Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm TNGT trên 5% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, ngay từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương rà soát, tập trung khắc phục các điểm bất cập, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự ATGT tại địa phương.
Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT) kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của xe khách. |
Trước thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông còn những điểm chưa đồng bộ tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, ngành GTVT đã tập trung kiểm tra, rà soát, thống kê những vị trí dễ xảy ra tai nạn, những điểm giao cắt nguy hiểm trên địa bàn cần xử lý ngay, ưu tiên bố trí kinh phí để khắc phục ngay những điểm xung đột, có nguy cơ cao về TNGT. Cụ thể, đã phối hợp với các địa phương, đơn vị hoàn thành việc xử lý một số điểm mất ATGT trên các tuyến quốc lộ, tại các khu vực: đầu cầu Tân Phong, ngã 3, ngã 4 Thị trấn Liễu Đề, điểm giao Quốc lộ 21B với tỉnh lộ 488C, điểm giao Quốc lộ 37B với Quốc lộ 10; đang thi công xử lý điểm đen TNGT tại Km119 Quốc lộ 10 địa phận KCN Bảo Minh; lập danh mục các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt báo cáo UBND tỉnh để đầu tư làm gờ giảm tốc; rà soát, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam sửa chữa đột xuất, bổ sung các công trình ATGT tại các khu vực đường bộ giao cắt đường sắt. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông trên đường gây hư hỏng mặt đường và gây mất ATGT được thực hiện quyết liệt. Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động liên tục 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Tại các tuyến huyện, lực lượng chức năng các địa phương tích cực sử dụng cân xách tay để kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm. Công tác quản lý vận tải hành khách được chú trọng và thực hiện thường xuyên thông qua phân tích dữ liệu thiết bị giám sát hành trình; hoàn tất lập quy hoạch và tăng cường quản lý chặt chẽ luồng tuyến vận tải; phối hợp quản lý hệ thống bến xe. Công tác quản lý vận tải dần đi vào nền nếp và chuyên nghiệp hơn dưới sự điều tiết và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Trong các chiến dịch cao điểm như kỳ nghỉ Tết Âm lịch, các lễ hội đầu xuân, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và các sự kiện chính trị trọng đại... đều bảo đảm đủ phương tiện, an toàn tuyệt đối cho tất cả hành khách. Đặc biệt, tỉnh đã thể hiện sự quyết liệt trong bảo vệ hành lang ATGT đường bộ qua việc ban hành Kế hoạch số 77 về cưỡng chế giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT, lập lại trật tự ATGT đường bộ. Trong 2 tháng cao điểm giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ (từ tháng 8 đến tháng 9), toàn tỉnh đã huy động khoảng 5.300 nhân công, 1.500 ca máy các loại (máy xúc, cẩu, ô tô vận chuyển, máy phá bê tông) giải tỏa 16.631 trường hợp vi phạm, tháo dỡ 296m2 nhà xây trái phép; 12.936m2 ki-ốt; 27.983m2 mái che; 1.868m2 tường rào; 9.610m dài tấm trượt lên xuống bằng bê tông; 5.725 biển quảng cáo; chặt, phát quang 55.887 cây xanh làm ảnh hưởng tầm nhìn và 1.875 các trường hợp vi phạm khác (để vật liệu, buôn bán trong lòng lề đường, cột điện…). Với sự phối hợp thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương và cơ quan, đơn vị chức năng, đến nay các địa phương đã cơ bản giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và một số tuyến đường giao thông nông thôn trọng điểm, đảm bảo hè đường thông thoáng, vệ sinh môi trường, thoát nước mặt đường, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT đường bộ. Đặc biệt, qua đợt cao điểm đã “xốc lại” tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp với ngành chức năng và các đơn vị quản lý cầu đường bộ của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền các xã, phường, thị trấn, từng bước khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho cơ quan chuyên môn. Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh, chuyển biến về ý thức trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT của chính quyền địa phương còn thể hiện rõ nét trong công tác phối hợp với ngành Công an xử lý các trường hợp vi phạm được người dân phát hiện và tố giác qua đường dây nóng. Nhờ đó, việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trật tự ATGT tại các vùng nông thôn, ở các tuyến đường trọng điểm liên huyện, liên xã đã được tăng cường. Ngoài ra, ngành Công an tập trung đổi mới phương pháp tuần tra, kiểm soát, tăng cường tuần tra lưu động và kiểm tra theo chuyên đề; điều tra xử lý nghiêm, kịp thời các vụ TNGT nghiêm trọng để tăng cường tính răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Phát hiện và kiên quyết xử lý các lỗi là nguyên nhân gây TNGT như: vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, đậu đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy. Đối với trật tự ATGT đường thủy, tập trung rà soát tuyến đường sông, phát hiện các nguy cơ có thể dẫn đến đâm, va, TNGT do kết cấu các cây cầu qua sông, từ đó đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bố trí kinh phí sửa chữa. Lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên các tuyến đường thủy, tập trung xử lý trên các tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao như sông Đào, sông Hồng và hoạt động bến khách ngang sông. Trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, ngành đường sắt đã quan tâm đầu tư kinh phí, bổ sung các thiết bị biển báo bảo đảm ATGT; tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, các địa phương thực hiện dự án xây dựng hệ thống đường gom và hàng rào cách ly; phân cấp, phân công cụ thể trách nhiệm quản lý và xử lý các trường hợp tái vi phạm về bảo đảm hành lang ATGT đường sắt.
Hiệu quả của các giải pháp đồng bộ quyết liệt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT 10 tháng đầu năm 2017 đã kiềm chế TNGT, giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương, không tăng số người chết. Tại hội nghị sơ kết 9 tháng vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần này trong thời gian tới, nhằm đạt mục tiêu cả năm 2017 kéo giảm tối thiểu 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy