Năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 141 vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, làm chết 65 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản hơn 2,5 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 5 vụ, giảm 4 người chết, giảm 18 người bị thương. Tuyến đường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đó là quốc lộ có 56 vụ, đường nội thị 27 vụ, đường giao thông nông thôn 25 vụ, còn lại thuộc các tuyến tỉnh lộ, cao tốc, đường nối vào cao tốc. Phương tiện gây ra nhiều tai nạn vẫn là mô tô 74 vụ, ô tô 38 vụ, tiếp theo là xe tự chế, xe đạp, xe máy điện. Nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý quan sát, đi sai phần đường, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách, vượt sai quy định, sử dụng rượu bia.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong những ngày cuối năm. |
Đóng góp vào quá trình đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) đã tham mưu, ban hành 32 công văn, kế hoạch và trực tiếp triển khai 70 văn bản chỉ đạo công tác nghiệp vụ; thực hiện 7 đợt cao điểm, 5 phương án bảo đảm an toàn các sự kiện lớn, 12 chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, chở quá tải, xe khách vi phạm, khai thác cát sỏi trái phép. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho lãnh đạo đơn vị, Ban An toàn giao thông địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách; huy động tối đa lực lượng kết hợp với Công an xã, thị trấn thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Trong năm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho 81.255 giáo viên, học sinh, người lao động ở 84 trường học, 121 đơn vị kinh doanh vận tải, 22.655 hộ dân, 309 lái xe, 17 bến đò ngang và hàng trăm lượt người tham gia giao thông đường thủy. Duy trì hoạt động của 18 mô hình tự quản về giao thông trật tự với 539 tổ, nhóm được thành lập; phát động hưởng ứng xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên; triển khai hiệu quả tuyến đường an toàn giao thông và cổng trường an toàn giao thông. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên lĩnh vực đường bộ được chú trọng. Phòng Cảnh sát giao thông thường xuyên phân công lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tổ chức hoạt động liên tục 24/24 giờ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây nhiều tai nạn như vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, tốc độ, chở quá trọng tải, quá số người cho phép, chở hàng cồng kềnh, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đi sai phần đường, người ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thành phố tăng cường tuần tra trên địa bàn quản lý, tập trung vào những giờ cao điểm, địa bàn phức tạp, xử lý các vi phạm theo chuyên đề; huy động Công an các xã, thị trấn tham gia tuần tra, hướng dẫn giao thông, xử lý vi phạm ở những thời điểm mật độ tham gia giao thông tăng cao, trong dịp diễn ra lễ hội, sự kiện văn hóa, chính trị, thể dục thể thao, giờ tan tầm. Trên lĩnh vực đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đã tích cực tham mưu Ban An toàn giao thông tỉnh thực hiện một số giải pháp giảm thiểu vi phạm, ngăn chặn hộ dân tự ý mở đường ngang; duy trì số điện thoại đường dây nóng của Công an các huyện, thành phố và các đơn vị chức năng ngành đường sắt để giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra. Trên tuyến đường thủy nội địa, lực lượng Cảnh sát giao thông tích cực phối hợp với các địa phương nắm chắc kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến sông chính, địa bàn trọng điểm; xây dựng nhiều phương án, bố trí lực lượng, phương tiện duy trì tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Trong năm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản, xử lý 50.276 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; phạt tiền hơn 28 tỷ đồng.
Những ngày này, lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh đang tích cực thực hiện Kế hoạch số 385 của Bộ Công an; Kế hoạch số 5335 của Cục Cảnh sát giao thông; Kế hoạch số 1838 của Giám đốc Công an tỉnh về mở cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu Xuân mới 2020. Theo đó, toàn lực lượng tăng cường phối hợp mở chiến dịch tuyên truyền về an toàn giao thông; kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là các lỗi dẫn đến nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông như lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy, thanh thiếu niên vi phạm, lạng lách đánh võng, chở quá số người, gây rối trật tự công cộng. Bố trí lực lượng điều hòa, hướng dẫn giao thông tại địa bàn thành phố Nam Định, các thị trấn, thị tứ, điểm nút dễ xảy ra ùn tắc. Kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm an toàn giao thông các đường ngang qua đường sắt có mật độ giao thông phức tạp, đường dân sinh, lối mở trái phép. Tăng cường kiểm tra các bến khách ngang sông, xử lý phương tiện thủy không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm... Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ triển khai các phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh như Đền Trần, Chợ Viềng Xuân. Trong đợt cao điểm này, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để ùn tắc giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, góp phần bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu Xuân mới./.
Bài và ảnh: Xuân Thu