN. Theo Bộ Tài chính, số tiết kiệm 10% chi thường xuyên đạt 1.313 tỷ đồng thì NSNN vẫn luôn bảo đảm đủ nguồn để đáp ứng kịp thời theo dự toán nhiệm vụ chi trên các lĩnh vực, trong đó chi cho hoạt động đầu tư phát triển đạt 127,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,1% dự toán. Đáng chú ý, do điều kiện nguồn thu gặp khó khăn đã khiến lượng nợ xấu, nợ đọng tăng nhanh, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong đó, chỉ tính riêng số tiền nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn vốn NSNN đã lên tới con số hàng chục nghìn tỷ đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg nêu rõ những giải pháp nhằm triệt tận gốc tình trạng này theo lộ trình và thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành. Theo đó, ngay từ năm 2013, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên xử lý nợ đọng XDCB bằng nguồn vốn từ ngân sách, coi đó là chỉ tiêu bắt buộc để bảo đảm trước ngày 20-5 hằng năm phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng này. Đồng thời, các dự án mới cũng chỉ được bố trí vốn sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng theo kế hoạch. Đây cũng chính là một trong những động thái cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn (nhất là vốn ODA, vốn NSNN, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Tuy nhiên, điều mà người dân, cộng đồng DN - những thành tố đóng góp cho NSNN quan tâm chính là cùng với sự tập trung đầu tư vốn cho đầu tư phát triển và giải quyết nợ đọng thì Nhà nước cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, sao cho những đồng vốn được chắt chiu từ đóng góp của nhân dân, cộng đồng DN và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế được sử dụng tiết kiệm, đạt hiệu quả lớn nhất./.
Theo nhandan.com.vn