Để sẵn sàng ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu gây thiên tai bất thường trái quy luật, ngành Giao thông Vận tải đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão.
Bến phà Phú Lễ (Hải Hậu) luôn nghiêm túc chấp hành quy định an toàn giao thông đường thủy. |
Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo vật tư dự phòng, bố trí phương tiện, lực lượng tại chỗ, có kế hoạch huy động nhân lực các địa phương để kịp thời xử lý sự cố hư hỏng cầu đường, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hiện Văn phòng Sở đã rà soát, kiểm tra chất lượng vật tư dự trữ được giao, gồm: 11 bộ nhà bạt, 1.550 phao tròn cứu sinh, 12 phao bè composite, 530 áo phao cứu sinh. Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định đã chuẩn bị dự phòng 2 bộ dầm benley dài 24-30m, 1 dầm chữ I dài 30m, 1 cầu úp 6m, 4 bộ nhà bạt 16,5m2, 55 phao tròn, 1 phao bè, 65 áo phao cứu sinh, 4 ca nô từ 90 đến 135CV và đã sửa chữa hệ thống phà, phao, pông tông tại các điểm vượt sông đảm bảo hoạt động an toàn. Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam đã chuẩn bị 1 xuồng cao tốc ST450, 3 bộ nhà bạt 16,5m2, 45 phao tròn, 1 phao bè, 55 áo phao cứu sinh. Tại các điểm dễ xảy ra sụt trượt nền đường, các Cung, Hạt quản lý đã dự trữ vật tư với số lượng mỗi điểm khoảng: 120m3 đá, 100m3 đất thịt, 5-7 chiếc dao, cưa; các bến vượt sông dự trữ khoảng 1.000 lít dầu diezen và các loại cáp, chão nilon, xà beng, cuốc chim, đèn bão, sào chống và điều kiện hậu cần thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, thuốc dự phòng y tế. Theo kế hoạch phân công của Sở, 11 đơn vị vận tải đã báo cáo danh sách huy động phương tiện, người lái, số điện thoại liên hệ, gửi về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngành; trong đó tổng số gồm 10 xe khách, 10 xe tải, 1 ca nô, 1 phà lai dắt, 1 phà tự hành. Rút kinh nghiệm mùa bão lũ năm 2018, một số địa phương không huy động được phương tiện, người lái theo danh sách phục vụ công tác khắc phục sự cố sau bão với lý do xe đang hoạt động trên tuyến, năm 2019 Sở Giao thông Vận tải đảm bảo sẽ thanh toán mọi chi phí theo quy định hiện hành đối với các phương tiện được huy động, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, lái xe phải nghiêm túc chấp hành lệnh điều động đến bàn giao người và phương tiện cho đơn vị nhận tại địa điểm tập kết và trực tiếp theo dõi, đôn đốc quá trình hoạt động theo lệnh điều động. Hiện nay, hệ thống đường bộ toàn tỉnh có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, 5 tuyến quốc lộ (10, 21, 21B, 37B, 38B), 12 tuyến đường tỉnh, 51 tuyến đường huyện và các tuyến đường đô thị, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo đảm bảo liên hoàn, thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam, Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định tiến hành duy tu sửa chữa các tuyến đường bộ trước mùa mưa bão, tập trung phát cây, dãy cỏ, nạo vét cống rãnh, bạt lề, vá ổ gà mặt đường; giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giữ cho đường thông hè thoáng, đảm bảo thoát nước mặt đường, khơi thông dòng chảy phục vụ phòng chống lụt bão. Đối với các tuyến đường đang thi công như đường trục phát triển nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, 10 tuyến giao thông nông thôn thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương cùng nhiều công trình cầu đường bộ do các địa phương làm chủ đầu tư. Chuẩn bị khởi công cải tạo, nâng cấp hai tuyến tỉnh lộ 485B, 487B, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quản lý vật tư, máy móc trên công trường, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Từ trung tuần tháng 4, Sở Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn trên toàn hệ thống giao thông đường thủy, gồm 1 kênh Quần Liêu nối sông Đáy, các sông lớn Hồng, Đào, Đáy, Ninh Cơ do Trung ương quản lý và 267km sông địa phương với rất nhiều cầu, cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông). Trong đó, đặc biệt quan tâm kiểm tra công tác nạo vét âu dấu, nạo vét đầu bến của các điểm vượt sông, gồm: phà Sa Cao - Thái Hạc, phà Thanh Đại, cầu phao Ninh Cường; kiểm tra hệ thống biển báo hiệu đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, công tác sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy theo quy định; kiểm tra và yêu cầu các bến chở khách ngang sông thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo đủ điều kiện an toàn, giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái và trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, bảo hiểm đối với phương tiện… Khi xảy ra bão lũ, phải cất giấu các phương tiện phao, phà tại các điểm vượt sông; một số tuyến đê, kè có nguy cơ xảy ra sạt lở, có thể gây ách tắc giao thông nên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngành Giao thông Vận tải cũng xây dựng phương án sử dụng các tuyến đường để phân luồng giao thông gồm: các tuyến tỉnh lộ 487, 488, 489C, 488C, 490C và tuyến đường huyện Chợ Lời - Đại Thắng (Vụ Bản). Hiện kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Sở Giao thông Vận tải đang được các đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương triển khai tích cực. Các địa phương có bến khách ngang sông đã tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa cho các chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông; trong đó chú trọng tuyên truyền quy định về đăng ký, đăng kiểm, chở đúng công năng, không chở quá tải, quá số người quy định, yêu cầu hành khách phải mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay; tiến hành kiểm tra tất cả các bến khách ngang sông; nghiêm túc xử lý các vi phạm về an toàn giao thông đường thủy nội địa, kiên quyết đình chỉ hoạt động bến khách và phương tiện chở khách ngang sông không đủ các điều kiện an toàn theo quy định.
Để việc ứng cứu được thực hiện kịp thời khi bão, lũ ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Giao thông Vận tải và các đơn vị đảm bảo thực hiện nghiêm chế độ trực trong mùa mưa bão, sẵn sàng ứng phó xử lý các tình huống xảy ra. Toàn ngành phấn đấu bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, giao thông của tỉnh an toàn, thông suốt trong mùa bão, lũ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy