Tình hình TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến phức tạp; đặc biệt trong tháng 11-2017, tại địa bàn huyện Vụ Bản đã xảy ra vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng giữa tàu khách và xe mô tô làm 3 người chết. Từ nay đến hết năm là thời điểm hoạt động giao thông gia tăng cả lưu lượng và tốc độ phương tiện, trong khi thực trạng đường ngang qua đường sắt chưa thể cải thiện, để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường sắt, ngày 1-12-2017, UBND tỉnh đã có Văn bản số 854/UBND-VP5 yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Thông báo số 37/TB-UBND ngày 10-3-2016 của UBND tỉnh và ngành đường sắt về công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện ngay một số công việc cấp bách.
Huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường sắt đến từng hộ gia đình, người dân, đặc biệt chú trọng tuyên truyền các biện pháp phòng tránh TNGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt để nhân dân tự giác chấp hành, tự bảo vệ bản thân và phương tiện khi lưu thông qua đường ngang. Sở GTVT rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang, khẩn trương xây dựng vạch dừng xe, gờ giảm tốc tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt có nguy cơ xảy ra tai nạn cao do địa phương quản lý; kiểm tra, rà soát việc thực hiện các phần việc đã phân công theo Quy chế phối hợp số 26/QCPH-BGTVT-UBND ngày 28-6-2013 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an các huyện, thành phố có đường sắt đi qua tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; tham mưu, đề xuất, hỗ trợ lực lượng điều hòa hướng dẫn giao thông cho các địa phương trong việc đảm bảo ATGT tại các đường ngang, đường dân sinh qua đường sắt có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ xảy ra TNGT cao. UBND các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản và Thành phố Nam Định chỉ đạo quyết liệt, giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có đường sắt đi qua; phối hợp với Cty CP Đường sắt Hà Ninh xử lý dứt điểm các vi phạm về hành lang ATGT đường sắt như đặt biển quảng cáo, tập kết vật liệu, cây cối che khuất tầm nhìn...; tuyệt đối không để phát sinh thêm các lối mở tự phát qua đường sắt. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người được địa phương cử chốt gác tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tuyệt đối tuân thủ các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đã được ngành Đường sắt tập huấn. Cty CP Đường sắt Hà Ninh chủ động phối hợp với các địa phương, các lực lượng chức năng thu hẹp các lối đi dân sinh qua đường sắt để hạn chế phương tiện cơ giới qua lại, gia cố chắc chắn các lối đi đã được đóng; kiểm tra, rà soát, chủ trì thực hiện nhiệm vụ đã được phân công theo Quy chế phối hợp số 26; chủ động tăng cường phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt. Đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ GTVT sớm có giải pháp khắc phục các điểm bất hợp lý trong quá trình xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt; bố trí kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom, trước mắt xử lý cấp bách xây dựng đường gom, hàng rào cách ly tại những đoạn đường sắt có nguy cơ gây TNGT; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt./.
Thanh Thuý