Nhằm tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại để tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải bằng xe ô tô hoạt động ổn định, phát triển; thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời vẫn duy trì siết chặt những yêu cầu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong kinh doanh vận tải, ngày 17-1-2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (Nghị định số 10) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định số 10 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2020, thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014. Ngày 29-5-2020 Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT (Thông tư số 12) quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7-2020.
Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô tại Bến xe Nam Định. |
Những năm qua, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô tỉnh ta đã từng bước đi vào nền nếp, chất lượng không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa giao thương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động kinh doanh vận tải ô tô tỉnh ta vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần quan tâm như: vẫn còn tình trạng xe ô tô đón khách đi các tuyến tỉnh ngoài nhưng không có hai đầu bến; xe ô tô vận chuyển hành khách theo dạng hợp đồng nhưng không có hợp đồng, không có danh sách hành khách theo quy định; xe tiện chuyến sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo) để bắt khách... Thực trạng này gây nhiều nguy cơ mất ATGT tiềm ẩn rủi ro cho hành khách, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước của ngành chức năng. Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Nghị định số 10, Thông tư số 12 được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy những kết quả, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng các phần mềm kết nối, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; đồng thời siết chặt quản lý hoạt động vận tải, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng “xe dù, bến cóc”. Theo ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định: “Nghị định số 10 đã phân định rõ khái niệm “đơn vị kinh doanh vận tải” và “đơn vị cung cấp hỗ trợ kết nối vận tải”; điều chỉnh một số nội dung quy định để xử lý hiệu quả tình trạng “xe dù, bến cóc” và xe hợp đồng hoạt động trá hình xe chạy tuyến cố định; đặc biệt là quy định bắt buộc lắp camera trên xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải không chỉ hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước mà còn góp phần bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Còn Thông tư số 12 có quy định bắt buộc phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, đồng thời phân định rõ các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô như: ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; xe taxi, xe vận tải hành khách tuyến cố định, xe trung chuyển hành khách”. Theo Nghị định số 10, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300km, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300km trở xuống… Trước ngày 1-7-2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên, xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, Thanh tra Giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất (xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km); tối thiểu 72 giờ gần nhất (xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km). Theo quy định tại Thông tư số 12, xe vận tải hành khách theo tuyến cố định phải đảm bảo các quy định trong cùng một thời điểm, mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 2 tuyến vận tải hành khách cố định, các tuyến này được phép nối tiếp nhau (có bến xe nơi đến của tuyến đã kết thúc hành trình là bến xe nơi đi của tuyến tiếp theo). Xe trung chuyển có niên hạn được tính theo quy định về niên hạn của xe ô tô chở người (tại Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ); phải niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã (kích thước tối thiểu chiều dài, rộng là 20cm); phù hiệu xe theo mẫu quy định được dán tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe. Ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (gồm hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử) phải niêm yết một số thông tin cần thiết như tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu dài 20cm, rộng 20cm ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe; dán cố định cụm từ “xe hợp đồng” (bằng vật liệu phản quang theo mẫu quy định) trên kính phía trước và kính phía sau xe, đồng thời xe phải có phù hiệu “xe hợp đồng” theo mẫu quy định. Xe taxi phải niêm yết các thông tin như tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu dài là 20cm, rộng là 20cm hai bên cánh cửa xe. Nếu không gắn hộp đèn thì xe taxi phải dán cố định cụm từ “xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe theo mẫu quy định; trong xe phải có bảng giá cước tính tiền (theo số km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả, cũng như bảng hướng dẫn về ATGT và thoát hiểm cho hành khách.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 6-2020, Sở GTVT đã tổ chức hội nghị tập huấn các quy định mới về hoạt động vận tải bằng xe ô tô cho lãnh đạo Phòng Công Thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố Nam Định; Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định; các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh... Để thực hiện tốt các quy định mới trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải; bến xe trong tỉnh chủ động nghiên cứu các quy định mới của Chính phủ, Bộ GTVT để thực hiện. Đặc biệt là quy định về lắp camera giám sát hành trình và người điều hành vận tải (người điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã) phải có trình độ chuyên môn về vận tải. Để thực hiện quy định này, Sở GTVT đã chỉ đạo Trường Trung cấp GTVT phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Nam Định tổ chức các lớp đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp vận tải cho lãnh đạo và người điều hành vận tải của các đơn vị vận tải trên địa bàn đảm bảo đúng quy định. Sở cũng yêu cầu lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với các phòng, ban, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong công tác vận tải, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định số 10 và Thông tư số 12. Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện và người lái chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định mới về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị vận tải, các bến xe triển khai thực hiện đảm bảo đúng lộ trình quy định; tổng hợp các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai, tham mưu kịp thời cho Sở báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được hướng dẫn thực hiện đúng. Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cũng đã triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp thành viên tích cực nghiên cứu, phổ biến đến lái xe, phụ xe, nắm rõ các nội dung, quy định mới của Nghị định số 10; Thông tư số 12 để triển khai thực hiện. Trong tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định đã tổ chức 1 lớp đào tạo nghiệp vụ vận tải sơ cấp (thời gian 3 tháng) cho 41 học viên là người điều hành hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải thành viên./.
Bài và ảnh: Thành Trung