Khai thác tiềm năng làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

07:11, 22/11/2012

Tỉnh ta có nhiều làng nghề truyền thống từ lâu đời và từ đó hình thành nên hàng trăm làng nghề trong nông thôn. Các làng nghề cung ứng ra thị trường khối lượng lớn sản phẩm với các chủng loại phong phú, đa dạng và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương trong tỉnh.

Đặc trưng của làng nghề ở tỉnh ta phát triển khá đa dạng, phong phú gồm các ngành nghề như: cơ khí, mây tre đan, cói, sơn mài - nứa ghép, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến gỗ, dâu tằm tơ, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng cây cảnh… Những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện về vốn, mặt bằng sản xuất cho làng nghề phát triển. Bên cạnh đó, những người thợ làng nghề cũng nỗ lực tiếp cận thị trường, năng động, sáng tạo trong thiết kế mẫu mã và chủ động đổi mới công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các làng nghề trong tỉnh hiện nay phát triển ổn định, thu hút 52 nghìn hộ, 305 cơ sở sản xuất, với hơn 13 nghìn lao động. Giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2011 tăng bình quân 20-23%/năm. Trong đó, riêng năm 2011, giá trị sản xuất của làng nghề đúc Tống Xá đạt 510 tỷ đồng, làng nghề sơn mài Cát Đằng đạt 105 tỷ đồng; làng nghề cơ khí Vân Chàng đạt trên 200 tỷ đồng… Ngành nghề nông thôn đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng NTM hiện nay. Thực tế ở những địa phương có ngành nghề phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ cùng phát triển làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động; thu nhập của lao động ngành nghề ở các địa phương luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2-3 lần.

Nghề đúc nhôm ở xã Nam Thanh (Nam Trực) mang lại việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận.
Nghề đúc nhôm ở xã Nam Thanh (Nam Trực) mang lại việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận.

Sản phẩm của các làng nghề trong tỉnh có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước và một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài. Hầu hết các hộ làm nghề đều có thu nhập cao; nhiều hộ dân, nhiều làng nghề đã trở nên giàu có. Làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) có 97 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, số hộ giàu và khá chiếm 85% tổng số hộ dân trong làng. Làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) có nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn tạo nên môi trường sinh thái bền vững, sự trù phú, đặc sắc hiếm có của làng quê Việt. Huyện Hải Hậu là đơn vị tiêu biểu thành công trong việc gắn phát triển làng nghề với xây dựng NTM. Từ 5 làng nghề ban đầu, huyện đã phát động toàn dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Mỗi hộ nông dân có thêm một nghề”; “Mỗi xã có tối thiểu một làng nghề”. Theo đó, từ nay đến năm 2013, huyện chỉ đạo tiếp tục củng cố 5 làng nghề đã có và xây dựng 55 làng nghề ở các xã, thị trấn trong huyện. Cùng với xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, huyện có cơ chế tập trung quy hoạch phát triển làng nghề, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển kinh tế của từng xã, thị trấn và của huyện. Huyện tạo điều kiện cho việc dạy nghề, truyền nghề, phổ biến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, máy móc, đăng ký thương hiệu, bản quyền và một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường cho các làng nghề. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thành lập hiệp hội ngành nghề từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; ưu đãi vốn vay đầu tư sản xuất tại làng nghề; miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật với làng nghề mới, nghề mới còn gặp khó khăn. Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đã có nghề phù hợp. Năm 2012, huyện Hải Hậu đã công nhận thêm 18 làng nghề và 20 nghệ nhân làng nghề. Cùng với huyện Hải Hậu, các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên không chỉ thành công với mô hình nhân cấy nghề, gắn phát triển làng nghề với xây dựng NTM mà còn mở hướng phát triển du lịch làng nghề. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các làng nghề: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên), các làng nghề cây cảnh của các huyện Nam Trực, Hải Hậu được xác định là sản phẩm du lịch văn hoá theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương. Hiện tại, xã Nam Điền (Nam Trực) đã hình thành tour du lịch làng nghề cây cảnh Vị Khê, làng nghề đan mành tre Đỗ Xá. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản đang liên kết hình thành mô hình du lịch làng nghề truyền thống gắn với du lịch tâm linh thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, núi Gôi (Vụ Bản), tháp Chương Sơn, núi Phương Nhi (Ý Yên).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trong tỉnh vẫn còn một số tồn tại: Các làng nghề mới tập trung phát triển sản xuất hàng hoá thuần tuý song giá trị hàng hoá chưa cao, ít có sản phẩm xuất khẩu độc đáo mang đặc trưng vùng miền và hầu hết các sản phẩm đều chưa xây dựng thương hiệu. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề diễn ra ngày càng nghiêm trọng nhất là ở các làng nghề cơ khí, sơn mài, tre nứa ghép. Hạ tầng nông thôn và làng nghề còn nhiều bất cập; chưa gắn phát triển làng nghề với du lịch và chưa quan tâm đến khai thác giá trị lịch sử văn hoá của làng nghề, thiếu khu vực trưng bày giới thiệu lịch sử truyền thống làng nghề. Người dân trong làng nghề mới tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa quan tâm đến kỹ năng khai thác giá trị lịch sử văn hoá nghề. Hiện nay, chưa có nhiều tổ chức đứng ra khâu nối, liên kết các làng nghề thành những tour  du lịch gắn với lịch sử, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng trên địa bàn. Để xây dựng mô hình phát triển làng nghề gắn với xây dựng NTM mang diện mạo vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, các ngành chức năng và các địa phương cần rà soát, phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng nguồn lực phát triển ngành nghề nông thôn; xác định rõ mục tiêu, định hướng cho từng loại hình ngành nghề, từng sản phẩm. Trong việc quy hoạch xây dựng NTM, các địa phương cần dành diện tích để phát triển làng nghề, đồng thời tổ chức đào tạo nghề ngay tại cơ sở thôn xóm, làng xã và đẩy nhanh tiến độ công nhận làng nghề, xã nghề, nghệ nhân làng nghề để tạo động lực thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống. Với các địa phương đã có nghề, Nhà nước cần lập dự án phát triển nghề hiện có, cấy thêm nghề mới, nhân rộng ra nhiều hộ trong làng. Còn đối với địa phương chưa có nghề, cần lập quy hoạch ngành nghề, quy hoạch mặt bằng, xây dựng kế hoạch, dự án phát triển đưa nghề về nông thôn… Cần tiến hành khảo sát, lựa chọn những làng nghề có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí để quy hoạch chi tiết gắn với xây dựng NTM để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com