Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước"

07:12, 14/12/2020

Kế thừa và phát huy kết quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2011-2015, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động giai đoạn 2016-2020 gắn với bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa kịp thời, sát với thực tế của các địa phương. Từ năm 2016 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành; sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân, cuộc vận động đã đi vào cuộc sống, tạo môi trường an toàn, văn hóa trong các hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa. Hoạt động vận tải hành khách ngang sông được đảm bảo tuyệt đối an toàn; các mô hình điểm được duy trì, phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt và lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Bến phà Đống Cao (Nghĩa Hưng) luôn chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo trât tự ATGT đường thủy nội địa trong hoạt động vận tải hành khách ngang sông.
Bến phà Đống Cao (Nghĩa Hưng) luôn chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo trât tự ATGT đường thủy nội địa trong hoạt động vận tải hành khách ngang sông.

Hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa của tỉnh ta khá đa dạng gồm 4 sông Trung ương: Hồng, Đào, Đáy, Ninh Cơ và các sông nhánh, kênh với tổng chiều dài 536km (không kể 1.130km kênh nội đồng), 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long nằm trên hệ thống vận tải đường thủy nội địa quan trọng Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình nên có hàng trăm lượt tàu, thuyền/ngày, đêm qua lại. Toàn tỉnh có 101 bến khách ngang sông nội tỉnh và liên tỉnh với 82 phương tiện chở khách, nhiều cầu cảng, bến bãi bốc dỡ, kinh doanh vật liệu ven sông... Bên cạnh đó, các tuyến giao thông đường thủy nội địa của tỉnh ta không đồng cấp, khả năng kết nối liên hoàn với giao thông đường thủy vùng và toàn quốc chưa cao; hiện tượng khai thác cát, sỏi dưới lòng sông không theo quy hoạch hay sai quy trình công nghệ tác động tiêu cực đến luồng tuyến; hoạt động xếp dỡ hàng hoá và quản lý cảng, bến thuỷ nội địa vẫn còn nhiều bất cập; lực lượng phương tiện phát triển không đồng đều... là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự ATGT đường thủy. Trước thực trạng đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, UBND tỉnh, Ban ATGT đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên, UBND các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú các nội dung của phong trào “văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; Luật Giao thông đường thủy nội địa kết hợp với công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên tuyến đường thủy. Trong 5 năm thực hiện cuộc vận động, Ban ATGT tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã phát 2.500 tờ rơi cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy, đuối nước trẻ em; căng treo hàng chục pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các mô hình điểm; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh đăng, phát gần 100 tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền về đảm bảo ATGT đường thủy; tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung của cuộc vận động trong các buổi sinh hoạt cộng đồng ở cấp thôn, xóm, tổ dân phố và các trường học. Để khuyến khích người đi đò mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, động viên chủ bến đò và người điều khiển phương tiện có ý thức trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh. Trong giai đoạn 2016-2020, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương tặng 650 áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho các bến khách ngang sông trọng điểm của tỉnh. Duy trì cụm pa nô tuyên truyền về cuộc vận động tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc (Xuân Trường) và bến phà Đại Nội (Trực Ninh) để người tham gia giao thông nâng cao nhận thức sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy. Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động các mô hình: “bến phà văn hóa - an toàn” tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc, xã Xuân Châu; “bến đò văn hóa - an toàn” tại bến đò Sòng, xã Xuân Hồng (Xuân Trường); “đoạn, tuyến sông văn hóa - an toàn” tại kênh Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) và tuyến sông Đào (thành phố Nam Định); “cầu phao Ninh Cường văn hóa, văn minh an toàn” trên tuyến sông Ninh Cơ (địa bàn huyện Trực Ninh). Ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý người lái, phương tiện vận tải thủy và việc chấp hành các quy định pháp luật về ATGT trong vận tải đường thủy. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm kết hợp tuyên truyền các quy định về trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh an toàn của phương tiện; xử lý người đi đò cố tình không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi khi qua sông; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thủy, bến khách khi không đủ điều kiện hoạt động an toàn như: thiếu giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái không phù hợp, không trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh… Trong giai đoạn 2016-2020, Công an tỉnh qua công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy, phạt vi phạm hành chính trên 5,3 tỷ đồng; kiểm tra, xử lý 72 phương tiện tiện khai thác tài nguyên trái phép, phạt vi phạm hành chính 1,524 tỷ đồng, tịch thu gần 1.328,4m3 cát; phối hợp với lực lượng liên ngành kiểm tra, xử lý 34 bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy, phạt vi phạm hành chính 275 triệu đồng. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường thủy.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã đề ra 3 nhóm giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu cuộc vận động, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các sở, ngành thành viên; Ban ATGT các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi cá nhân, cộng đồng nghiêm túc, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa. Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục liên quan đến công tác: kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; đăng ký hành chính phương tiện thủy nội địa; đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn; cấp giấy phép mở cảng, bến thủy nội địa, hoạt động khai thác, kinh doanh vận tải thủy; tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cuộc vận động “văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Thành Trung


 



Đăng ký tài khoản taobao trên điện thoại Cách mua hàng taobao chất lượng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com