Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì 41,15km đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định đi qua địa phận thành phố Nam Định và 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên. Các khu vực tuyến chạy qua là đô thị, dân cư đông đúc, mật độ phương tiện cơ giới tham gia giao thông cao. Mặt khác, đường sắt lại luôn chạy song song, liền kề với các Quốc lộ 1A, 10, 21 phát sinh nhiều điểm giao cắt đường bộ qua đường sắt.
Ngay từ đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh; tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt. Đề cao vai trò của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, Công ty đã phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh xây dựng các phóng sự chuyên đề tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền Luật Đường sắt và các văn bản pháp luật liên quan tới các hộ dân sống dọc theo đường sắt theo hình thức phát tờ rơi. Phối hợp với Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tại các trường học. Công ty đã tích cực phối hợp với UBND huyện Ý Yên, thành phố Nam Định, Đội Thanh tra An toàn số 3 (Cục Đường sắt Việt Nam) thực hiện tốt công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Đã hoàn thành giải tỏa các điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn huyện Ý Yên từ Km103+500 đến Km111+635. Phối hợp UBND phường Văn Miếu (thành phố Nam Định giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt tại vị trí Km87+030 đến Km87+700.
Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đầu tư nâng cấp đoạn đường sắt nằm trên địa phận huyện Vụ Bản (từ Km94+200 đến Km98+700). |
Công ty đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, thành phố duy trì mô hình cảnh giới, chốt gác ATGT tại 12 vị trí giao cắt nguy hiểm trên địa bàn, trong đó huyện Mỹ Lộc có 3 vị trí; thành phố Nam Định và huyện Ý Yên mỗi đơn vị có 4 vị trí; huyện Vụ Bản có 1 vị trí. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra, rà soát các lối đi tự mở trên toàn tuyến để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch xử lý các lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cung cấp dữ liệu trích xuất từ camera tại đường ngang có người gác để phối hợp lực lượng Công an điều tra các vụ tai nạn giao thông. Đưa vào khai thác, sử dụng 4 đường ngang phòng vệ bằng biển báo mới được nâng cấp lên thành đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động tại Km76+405 xã Hiển Khánh, Km97+450 và Km 97+790 xã Liên Minh (Vụ Bản); Km 106+075 xã Yên Tiến (Ý Yên), nâng cấp 1 đường ngang phòng vệ bằng biển báo lên thành đường ngang có người gác tại Km107+450 xã Yên Tiến (Ý Yên). Trước đây, tại 5 vị trí đường ngang này các phương tiện từ phía trong làng ra khi qua đường sắt thường dừng ngay trên đường ngang quan sát để chờ nhập làn vào các quốc lộ, người lái xe chỉ chú ý quan sát đường bộ mà không chú ý đến tàu hỏa nên hay xảy ra các vụ tai nạn đường sắt do khi phát hiện tàu đến người lái xe không kịp xử lý tránh. Ngược lại, các phương tiện chuyển làn từ các quốc lộ rẽ vào do chênh lệch cốt đường lớn, độ dốc cao thường gây chết máy trên đường ngang, nhiều trường hợp đang trên đường ngang khi thấy tàu lúng túng không đạp chân ga mà lại đạp chân phanh và không kịp thoát qua đường ngang nên gặp tai nạn. Từ khi có cần chắn tự động buộc phải dừng lại nên các vụ tai nạn giao thông đường sắt tại đường ngang được giảm thiểu. Phối hợp với UBND thành phố Nam Định giải phóng mặt bằng để xây dựng đường gom từ Km84+100 đến Km84+833 thuộc địa bàn phường Lộc Hòa; đóng một số lối đi tự mở để đi chung tại địa bàn xã Lộc An. Cùng với đó, Công ty đã đầu tư nâng cấp đoạn đường sắt nằm trên địa phận huyện Vụ Bản (từ Km94+200 đến Km 98+700), thay 256 thanh ray P50, lắp đặt 6.209 thanh tà vẹt và phụ kiện đồng bộ; bổ sung 7.604m3 đá ba lát nhằm đảm bảo tàu chạy êm thuận. Đầu tư nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn tuyến đường sắt từ Km73+332 thuộc xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đến Km111+405 thuộc xã Yên Bằng (Ý Yên) bằng nguồn vốn trung hạn dành cho đường sắt với các hạng mục: đặt thêm đường ga Cát Đằng (Ý Yên); xây dựng mái che, ke ga Nam Định, nâng cấp, cải tạo nền đường, kiến trúc tầng trên của đoạn đường sắt trên, xây dựng đường gom và hàng rào đoạn thuộc phường Văn Miếu, xã Lộc An (thành phố Nam Định) và đoạn qua xã Yên Tiến (Ý Yên)... Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, trong năm 2020, tình hình đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đường sắt giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Tính đến ngày 30-11-2020, toàn tỉnh chỉ xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt (giảm 7 vụ), làm 4 người chết (giảm 2 người), 2 người bị thương (giảm 5 người). Giảm được 36 lối đi tự mở qua đường sắt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình thực hiện công tác phối hợp đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: việc xây dựng đường gom từ Km84+100 đến Km84+883 thuộc địa bàn phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) đã có đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động để cho các phương tiện qua lại an toàn nhưng vẫn tồn tại 2 lối đi tự mở không xóa được tại lý trình Km84+180 và Km84+502. Hai lối đi tự mở này đều có ô tô qua lại nên là nguy cơ trực tiếp gây mất ATGT đường sắt. Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực từ 1-7-2018 và các Nghị định: số 56/2018/NĐ-CP ngày 16-4-2018 và số 65/2018/NĐ-CP ngày 12-5-2018 đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương trong công tác xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt, mở lối đi qua đường sắt. Tuy nhiên, khi có vụ việc vi phạm xảy ra trên địa bàn, chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn sở tại rất bị động, mọi vấn đề giải quyết ban đầu đều do doanh nghiệp phải chủ động mà doanh nghiệp thì không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nên hiệu quả thấp. Ý thức của một số người khi đi qua đường ngang cảnh báo tự động kém cố tình vượt đèn đỏ. Hành vi vượt đèn đỏ tại các đường ngang cảnh báo bằng cần chắn tự động rất nguy hiểm, diễn ra thường xuyên là nguyên nhân chính gây ra nhiều sự việc đáng tiếc với hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Đường sắt tổ chức các cuộc tuần tra, kiểm soát, tăng cường phạt nguội các phương tiện cố tình vi phạm. Ban ATGT các huyện, thành phố Nam Định cần chủ động trong việc tổ chức cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng lớn hơn 3m mà không thể xóa bỏ, thu hẹp. Trước mắt đề nghị cảnh giới chốt gác lối đi tự mở công cộng tại Km77+160 thuộc xã Hiển Khánh (Vụ Bản), Km105+750 thuộc xã Yên Ninh và Km109+344 thuộc xã Yên Bằng (Ý Yên). Để đảm bảo an toàn, các địa phương cần đầu tư kinh phí để lát mặt đường êm thuận qua các lối đi tự mở công cộng theo thiết kế đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Trong năm 2021, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh tiếp tục đầu tư kinh phí để nâng cấp 1 vị trí đường ngang đang sử dụng biển báo vốn là điểm đen tai nạn giao thông đường sắt lên thành đường ngang có người gác tại Km101+290 thuộc địa bàn thị trấn Gôi (Vụ Bản), phấn đấu không còn đường ngang phòng vệ bằng biển báo. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, trước mắt là dịp cao điểm tết và lễ hội đầu xuân. Rà soát, kiểm tra các điều kiện an toàn trên các đường ngang, triển khai cảnh giới tại những điểm giao cắt có nhiều phương tiện qua lại trong thời gian cao điểm để đảm bảo ATGT đường sắt; tăng cường công tác thông tin, liên lạc giữa đơn vị đường sắt và địa phương để chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những sự cố phát sinh, ngăn chặn các hành vi vi phạm ATGT đường sắt./.
Bài và ảnh: Thành Trung