Năm 2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; các đơn vị, lực lượng chức năng, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tai nạn giao thông tỉnh ta đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước: số vụ giảm 8 vụ (tương đương 5,7%); giảm 9 người chết (tương đương 13,8%) và giảm 7 người bị thương (tương đương 6,2%); không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) phối hợp với Công an huyện Trực Ninh kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tải trọng xe tại thị trấn Cát Thành (Trực Ninh). |
Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, các sở, ngành thành viên và UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT được các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai đa dạng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân. Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông phát 10 nghìn tờ rơi về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cho đội ngũ lái xe, phụ xe tại khu vực Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động, Trung tâm Đăng kiểm và các bến xe khách trên địa bàn tỉnh; 50 nghìn tờ rơi phổ biến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải đường bộ bằng xe ô tô; tuyên truyền về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông, bảo vệ hành lang đường bộ... Phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các chủ phương tiện chở khách ngang sông chấp hành nghiêm các quy định về vận tải hành khách, phân công lực lượng kiểm tra chấn chỉnh các vi phạm lòng, lề đường làm nơi buôn bán hàng hóa... Công an tỉnh phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng và đăng phát 251 tin, bài tuyên truyền về ATGT. Phối hợp Ban Giám hiệu các trường học tổ chức nói chuyện chuyên đề về ATGT cho 61 trường; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho gần 20 nghìn giáo viên, học sinh của 45 trường. Văn phòng Ban ATGT tỉnh sử dụng xe ô tô tuyên truyền lưu động phòng, chống tai nạn giao thông do uống rượu, bia; hành lang ATGT đường bộ; phòng chống tai nạn giao thông đường sắt; cấp phát 11 nghìn cuốn. Cẩm nang phòng, chống tai nạn giao thông do uống rượu, bia; 5.500 logo phòng chống rượu bia cho các đơn vị, địa phương. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT cũng được các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt. Trong đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông và các lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã, phường, thị trấn tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm theo chức năng trên các tuyến, địa bàn trọng điểm theo phân công, phân cấp; triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề như: kiểm soát tải trọng xe; nồng độ cồn; xe khách, xe tải lớn, xe mô tô, vi phạm về khai thác cát, sỏi trái phép… gắn với công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến, phương tiện giao thông. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động của 8 bến khách ngang sông do giấy phép mở bến hết hạn; Thanh tra Giao thông phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa Nam Định triển khai kiểm tra cảng, bến thủy nội địa năm 2020 lập 27 biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 145 triệu đồng. Trong năm 2020 lực lượng chức năng (Công an tỉnh và Thanh tra Giao thông) đã phát hiện xử lý 38.291 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền trên 32,6 tỷ đồng.
Với mục tiêu giảm tai nạn giao thông so với năm 2020 từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện hiệu quả chủ đề Năm ATGT 2021 "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT"; chủ động triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh về công tác đảm bảo trật tự ATGT. Để thực hiện và hoàn thành được mục tiêu đó, năm 2021 các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự ATGT, thực hiện nếp sống "Văn hóa giao thông". Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Sở Giao thông Vận tải rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo; phát hiện những điểm, cung đường có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao để có biện pháp sớm khắc phục.
Ban ATGT địa phương tham mưu cho UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự ATGT; rà soát, thống kê các điểm giao cắt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương để làm gờ giảm tốc, biển báo… góp phần giảm tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe gắn máy trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực nông thôn; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền trật tự ATGT trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò các tổ tự quản ATGT để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động người dân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; có trách nhiệm quản lý lòng đường, vỉa hè, vận động nhân dân không dựng rạp hiếu, hỉ trên đường giao thông; thực hiện thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, lấn chiếm, xâm hại hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn quản lý. Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh, Đội Thanh tra An toàn số 3 (Cục Đường sắt Việt Nam) các đơn vị của ngành đường sắt trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các cơ quan đơn vị của địa phương để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; tuyên truyền phổ biến Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật đến các tầng lớp nhân dân.
UBND, Ban ATGT các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT; quản lý lòng đường, vỉa hè, vận động nhân dân không dựng rạp hiếu, hỉ trên đường giao thông, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. Các đơn vị liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra liên ngành giải quyết các vấn đề gây mất trật tự ATGT đường thủy; rà soát thống kê các điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xử lý./.
Bài và ảnh: Thành Trung