Cần quyết liệt trong xử lý xe quá tải trọng

08:04, 09/04/2019

Năm 2013, với việc triển khai Kế hoạch liên ngành giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an, cuộc chiến chống xe quá tải trọng được triển khai  đồng loạt và thực sự đạt hiệu quả trên toàn quốc. Sự phối hợp giữa lực lượng Công an và Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải) tại trạm kiểm soát tải trọng lưu động đã đạt kết quả khá khả quan trong phòng ngừa, ngăn chặn xe quá tải hoạt động. Số vụ xe chở quá tải trọng chỉ còn chiếm 10% tổng số vụ vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, khi chương trình phối hợp kết thúc vào cuối năm 2016, ngành Công an rút lực lượng, chỉ còn Thanh tra giao thông tại trạm cân lưu động thì xe quá tải dần tái xuất. Theo phân cấp quản lý, lực lượng Thanh tra giao thông của tỉnh chỉ có quyền kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ nội tỉnh do Trung ương ủy thác, còn trên các tuyến quốc lộ do Trung ương quản lý lại rơi vào tình trạng trống trạm cân lưu động. Thực trạng trên cùng nhiều hạn chế khác dẫn đến "lọt" xe quá tải từ tuyến đường tỉnh về khu vực nông thôn. Đáng báo động, tại các huyện tái diễn tình trạng xe chở hàng trăm tấn vật liệu xây dựng, hàng chục khối gỗ thường xuyên hoạt động vào ban đêm khiến nhiều tuyến giao thông nông thôn xuống cấp nhanh, giảm tuổi thọ.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra tải trọng xe chở hàng trên Quốc lộ 21 địa phận Thành phố Nam Định.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra tải trọng xe chở hàng trên Quốc lộ 21 địa phận Thành phố Nam Định.

Theo Ban An toàn giao thông huyện Vụ Bản, địa phương trở thành địa bàn trọng điểm của tỉnh về xe chở quá tải trọng do có 4 tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua (10, 21, 37, 38B); trong đó Quốc lộ 10 là tuyến đường bộ Bắc - Nam nên có nhiều xe tải lớn lưu thông, vận chuyển hàng hóa qua địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều lái xe chở vật liệu xây dựng từ các bến bãi ở xã Yên Nhân (Ý Yên) chạy qua địa bàn cố tình chở quá tải lén lút hoạt động vào ban đêm làm hư hỏng, xuống cấp nhiều tuyến đường, nhiều cầu yếu của huyện. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, để bảo vệ hệ thống đường của địa phương, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý xe quá tải. Huyện đầu tư kinh phí lắp đặt khung giới hạn chiều cao của phương tiện vận tải trên đường địa phương, cử người gác tại các vị trí lắp đặt để kiểm soát, ngăn chặn nhưng lái xe quá tải thường liều lĩnh, bất chấp, cố tình húc phá khiến địa phương vừa tốn thời gian, chi phí sửa chữa và khó ngăn chặn xe quá tải. Năm 2018, huyện Vụ Bản đã quyết liệt xử lý xe chở quá tải, với tổng số vụ xử phạt cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, số lượng xe vi phạm chở quá tải trọng trên địa bàn vẫn còn nhiều, việc xử lý còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân do lực lượng chức năng mỏng; cân tải trọng xách tay do tỉnh trang bị cho huyện đã hỏng, phần mềm chỉ nhập dữ liệu biển kiểm soát xe 4 số khi hiện nay chủ yếu xe mang biển 5 số. Khi xử lý xe vi phạm, lái xe chây ỳ, không hợp tác đưa phương tiện đến nơi có cân điện tử để cân trong khi lực lượng chức năng không thể cẩu kéo xe vi phạm đến điểm cân tải trọng do quy mô đường quá nhỏ, dễ xảy ra va chạm với người và phương tiện đang lưu thông. Mặt khác, lực lượng chức năng của tỉnh mới chỉ phối hợp xử lý vi phạm xe chở quá tải trọng vào ban ngày mà xe quá tải thường hoạt động vào ban đêm. Tuyến Quốc lộ 10 đi qua địa bàn nhưng theo phân cấp quản lý huyện không được xử lý vi phạm trên tuyến dù nắm rõ số lượng và mức độ xe quá tải vi phạm… Đối với huyện Giao Thủy, nằm cuối tuyến giao thông của tỉnh nên lực lượng chức năng cấp tỉnh ít phối hợp xử lý vi phạm. Đặc biệt do việc thực hiện quy định bắt buộc hạ tải từ tuyến trên chưa triệt để nên công tác kiểm soát, xử lý xe quá tải ở huyện gặp nhiều khó khăn. Theo Ban An toàn giao thông Thành phố Nam Định, lực lượng Công an thành phố rất tích cực xử lý vi phạm xe quá tải trên địa bàn, tuy nhiên rất nhiều trường hợp xử phạt lái xe (tước giấy phép lái xe có thời hạn) thì chủ doanh nghiệp vận tải lại đối phó bằng cách thuê lái xe khác. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xử lý xe chở quá tải trọng, Ban An toàn giao thông thành phố đề xuất Sở Giao thông Vận tải tăng cường phối hợp rút giấy phép kinh doanh, tạm đình chỉ khai thác tuyến đối với các doanh nghiệp vận tải tái phạm quy định về tải trọng phương tiện nhiều lần.

Báo cáo tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 của Sở Giao thông Vận tải cũng khẳng định: vẫn còn tình trạng phương tiện vận tải lén lút chở hàng quá tải trọng, chủ yếu là vật liệu xây dựng trên một số cung đường ngắn tại một số địa phương. Giải thích về việc chưa triệt để yêu cầu hạ tải xe vi phạm từ tuyến trên, đồng chí Phạm Văn Đạt, Phó Chánh Thanh tra (Sở Giao thông Vận tải) cho biết, vi phạm quá tải phổ biến thuộc nhóm chở vật liệu xây dựng, đặc biệt là xe trộn bê tông tươi, dùng bom rời chứa nguyên liệu nên rất khó xử lý hạ tải. Ngoài ra còn một số loại hàng hóa khác như gỗ, xi măng cũng khó khăn về phương tiện, bãi tập kết hàng hóa. Một khó khăn khác là, theo phân cấp quản lý, chức năng xử lý vi phạm trên những tuyến giao thông liên tỉnh thuộc về Cục Quản lý đường bộ I, lực lượng chức năng cấp tỉnh chỉ được phối hợp xử lý khi cơ quan này có yêu cầu.

 Để hỗ trợ các địa phương giải quyết vướng mắc, khó khăn trong xử lý xe chở quá tải trọng, Sở Giao thông Vận tải xác định, trong năm 2019 ngành sẽ quyết liệt nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn và các cảng, bến, bãi bốc xếp hàng hóa để xử lý, ngăn chặn xe chở quá tải từ gốc, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Sở sẽ kiến nghị với Cục Quản lý đường bộ I tăng cường phối hợp xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ tại các vị trí địa phận liên tỉnh. Sở phối hợp với ngành Công an và các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người lái, chủ phương tiện vận tải và chủ các bến cảng, mỏ khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, cam kết thực hiện việc xếp hàng, chở hàng đúng tải trọng. Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm soát kết quả xử lý vi phạm của ngành Công an, kiên quyết tước phù hiệu xe hoặc tạm đình chỉ kinh doanh theo quy định nếu phát hiện các trường hợp doanh nghiệp tái phạm chở quá tải nhiều lần. Để nâng cao hiệu quả xử lý xe chở quá tải trọng, các ngành, các địa phương phải tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm, đặc biệt phải quyết liệt thực hiện các biện pháp đề ra; người dân và cán bộ thôn, xóm cần tham gia tích cực công tác phòng chống, phát hiện, tố giác vi phạm để huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân, thiết lập hệ thống phòng chống ngăn chặn xe quá tải vững chắc, khép kín địa bàn./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com