Hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam - Khoảng trống trong quản lý

08:09, 14/09/2012

Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, được người tiêu dùng đón nhận, tạo nên một thị trường mua bán hàng hóa trên in-tơ-nét khá phong phú và sôi động. Hoạt động mới mẻ này cũng trở thành giải pháp mang lại hiệu quả tốt, giúp doanh nghiệp (DN) xóa bỏ rào cản về địa lý, tăng doanh thu, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cần điều chỉnh, hoàn thiện các giải pháp giao dịch, ứng dụng và bảo đảm thông tin, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hợp pháp.

Dịch vụ sàn giao dịch

Các hình thức kinh doanh qua website TMĐT đã và đang phát triển mạnh. Nhiều doanh nghiệp tự mở website để tiếp thị và bổ sung thêm một kênh phân phối cho hàng hóa, dịch vụ của chính mình. Số khác lại lựa chọn hình thức tham gia những website sẵn có của một bên thứ ba để tiến hành hoạt động bán hàng. Những website có chức năng như một chợ ảo hay sàn giao dịch TMĐT này được tổ chức theo nhiều mô hình khá đa dạng như website mua theo nhóm, chợ điện tử, rao vặt, diễn đàn, kênh mua sắm trên các mạng xã hội, sàn bất động sản... Điểm chung lớn nhất của những website dạng này là cung cấp một không gian mở trên môi trường trực tuyến để người mua và người bán gặp gỡ, kết nối nhu cầu và tiến hành giao dịch. Trong những giao dịch đó, đơn vị chủ sở hữu website chỉ đóng vai trò bên thứ ba, cung cấp hạ tầng chứ không trực tiếp tham gia các nội dung giao dịch giữa người mua và người bán.

Người tiêu dùng Việt Nam khá dễ tính và chưa được trang bị kiến thức đầy đủ khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử (trong ảnh: Trang web muachung.vn được khách hàng tín nhiệm). Ảnh: An Thành Đạt
Người tiêu dùng Việt Nam khá dễ tính và chưa được trang bị kiến thức đầy đủ khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử (trong ảnh: Trang web muachung.vn được khách hàng tín nhiệm). Ảnh: Internet

Thực tiễn cho thấy, các website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có nhiều mô hình kinh doanh và cách thức tổ chức hoạt động khá đa dạng. Phổ biến nhất là các mô hình như sàn giao dịch điện tử được tổ chức theo mô hình trung tâm thương mại hoặc chợ điện tử, nơi các thành viên được mở "gian hàng ảo" và có quyền quản lý, cập nhật thông tin, hình ảnh trên các gian hàng đó; website cung cấp dịch vụ kinh doanh theo nhóm; website rao vặt, diễn đàn... Trong các loại hình sàn giao dịch TMĐT, website kinh doanh dịch vụ mua theo nhóm có nét khá đặc thù do chuyên khai thác những dịch vụ, hàng hóa được khuyến mại. Với mô hình này, DN sở hữu sàn giao dịch TMĐT tuân thủ các quy định về quảng cáo và khuyến mại, trong đó cần lưu ý quy định không khuyến mại quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ... Mặc dù không phải là bên trực tiếp thực hiện khuyến mại đến người mua, nhưng DN kinh doanh dịch vụ mua theo nhóm phải thỏa thuận với các đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tuân thủ quy định này; đồng thời không được quảng cáo những mức khuyến mại vượt quá quy định trên website của mình.

Khuyến cáo website "đa cấp"

Thời gian gần đây, chúng ta đã khám phá, xử lý một số website TMĐT như muaban24..., shop360... bán hàng đa cấp trá hình núp bóng danh nghĩa sàn TMĐT mà rất nhiều người đã đổ tiền vào đây. Những DN dạng này đã thiết lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, trên đó cho phép những thành viên đã nộp tiền được mở một gian hàng ảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Mỗi thành viên giới thiệu người khác tham gia mua gian hàng ảo được hưởng hoa hồng vài chục phần trăm (tổng số tiền hoa hồng có thể lên đến vài trăm triệu đồng...). Kết quả là hầu hết gian hàng trên các website dạng này đều trống, không có thông tin gì về chủ gian hàng cũng như sản phẩm cần bán. Các DN lợi dụng danh nghĩa hoạt động TMĐT để thu lợi từ việc lôi kéo người tham gia website, trong khi không tập trung nâng cao chất lượng thông tin trên website, và đang làm tổn hại tới lòng tin của cộng đồng, cản trở sự phát triển của lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam.

Đại diện Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công thương) đã ra khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia những website nói trên và kêu gọi các cá nhân, tổ chức phản ánh hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật của các DN kinh doanh TMĐT với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Quản lý và sử dụng thông tin  

Ở nước ta, vấn đề thông tin cá nhân (TTCN) hầu như chưa được các cơ quan chức năng và người tiêu dùng quan tâm thích đáng. Điều này xuất phát từ lý do TTCN là vấn đề khá mới mẻ và chỉ nổi lên cùng với sự phát triển của TMĐT. Những vụ lấy trộm thông tin về tài khoản ngân hàng, làm giả thẻ thanh toán để mua hàng trên mạng hay rút tiền thời gian qua là minh chứng về tác hại của việc TTCN bị xâm phạm, tiết lộ.

Lướt qua rất nhiều website TMĐT và website của các DN Việt Nam, bên cạnh những trang có uy tín thì phần lớn các website này không có một cam kết hay tuyên bố gì về việc bảo đảm giữ bí mật các TTCN mà họ thu thập được khi khách hàng điền những thông tin về mình khi mua hàng. Khách hàng cũng không được biết những thông tin điền vào sẽ được sử dụng cho mục đích gì ngoài việc phục vụ cho giao dịch thương mại đang tiến hành. Điều này phản ánh nhận thức của các DN về vấn đề TTCN còn thấp, mặt khác cũng cho thấy người tiêu dùng còn khá "dễ tính" khi không để ý đến việc website mà mình ghé thăm hoặc mua hàng có chính sách bảo vệ TTCN thích đáng hay không.  

Để bảo vệ lợi ích của các bên khi tham gia TMĐT, các chuyên gia khuyến nghị cơ quan chức năng cần tham khảo các mô hình nước ngoài về bảo vệ thông tin cá nhân trong TMĐT; tăng cường năng lực cho các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Về phía các DN, ngoài việc tuân thủ luật pháp cần tích cực tham gia các chương trình chứng thực như chương trình cấp chứng nhận website TMĐT uy tín, TrustVn... Ngoài ra, bản thân người tiêu dùng cần nâng cao ý thức về bảo vệ TTCN; chỉ cung cấp thông tin cho những tổ chức có quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, Nghị định 57/2006/NĐ-CP cần được bổ sung, sửa đổi; từng bước thay thế bằng Nghị định về thương mại. Có như vậy mới có khả năng áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và bắt kịp với tốc độ phát triển của TMĐT ở Việt Nam cũng như trên thế giới./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com